Lý do khiến Covid-19 tái bùng phát mạnh chưa từng có ở Đức
(Dân trí) - Mặc dù đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhưng do nhiều yếu tố khác nhau mà Đức hiện tại đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất từ trước đến nay.
Đức đã duy trì được tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở mức thấp trong suốt mùa hè năm nay. Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, số ca Covid-19 tại nước này bắt đầu tăng mạnh trở lại gần đây. Hôm 5/11, Đức ghi nhận hơn 37.000 ca mắc mới, cao nhất kể từ đầu dịch. Đức cũng ghi nhận tuần có tỷ lệ mắc Covid-19 cao chưa từng thấy, khoảng 201 ca trên 100.000 người.
Các chuyên gia cho rằng, lý do khiến Covid-19 tái bùng phát mạnh và có thể tồi tệ hơn nữa trong những tháng mùa đông sắp tới là bởi Đức đã tránh được một đợt lây nhiễm vào mùa hè dẫn đến miễn dịch tự nhiên trong dân số thấp trong khi hiệu quả miễn dịch nhờ vaccine đang suy giảm sau 6 tháng tiêm mũi hai.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân đằng sau làn sóng bùng phát mới, ví dụ như việc chậm triển khai tiêm chủng mũi tăng cường cho nhóm người có nguy cơ cao hay nhiệt độ thấp khiến các hoạt động ở môi trường khép kín nhiều hơn.
"Những con số này thật đáng ngại", Giáo sư Lothar Wieler, người đứng đầu Viện nghiên cứu Robert Koch thuộc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đức, bình luận. Ông cũng cho rằng, hiện nay, người dân có tâm lý lơ là thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội.
Tiêm chủng chững lại
Hơn 67% dân số Đức đã được tiêm chủng đủ hai mũi vaccine Covid-19 tiêu chuẩn. Giới chuyên gia cho rằng, độ phủ vaccine cao giúp Đức duy trì tỷ lệ bệnh nhân nặng hoặc tử vong do Covid-19 ở mức thấp trong các đợt dịch trước. Tuy nhiên, Đức, quốc gia đông dân nhất EU với hơn 83 triệu người, đang chật vật để tăng tỷ lệ tiêm chủng đang có xu hướng chững lại gần đây.
Không giống với một số nước châu Âu khác, Đức không bắt buộc tiêm vaccine đối với người lao động bởi lo ngại vấn đề pháp lý và gây bất bình dư luận.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuần trước cho biết, khoảng 50% hộ lý, điều dưỡng, bao gồm cả những người chăm sóc người già và các nhóm nguy cơ khác, vẫn chưa tiêm chủng. Hơn 16 triệu người Đức trên 12 tuổi vẫn chưa tiêm chủng, trong đó có 3,2 triệu người trên 60 tuổi.
Hệ quả từ thành công ban đầu
Giáo sư Đại học Bonn, ông Hendrik Streeck, cho rằng chính thành công của Đức trong việc ứng phó Covid-19 giai đoạn đầu cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến những lỗ hổng khiến dịch bùng phát mạnh hiện nay.
Khi số ca nhiễm giảm mạnh vào mùa hè năm nay, Đức đã dỡ bỏ dần các hạn chế, các trường học từ mầm non đến đại học và doanh nghiệp được mở cửa trở lại. Một số bang đã áp dụng cơ chế thẻ xanh Covid-19 gần đây với người muốn vào các nhà hàng, phòng gym và nhiều địa điểm công cộng khác, nhưng việc kiểm soát đang trở nên lỏng lẻo hơn. Trái với Đức, Italia đã đưa ra chính sách tiêm chủng bắt buộc với toàn bộ người lao động từ tháng 10 hoặc sẽ phải xét nghiệm thường xuyên nếu không sẽ bị xử phạt.
Mặt khác, tuy không so sánh trực tiếp, nhưng giáo sư Streek cho rằng, người dân Anh, Pháp và Italy nhiễm bệnh nhiều hơn trong các làn sóng trước, do đó có tỷ lệ miễn dịch trong dân cao hơn ở Đức.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự suy giảm miễn dịch nhờ vaccine cũng là một nguyên nhân khiến số ca nhiễm ở Đức tăng nhanh. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Robert Koch, khoảng 26% bệnh nhân Covid-19 tại các khoa hồi sức cấp cứu đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ này là 34% ở nhóm bệnh nhân trên 60 tuổi.
Giáo sư Leif Erik Sander, chuyên gia về vaccine tại Bệnh viện Đại học Charite ở Berlin, cho biết khoảng 40% người trên 60 tuổi không có kháng thể trung hòa chống lại biến chủng Delta sau 6 tháng được tiêm chủng đầy đủ. Theo ông, khoảng 30 triệu người Đức thuộc nhóm nguy cơ cao gồm người già và người có bệnh nền nghiêm trọng, cần được tiêm vaccine Covid-19 mũi ba tăng cường.
Chuyên gia virus học Jonas Schmidt-Chanasit tại Đại học Hamburg, nói làn sóng Covid-19 hiện nay ở Đức không có gì ngạc nhiên bởi Đức vẫn chậm trễ hơn so với các nước láng giềng trong việc triển khai tiêm mũi tăng cường. Ông cho rằng, những người đã tiêm chủng không phải xét nghiệm theo quy định hiện hành, dù vẫn có khả năng nhiễm virus, cũng góp phần làm tăng tỷ lệ lây nhiễm hiện nay.
"Nhiều người có thể không hiểu rõ rằng vaccine chủ yếu giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong, chứ không phải ngăn nguy cơ lây nhiễm", ông nói. Ví dụ, sau khi dỡ bỏ toàn bộ lệnh hạn chế phòng dịch, Anh cũng đang chứng kiến một đợt tái bùng phát mạnh dù có tỷ lệ tiêm chủng tương tự Đức, nhưng tỷ lệ tử vong do Covid-19 chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, khác Đức, Anh được cho là có hệ thống dữ liệu kiểm soát dịch tốt hơn.
Cho dù lý do nào, giáo sư Streeck cho rằng, làn sóng lây nhiễm ở Đức sẽ dần trở nên bình thường khi Đức tìm cách sống chung với virus khi phần lớn dân số đạt được khả năng miễn dịch bằng cách tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên.