1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Mỹ dùng máy bay vận tải "khủng" đưa các nghị sĩ tới Đài Loan

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc Mỹ điều một trong những máy bay vận tải lớn nhất của không quân để đưa 3 nghị sĩ tới Đài Loan và thông báo viện trợ vắc xin cho hòn đảo được cho là nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc.

Lý do Mỹ dùng máy bay vận tải khủng đưa các nghị sĩ tới Đài Loan - 1

Các nghị sĩ Mỹ và quan chức Đài Loan chụp ảnh sau khi máy bay vận tải C-17 chở các nghị sĩ Washington hạ cánh xuống hòn đảo ngày 6/6 (Ảnh: Reuters).

Sáng 6/6, máy bay vận tải C-17 của Không quân Mỹ, chở 3 thượng nghị sĩ Tammy Duckworth Christopher Coons và Dan Sullivan, đã hạ cánh xuống sân bay Songshan ở Đài Bắc, Đài Loan.

Theo Taiwan News, Thượng nghị sĩ Duckworth cho biết Mỹ sẽ tặng 750.000 liều vắc xin Covid-19 cho Đài Loan trong khuôn khổ kế hoạch của Washington nhằm chia sẻ hàng triệu liều vắc xin cho toàn thế giới. Nữ nghị sĩ Mỹ còn khẳng định Washington sẽ không "để Đài Loan một mình".

"Mỹ cho rằng điều quan trọng là Đài Loan đã được đưa vào nhóm đầu tiên nhận vắc xin vì chúng tôi nhận thấy nhu cầu cấp thiết của các bạn và chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác này", bà Duckworth phát biểu sau khi đặt chân tới hòn đảo.

Chuyến thăm của 3 nghị sĩ và lời hứa tặng vắc xin của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Đài Loan đang phải chật vật đối phó với làn sóng Covid-19 mới. Chỉ trong 1 tháng qua, tổng số ca mắc Covid-19 ở Đài Loan tăng 800%, trong đó ca lây nhiễm cộng đồng tăng tới gần 10.000%. 

Đài Loan vốn được coi là một trong những "thành trì" chống dịch tốt nhất thế giới, tuy nhiên, chương trình tiêm chủng vắc xin lại khá chậm trễ. Hòn đảo cũng đang gặp tình trạng thiếu vắc xin, khi mới chỉ 3% dân số của hòn đảo được tiêm chủng và hầu hết mới chỉ tiêm 1 liều.

Giới chức Đài Loan hoan nghênh chuyến thăm của các nghị sĩ và sự hỗ trợ vắc xin đúng thời điểm của Mỹ. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn ca ngợi 750.000 liều vắc xin của Mỹ là "cơn mưa kịp thời" giúp giải tỏa "cơn khát" vắc xin của Đài Loan, mặc dù vẫn chưa rõ khi nào Mỹ sẽ chuyển vắc xin cho hòn đảo.

Trái ngược với sự hào hứng khi tiếp nhận lô vắc xin của Mỹ, Đài Loan trước đó đã thẳng thừng từ chối khi Trung Quốc đại lục ngỏ lời sẵn sàng cung cấp khẩn cấp vắc xin để giúp hòn đảo chống dịch.

Đài Loan nhiều lần thể hiện rằng họ không tin tưởng vào vắc xin của Trung Quốc và tức giận việc Bắc Kinh luôn tìm cách cản trở hòn đảo tiếp cận Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đài Loan cũng cáo buộc Bắc Kinh là nguyên nhân khiến hòn đảo gặp khó khăn trong việc tăng nguồn cung vắc xin Covid-19 từ các nước khác. Đài Loan cho rằng đây là một phần trong chiến dịch của Trung Quốc đại lục nhằm cô lập hòn đảo.

Chuyến thăm hôm 6/6 là sự kiện mới nhất trong một loạt chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Đài Loan trong những tháng gần đây khiến Bắc Kinh tức giận. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft, Bộ trưởng Y tế Alex Azar và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đều đã đến thăm Đài Loan. Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cập nhật các hướng dẫn của nước này nhằm cho phép các quan chức Mỹ "khuyến khích sự can dự của chính phủ Mỹ với Đài Loan".

