1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Xe tăng T-80 Nga - từ đỉnh cao đến cơ hội "hồi sinh" tại Ukraine

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

(Dân trí) - Sau hơn 1 năm tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, lực lượng xe tăng Nga tổn thất không hề nhỏ, cần nhanh chóng được bù đắp và tăng cường sức chiến đấu.

Xe tăng T-80 Nga - từ đỉnh cao đến cơ hội hồi sinh tại Ukraine - 1

T-80BVM sau khi được nâng cấp (Ảnh: Vitaly Kuzmin).

Cuối năm ngoái và đầu năm nay, Nga tuyên bố đến năm 2023 sẽ sản xuất ít nhất 1.600 xe tăng T-90M Proryv, một phần đáng kể trong số đó sẽ được sử dụng ngay lập tức. Tuy vậy, năng lực của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga được cho là khó hoàn thành mục tiêu trên.

Vậy Nga phải làm thế nào để nhanh chóng bổ sung lực lượng? Câu trả lời khả dĩ nhất: "Hồi sinh" dòng xe tăng T-80.

Niềm tự hào của Lục quân Xô viết bị "thất sủng"

Kế thừa kinh nghiệm từ Thế chiến 2, trong nửa cuối thế kỷ XX,  các nhà quân sự Liên Xô hết sức sùng bái sức mạnh xe tăng và đã tập trung nhiều tài lực để phát triển các thế hệ xe tăng hiện đại nhằm bảo vệ vững chắc đất nước Xô Viết và một loạt nước anh em trong khối Vác-xa-va.

Sau thành công vang dội của họ xe tăng T-54 và T-55 thời kỳ hậu Thế chiến 2, sự căng thẳng của cuộc chạy đua vũ trang giữa hai "phe" Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa đòi hỏi có những đột phá mạnh mẽ hơn trong chế tạo xe tăng.

Xe tăng T-62 ra đời năm 1961 với hy vọng đáp ứng được yêu cầu đó.

Tuy nhiên T-62 nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu chí tử như: công suất riêng quá nhỏ (14,5 mã lực/tấn) nên sức cơ động không cao; về pháo dù đã tăng cỡ nòng lên 115mm nhưng vẫn dùng hệ thống điều khiển hỏa lực và ổn định cũ nên độ chính xác thấp, khả năng phòng hộ cũng kém.

Không thể dừng lại ở đó, cuộc chạy đua vẫn tiếp tục và năm 1964, một mẫu xe tăng mới mang nhiều nét đột phá đã ra đời, đó là T-64, được ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất lúc bấy giờ.

Xe có thiết bị nạp đạn tự động, trang bị máy đo xa laser, dùng pháo nòng trơn 125 mm ổn định 2 mặt phẳng với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, sử dụng giáp phức hợp cùng các thiết bị bảo vệ nhằm nâng cao khả năng sống còn, giúp T-64 trở thành một trong những mẫu xe tăng hiện đại nhất thế giới bấy giờ.

Mẫu T-64 tiếp tục được nghiên cứu phát triển thành xe tăng T-80 với nhiều phiên bản khác nhau được sản xuất và đưa vào trang bị từ năm 1976.

Đây là loại xe tăng chủ lực đầu tiên của Liên Xô dùng động cơ turbine khí. Với công suất riêng rất lớn, tới 25 mã lực/tấn, T-80 có khả năng cơ động cực cao, đạt tốc độ trên 70km/h và được mệnh danh "xe tăng bay".

Cho đến nay, đã có khoảng 13.000 chiếc T-64 và hơn 5.000 chiếc T-80 được sản xuất. Chúng đã và vẫn đang là một trong các xe tăng chủ lực của quân đội Xô Viết trước đây và quân đội Nga hiện nay.

Riêng dòng xe tăng T-80 được coi là niềm tự hào của Lục quân Xô Viết và không dành cho xuất khẩu. Tuy nhiên, để đạt được sự ưu việt đó, T-80 có giá thành cao ngất ngưởng, khiến cho các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng e ngại khi theo đuổi dự án này. Vì vậy, một dòng xe mới cũng được nghiên cứu phát triển từ năm 1971 và ra mắt năm 1977, đó là mẫu xe tăng T-72.

