Lý do Anh xoay trục sang Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, để mắt đến Biển Đông
(Dân trí) - Anh đang điều chỉnh chính sách kinh tế, đối ngoại và an ninh quốc phòng theo hướng xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nỗ lực khẳng định vị thế toàn cầu mới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/3 đã công bố Bản đánh giá chính sách quốc phòng, an ninh, phát triển và đối ngoại mới của Anh sau khi rút khỏi Liên minh châu u (EU). Thủ tướng Johnson nói rằng, Anh đang đối mặt với một thế giới "nhiều cạnh tranh, thách thức và cả những cơ hội".
Trong chính sách mới này, chính quyền của ông Johnson thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương , khu vực với các tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Anh không có nhiều tài sản quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng dường như các động lực kinh tế và chính trị đã thúc đẩy đưa anh trở lại khu vực này.
Anh xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Về kinh tế, lợi ích có thể thấy rõ khi Anh xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đó là có thể tiếp cận các thị trường rộng mở, tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss cho rằng, CPTPP giúp Anh tiếp cận thị trường với gần 500 triệu dân, quy mô GDP hơn 10.000 tỷ USD tương đương 14% GDP toàn cầu.
BBC nhận định, việc chính phủ Anh điều chỉnh chiến lược ngoại giao, an ninh, quân sự là bởi nhận thấy hệ thống toàn cầu hiện nay không còn phù hợp với quyền lợi của Anh hậu Brexit.
"Các liên minh mới sẽ cần được xây dựng quanh việc chuyển hướng, đem trọng tâm của ngoại giao và quân sự về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, liên kết với các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Bao lâu nay, vị thế của Anh được định nghĩa bằng tư cách thành viên EU và mối quan hệ với Mỹ. Nhưng nay Brexit đã thay đổi mọi việc. Chính phủ Anh muốn tìm cho quốc gia một vai trò toàn cầu mới", BBC bình luận.
Ngoài ra, Guardian dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng, Anh hậu Brexit cần các vùng biển thương mại mới và sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đòi hỏi Anh có những phản ứng rõ ràng hơn nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế về biển.
"Vấn đề địa chính trị duy nhất trên thế giới hiện nay là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mọi thứ khác đều trở nên không đáng kể, và để trở thành một nước Anh toàn cầu, Anh phải chấp nhận một thực tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trung tâm địa chính trị mới", Alexander Downer, cựu cao ủy Australia tại Anh, nhận định.
Ông Downer cũng bình luận thêm: "Ở Biển Đông, có một thực tế là Trung Quốc đang tìm cách tuyên bố chủ quyền thông qua sức mạnh bất chấp luật pháp quốc tế. Anh cần ngăn chặn điều đó. Anh có thể bán được ít ô tô Bentley ở Thượng Hải hơn, nhưng điều đó không thành vấn đề. Vấn đề là chiến tranh và hòa bình".
Trước đó, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên sau khi Anh rời EU, Thủ tướng Johnson nói, "sự thành công của Anh phụ thuộc vào an ninh đất nước, vào sự ổn định của khu vực Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, hiện giờ Anh đang xoay trục sang hướng đông và cần phát đi một thông điệp cứng rắn với Trung Quốc.
Một số nước EU trong đó có Pháp và Đức gần đây đã đưa ra các chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Pháp gần đây đã đưa tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu khu trục Surcouf tới Thái Bình Dương để thực hiện sứ mệnh tuần tra, huấn luyện. Đức dự kiến điều tàu khu trục đến Biển Đông vào tháng 8 tới. Trong khi đó, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ bắt đầu sứ mệnh tại khu vực vào tháng 5.
Khi còn là ngoại trưởng năm 2018, ông Johnson từng nói điều đầu tiên sẽ làm với hai tàu sân bay của Anh là cử các tàu này tham gia chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông để củng cố niềm tin vào trật tự thế giới dựa trên luật lệ và tự do hàng hải ở các vùng biển quan trọng với thương mại quốc tế.
Thế khó của Anh
Chính sách xoay trục của Anh nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, song mặt khác cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại. Trong đó, Tom Sharpe, một cựu tư lệnh hải quân và cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh, cho rằng Trung Quốc có thể sẽ phản ứng mạnh khi Anh đưa tàu chiến đến khu vực.
"Tôi đảm bảo rằng họ sẽ điều máy bay áp sát hạm đội của chúng ta, sẽ thử phản ứng của chúng ta. Họ sẽ cử các tàu mặt nước và cả tàu ngầm, mọi thứ diễn ra sẽ như mèo vờn chuột", ông Sharpe nói. Ông Sharpe cũng cảnh báo nguy cơ những thông điệp không rõ ràng và những tính toán sai lầm giữa các bên.
Một số chuyên gia, trong đó có giáo sư Anatol Lieven, cho rằng việc Anh tham gia vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh và đó có thể là một "sai lầm chiến lược". Jo Johnson, em trai Thủ tướng Johnson, thậm chí ví von: "Nếu sau Brexit là Chexit (tách rời quan hệ với Trung Quốc), thì nước Anh toàn cầu giống như một chiếc máy bay mất cả 2 động cơ".