Phản ứng của Trung Quốc và thông điệp của Mỹ

Lý do Mỹ dùng máy bay vận tải khủng đưa các nghị sĩ tới Đài Loan - 2

Máy bay vận tải chở các nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan ngày 6/6 (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc đã tìm cách "giải mã" chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan cũng như kế hoạch tặng vắc xin cho hòn đảo.

Lu Xiang, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan là một hành động "khiêu khích có chủ ý" và được "ngụy trang" dưới hình thức cung cấp vắc xin. Ông Lu cho rằng Bắc Kinh sẽ "không ngồi yên" trước động thái này.

Theo Sputnik, tại cuộc họp báo ngày 7/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh phản đối "mạnh mẽ" chuyến thăm của nhóm nghị sĩ Mỹ. Ông cũng kêu gọi Mỹ "thận trọng khi xử lý vấn đề Đài Loan và tránh gửi bất kỳ tín hiệu sai lầm nào cho các lực lượng ly khai" trên hòn đảo.

Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời, sẵn sàng sáp nhập bằng mọi cách, kể cả vũ lực và phản đối mọi liên hệ cấp cao giữa Mỹ với chính quyền hòn đảo.

Theo chuyên gia Lu Xiang, Mỹ hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề viện trợ vắc xin cho Đài Loan thông qua các công ty thương mại mà không cần đến sự hiện diện của các nghị sĩ cũng như máy bay quân sự. Chuyên gia Trung Quốc thậm chí mô tả chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ là "hành động khiêu khích nghiêm trọng nhất" kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Theo các chuyên gia quân sự, chuyến thăm của 3 thượng nghị sĩ cũng tạo một "vỏ bọc" cho một cuộc trao đổi quân sự giữa Mỹ và Đài Loan.

Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói rằng C-17 là máy bay vận tải chiến lược. Trong Không quân Mỹ, C-17 là máy bay vận tải chiến lược lớn thứ hai sau C-5 Galaxy.

Theo chuyên gia Song, việc máy bay chiến lược của Không quân Mỹ hạ cánh xuống Đài Loan cho thấy hợp tác quân sự và trao đổi giữa Mỹ và hòn đảo đang gia tăng. Chuyên gia Trung Quốc nhận định mục đích của việc chở 3 thượng nghị sĩ tới Đài Loan là nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi bản chất của hoạt động giao lưu quân sự.

Chuyên gia Song dự đoán, C-17 có lẽ đã chở một lượng lớn thiết bị quân sự cho Đài Loan hoặc cho Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT), đồng thời chỉ ra rằng khoảng thời gian 3 giờ mà C-17 lưu lại ở sân bay Đài Loan đủ để hai bên bốc dỡ hết hàng hóa.

Chỉ một ngày trước chuyến thăm Đài Loan của các chính trị gia Mỹ, Đài Loan thông báo lực lượng vũ trang của hòn đảo sẽ tiến hành bắn thử vũ khí mua từ Mỹ. Đài Loan cũng cáo buộc máy bay quân sự đại lục đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Giới phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng ngoài mục đích quân sự, chuyến thăm của nhóm nghị sĩ Mỹ cũng gửi thông điệp chính trị cho Bắc Kinh, cho thấy sự thách thức của Washington với nguyên tắc Một Trung Quốc, đồng thời "dọn đường" cho việc tăng cường sự kết nối giữa Washington và hòn đảo trong tương lai.

Một số nhà phân tích cho rằng, động thái mới nhất của Mỹ tại Đài Loan trước chuyến công du châu Âu của Tổng thống Biden để tham dự cuộc họp của Nhóm G7 ở Anh nhằm chứng minh cho các đồng minh của Mỹ thấy rằng, chính quyền Biden không "lép vế" trước Trung Quốc.