Trên cơ sở phát triển mẫu xe T-62, đồng thời tiếp thu một số tiến bộ của dòng xe T-64 như vũ khí và hệ thống điều khiển hỏa lực, thiết bị nạp đạn tự động, máy đo xa, giáp bảo vệ,... T-72 nhanh chóng trở thành dòng xe tăng chủ lực thứ hai bên cạnh dòng T-64, T-80.

So với T-80, T-72 có một số điểm kém hơn như khả năng phòng hộ, sức cơ động việt dã, bù lại, chúng có một ưu điểm không thể bỏ qua là chi phí thấp. Vào năm 1986, 1 chiếc T-80U có giá tới 824.000 rúp (800.000 - 900.000 USD theo tỷ giá thời đó), trong khi T-72B chỉ có 280.000 rúp.

Bởi vậy, T-72 đã được sản xuất với số lượng lớn và xuất khẩu ra nhiều nước. Cho đến nay T-72 đã được sử dụng ở hơn 40 quốc gia và đã được sản xuất khoảng 25.000 chiếc. Còn số lượng T-80 được xuất xưởng chỉ là 5.000 và chủ yếu bố trí ở các nước Đông Âu, nơi đối đầu trực tiếp với xe tăng khối NATO.

Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga được kế thừa khoảng 3.500 xe T-80, số còn lại chủ yếu thuộc sở hữu của Ukraine.

Tuy nhiên, do tình hình thế giới đã thay đổi, chiến thuật tác chiến xe tăng cũng thay đổi trong khi chi phí vận hành và bảo trì của T-80 quá đắt đỏ nên Nga chỉ để lại trong biên chế khoảng 500 xe, còn lại hơn 3.000 chiếc đưa vào bảo quản dài hạn.

Không rõ có phải do các kho bảo quản của Nga đã quá chật chội hay không mà rất nhiều T-80 không được nằm trong kho mà xếp hàng để ngoài trời trông gỉ sét như sắp đem bán phế liệu. Vậy là từ niềm tự hào một thời của Lục quân Xô Viết, xe tăng T-80 bị "thất sủng".

Xe tăng T-80 Nga - từ đỉnh cao đến cơ hội hồi sinh tại Ukraine - 2

Nga được cho là đang gom xe tăng T-80BV về các nhà máy để sửa chữa, nâng cấp, sẵn sàng tham chiến ở Ukraine (Ảnh: Clash Report).

Cơ hội để T-80 "hồi sinh" đã đến?

Sau vài thập niên nằm vạ vật ở các bãi xe ngoài trời, nhiều chiếc xe tăng T-80 đã bị han gỉ, xuống cấp nặng nề. Song dường như đã đến lúc người Nga thấy cần thiết phải hồi sinh chúng.

Vào khoảng các năm 2017-2018, xuất phát từ nhu cầu mở rộng và bảo vệ lãnh địa phương Bắc lạnh giá, cần thiết phải đưa đến đây những loại xe tăng sử dụng động cơ turbine khí. Và đó chính là cơ hội đầu tiên để T-80 hồi sinh. Tuy nhiên, con số T-80 được phục hồi vẫn còn khá khiêm tốn.

Chỉ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì cơ hội đó lại một lần nữa xuất hiện rõ ràng hơn.

Mặc dù không có con số cụ thể, nhưng căn cứ vào diễn biến chiến trường cũng như chỉ thị tăng công suất tối đa của các nhà máy chế tạo xe tăng cho thấy tổn thất về xe tăng của Nga là không hề nhỏ.

Trong khi đó, ngoài số xe tăng trong biên chế, Ukraine còn được các nước phương Tây cam kết hỗ trợ hơn 300 xe tăng, bao gồm Challenger 2 của Anh, Leopard 2 của Đức và có thể là thêm cả M1 Abrams của Mỹ. Đây đều là những loại xe tăng hiện đại có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao và khả năng phòng hộ tốt, đòi hỏi Nga phải có một lực lượng xe tăng hiện đại tương xứng.

Bởi vậy, Nga đã ban hành lệnh nâng công suất sản xuất quân sự lên tối đa. Thời gian làm việc tại các nhà máy chế tạo xe tăng không phải 8 tiếng một ngày nữa mà là 12, đôi khi 14 tiếng.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, công suất sản xuất xe tăng của Nga phải đạt 150 chiếc/tháng mới đủ bù đắp lượng xe tăng bị tổn thất trên chiến trường.

