1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý do lựu pháo phương Tây cấp cho Ukraine liên tục hỏng hóc

Minh Phương

(Dân trí) - Việc quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo với tần suất quá lớn khiến các hệ thống này liên tục hỏng hóc.

Lý do lựu pháo phương Tây cấp cho Ukraine liên tục hỏng hóc - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo M777 (Ảnh: Reuters).

New York Times dẫn các nguồn tin quân sự cho hay, mỗi ngày quân đội Ukraine khai hỏa 2.000-4000 quả đạn pháo nhằm vào các mục tiêu của Nga, sử dụng các khẩu pháo công nghệ cao do Mỹ và đồng minh cung cấp. Pháo binh Ukraine thường khai hỏa ở khoảng cách rất xa để tránh bị Nga đáp trả, buộc họ phải sử dụng liều phóng mạnh hơn để đầu đạn bay xa hơn. Điều này khiến nhiệt lượng sinh ra trong quá trình khai hỏa cao hơn, làm nòng pháo bị tổn hại nhanh hơn.

Sau nhiều tháng sử dụng với tần suất lớn, những hệ thống này bắt đầu bị hỏng, hư hại, cần phải rút khỏi chiến trường để sửa chữa. Khi một khẩu pháo bị hỏng, các khẩu pháo còn lại sẽ phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp hỏa lực, do đó chúng càng hao mòn nhanh hơn và làm phức tạp hơn nỗ lực bảo dưỡng, sửa chữa.

Theo giới chức quốc phòng Mỹ, khoảng 1/3 trong tổng số 350 lựu pháo mà phương Tây cấp cho Ukraine trục trặc. Việc sửa chữa ngay trên chiến trường là không thể, trong khi đó, Ukraine muốn những hệ thống này được sửa chữa ở cơ sở gần tiền tuyến để nhanh chóng trở lại đơn vị sau khi khôi phục.

Do vậy, Mỹ đã hỗ trợ bằng cách lập một trung tâm sửa chữa ở Ba Lan có tên gọi Trung tâm chỉ huy châu Âu. Việc bảo trì ở Ba Lan chủ yếu là thay nòng pháo. Thay mới nòng pháo với chiều dài lên đến 6m và trọng lượng trên 1 tấn, nằm ngoài năng lực của các binh sĩ trên tiền tuyến.

Hoạt động sửa chữa này đã bắt đầu từ vài tháng trở lại đây. Tình trạng vũ khí của Ukraine là một trong các vấn đề được nhiều quan chức quốc phòng Mỹ quan tâm chặt chẽ, Daniel Day, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, cho hay.

Hôm 25/11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh này không có bất cứ hoạt động nào bên trong lãnh thổ Ukraine và đây là bằng chứng NATO không phải một bên tham chiến. Tuy nhiên, hồi tháng 10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, việc phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine đã cho thấy liên minh này là một bên can dự vào cuộc chiến và điều này chỉ khiến xung đột kéo dài.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2 đến nay, các nước phương Tây đã viện trợ hàng tỷ USD cho Kiev, trong đó, Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất. Theo số liệu của Lầu Năm Góc, tính đến 23/11, Mỹ đã cam kết chuyển 142 lựu pháo 155mm cho Ukraine, 924.000 quả lựu pháo và nhiều loại vũ khí khác.

Các khẩu pháo hiện đại do phương Tây viện trợ được cho là đã góp phần đáng kể giúp Ukraine cản đà tiến công của lực lượng Nga. Kiev đang tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm hệ thống phòng không để bảo vệ các hạ tầng quan trọng trong bối cảnh Moscow tăng cường tập kích nhằm vô hiệu hóa hạ tầng năng lượng của Ukraine hai tháng trở lại đây.

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine