1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý do khiến Nhà thờ Đức Bà Paris khó có thể phục dựng như nguyên bản

(Dân trí) - Các chuyên gia cho biết Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ không thể được phục dựng chính xác như nguyên bản trước khi xảy ra vụ cháy vì Pháp không còn đủ những cây gỗ to để làm lại phần kiến trúc bị ngọn lửa thiêu rụi.

Cảnh tượng ngổn ngang bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy
Lý do khiến Nhà thờ Đức Bà Paris khó có thể phục dựng như nguyên bản - 1

 Mái vòm của Nhà thờ Đức Bà Paris được làm từ hàng nghìn cây gỗ bị hư hại sau vụ cháy hôm 15/4. (Ảnh: Reuters)

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào tối 15/4 tại Nhà thờ Đức Bà Paris, một di sản văn hóa thế giới ở thủ đô của Pháp, đã khiến phần tháp nhọn và mái vòm của nhà thờ bị thiêu rụi và đổ sập.

Theo ông Bertrand de Feydeau, phó chủ tịch Quỹ Di sản Pháp, phần mái vòm của Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ không thể được phục dựng chính xác như nguyên bản trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn.

Ông Feydeau nhận định quá trình phục dựng nhà thờ sau hỏa hoạn sẽ phải sử dụng tới những công nghệ mới để làm lại phần mái bị phá hủy.

“Hiện tại, trên lãnh thổ Pháp, chúng ta không còn những cây gỗ với kích cỡ tương đương những cây từng được chặt vào thế kỷ 12 và 13 (để làm mái vòm nhà thờ)”, ông Feydeau cho biết.

Ông Feydeau đã nói với đài France Info rằng phần mái gỗ của Nhà thờ Đức Bà Paris vừa bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn được làm từ những dầm gỗ có tuổi đời hơn 800 năm. Đây là những cây gỗ được trồng trong các khu rừng nguyên sinh.

Lý do khiến Nhà thờ Đức Bà Paris khó có thể phục dựng như nguyên bản - 2
Lý do khiến Nhà thờ Đức Bà Paris khó có thể phục dựng như nguyên bản - 3

Cảnh tượng đổ nát bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn. (Ảnh: Reuters)

Theo Dailymail, trong các khu rừng tại Pháp vào thời kỳ Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng có những cây gỗ được trồng từ thế kỷ thứ 7 và thứ 8. Điều này đồng nghĩa với việc một số dầm gỗ bị thiêu rụi trong đám cháy tại nhà thờ gần đây có thể có tuổi đời lên tới 1.300 năm.

Ước tính toàn bộ phần dầm của Nhà thờ Đức Bà Paris, công trình kiến trúc 850 tuổi ở trung tâm Paris, được làm từ 1.300 cây gỗ. Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng với thiết kế dầm gỗ và chạm khắc gỗ mang đặc trưng của kiến trúc Gothic.

Những công trình được xây dựng theo phong cách Gothic như Nhà thờ Đức Bà Paris có đặc trưng là mái vòm cao. Theo đó, để xây dựng nhà thờ, các kiến trúc sư cần đến những cây gỗ cao, vững chắc và cứng rắn được lấy từ các khu rừng tại Pháp. Những cây gỗ này được chặt vào khoảng năm 1160.

Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những công trình gỗ lâu đời nhất còn sót lại tại Paris. Số cây bị chặt vào thế kỷ 12 để xây dựng nhà thờ bao phủ diện tích khoảng 21 hecta đất. Một số nguồn tin cho biết 13.000 cây gỗ đã được chặt trong quá trình xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.

Chia sẻ với CNN, linh mục Patrick Chauvet của Nhà thờ Đức Bà Paris cho biết cấu trúc mái vòm thời trung cổ, phần lớn được làm từ gỗ sồi, “đã bị phá hủy” sau vụ cháy.  Khuôn viên bên trong nhà thờ này có chiều dài và rộng khoảng 128m và 40m với mái vòm cao khoảng 42m.

Lý do khiến Nhà thờ Đức Bà Paris khó có thể phục dựng như nguyên bản - 4

Khung dầm gỗ của Nhà thờ Đức Bà Paris được làm từ những cây gỗ hàng trăm năm tuổi. (Ảnh: Wikipedia)

David Elstone, giám đốc điều hành Hiệp hội Khai thác gỗ có trụ sở tại tỉnh Bristish Columbia, Canada cho biết tỉnh này không có loại gỗ sồi phù hợp đúng như nguyên bản của Nhà thờ Đức Bà Paris trước đây. Tuy nhiên, nếu các kiến trúc sư yêu cầu loại gỗ mềm để phục dựng nhà thờ, Canada có thể sẵn sàng giúp Pháp.

“Chúng tôi có loại cây có thể phù hợp với nhu cầu của các kiến trúc sư đang tìm cách phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris. Chúng tôi có những cây gỗ cao, khỏe mà bạn không thể tìm thấy ở những khu vực khác”, ông Elstone cho biết, đồng thời nói rằng những cây gỗ lâu đời nhất không phải lúc nào cũng là những cây gỗ to nhất.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2018, hiện chỉ còn 4% diện tích đất rừng còn lại tại châu Âu là rừng nguyên sinh chưa chịu tác động bởi hoạt động của con người, trong đó không còn khu rừng nguyên sinh nào có diện tích lớn hơn 500km2 ở ngoài lãnh thổ Nga hoặc Bắc Âu.

Tiến sĩ Francesco Maria Sabatini, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học Đức, cho biết mặc dù rừng bao phủ gần 1/3 lục địa Pháp, nhưng chỉ 0,01% diện tích này là chưa bị con người khai thác, trong đó có những cây gỗ tuổi đời từ 200-400 năm.

Thành Đạt

Tổng hợp