Tuy nhiên, tại thành phố Nizhny Tagil, nơi đặt tổ hợp UralVagonZavod - nhà máy sản xuất xe tăng lớn nhất của Nga, lại không có đủ lực lượng lao động. Dân số của thành phố chỉ hơn 300.000 người. Vì vậy Nga buộc phải huy động những người từ các vùng khác tới. Điều này cũng gây phát sinh chi phí như chỗ ở, khí đốt, điện, nước, thực phẩm và phương tiện đi lại.

Thiếu nhân sự và phải huy động nguồn lực từ các khu vực khác dẫn đến trình độ chuyên môn không đồng đều ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của nhà máy.

Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất xe tăng của Nga còn phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ phương Tây. Họ không còn nhập khẩu được các linh kiện và thiết bị điện tử chất lượng cao như yêu cầu đối với hệ thống điều khiển hỏa lực cũng như hệ thống bảo vệ chủ động.

Tất cả những khó khăn đó đã ảnh hưởng đến công suất cũng như chất lượng sản xuất xe tăng của Nga. Và thực tế, công suất tối đa của các nhà máy chế tạo xe tăng chỉ đạt 50 chiếc/tháng, còn xa mới có thể đáp ứng nhu cầu bổ sung cho chiến trường.

Trong điều kiện đó, con đường nhanh nhất, ngắn nhất để bù đắp các tổn thất về xe tăng của Nga là cho hồi sinh các dòng xe tăng cũ đang trong trạng thái bảo quản.

Và để nhanh chóng có một lực lượng xe tăng đủ sức đối đầu với các xe tăng hiện đại do các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine thì không gì bằng cho hồi sinh dòng T-80.

Xe tăng T-80 Nga - từ đỉnh cao đến cơ hội hồi sinh tại Ukraine - 3

Đầu tháng 6 vừa qua, Nga được cho là đang gom xe tăng T-80BV về các nhà máy để sửa chữa, nâng cấp, sẵn sàng tham chiến ở Ukraine (Ảnh: Clash Report).

Cơ hội "hồi sinh" dòng xe tăng T-80 đã đến rồi chăng? Trên thực tế, có thông tin cho rằng Nga đang thu gom một lượng lớn xe tăng loại này đưa đến các nhà máy để sửa chữa, nâng cấp, rồi sau đó đưa chúng sang tham chiến ở Ukraine.

Nếu được nâng cấp lên chuẩn T-80BVM, những chiếc T-80 cũ sẽ có sức mạnh mới đáng nể. Trên thực tế, một số xe tăng T-80BVM đã tham chiến ở Ukraine và chứng minh được hiệu quả. 

T-80BVM là phiên bản nâng cấp của dòng xe tăng T-80BV, ra mắt công chúng vào năm 2017 và được đưa vào biên chế quân đội Nga năm 2019. T-80BVM sau cải tiến đã tăng cường đáng kể về hỏa lực, khả năng bảo vệ và khả năng cơ động so với xe tăng nguyên bản.

T-80BVM được cải tiến lớp giáp phản ứng nổ Relikt tương đương với các xe tăng T-90, cung cấp khả năng bảo vệ chống lại các loại đạn chống tăng thế hệ mới.

Hỏa lực chính được trang bị cho T-80BVM là pháo nòng trơn 2A46M-4 cỡ nòng 125 mm, có độ chính xác tăng 15-20% so với phiên bản trước, tầm bắn hiệu quả 2-3 km, và độ xuyên giáp khoảng 590-630 mm ở cự ly 2.000 m.

Xe tăng cũng có thể phóng tên lửa chống tăng 9M119 Refleks dẫn đường laser bán tự động và có xác suất trúng đích được công bố là 80% ở cự ly 4.000 m và 70% ở cự ly 5.000 m. Với tốc độ khai hỏa 6-8 phát/phút, tầm bắn 4-5km, tên lửa hoàn toàn có khả năng tấn công các trực thăng bay tầm thấp.

Với những tính năng kỹ - chiến thuật này, T-80BVM Nga thừa sức đối phó với các dòng xe tăng hiện đại phương Tây hiện có trong trang bị của quân đội Ukraine.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm