1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lợi thế của Việt Nam khi cải cách kinh tế và hình mẫu cho Triều Tiên

(Dân trí) - Tạp chí Economist nhận định, mặc dù Mỹ vẫn khuyến khích Triều Tiên học hỏi theo mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên Bình Nhưỡng cũng cần xem xét những khác biệt giữa hai quốc gia để áp dụng chính sách phù hợp.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm nông trại ở Samjiyon trong tháng 7 (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm nông trại ở Samjiyon trong tháng 7 (Ảnh: KCNA)

Khi Mỹ hối thúc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, Washington đã lấy Việt Nam như một mô hình phát triển kinh tế mẫu cho Bình Nhưỡng. Trong chuyến thăm Hà Nội ngày 8/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Việt Nam là một mô hình thành công mà Triều Tiên có thể học tập. Theo ông Pompeo, Tổng thống Donald Trump tin rằng Triều Tiên có thể đi theo con đường của Việt Nam để bình thường hóa quan hệ với Washington và đạt được sự thịnh vượng.

Trước đó, báo Nikkei của Nhật Bản đưa tin, trong cuộc trò chuyện riêng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiết lộ rằng ông muốn đưa kinh tế nước nhà phát triển theo mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam.

Theo tạp chí Economist, nền kinh tế Triều Tiên hiện nay có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trước đây khi áp dụng mô hình kinh tế tập trung bao cấp. Vào năm 1985, trước thềm thời kỳ Đổi Mới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1% so với Mỹ, tương tự Triều Tiên vào thời điểm năm 2015 theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc.

Về mặt ngoại giao, mối quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ cũng có nét tương đồng với Việt Nam. 20 năm sau chiến tranh, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ song phương và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Từ đó đến nay, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của Mỹ và Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

So sánh với Việt Nam, sự chuyển hóa trong quan hệ Mỹ - Triều cũng diễn ra nhanh chóng. Từ hai nước cựu thù trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), quan hệ song phương đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây. Mỹ cũng để ngỏ khả năng cho phép các nhà đầu tư tiếp cận thị trường Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều cũng có cuộc gặp song phương đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6.

Khác biệt giữa hai quốc gia

Công nhân Triều Tiên làm việc trong nhà máy giầy ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Công nhân Triều Tiên làm việc trong nhà máy giầy ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Tuy vậy, Triều Tiên và Việt Nam vẫn có một số sự khác biệt trong quá trình cải cách nền kinh tế. Sau 65 năm theo đuổi mô hình kinh tế khép kín với hệ tư tưởng Juche (tự lực cánh sinh), Triều Tiên dường như bắt đầu từ bàn tay trắng khi muốn đổi mới nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.

Mặc dù tốc độ phát triển thị trường hàng hóa và thực phẩm trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh tư nhân tại Triều Tiên, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp quy mô lớn. Trong khi đó, Việt Nam trước đây không mất quá nhiều thời gian như Triều Tiên để phát triển kinh tế theo hướng mở cửa.

Ngoài ra, cấu trúc nền kinh tế của Triều Tiên cũng phức tạp hơn. Vào thời điểm giữa thập niên 1980, hơn 70% lực lượng lao động tại Việt Nam làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số thay đổi về chính sách, chẳng hạn cho phép nông dân thu lợi nhuận từ việc bán nông sản của họ, đã kích thích tăng sản lượng nông nghiệp. Sau khi các nhà máy ra đời, lực lượng lao động tại nông thôn đã chuyển vào làm việc trong các nhà máy, từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp xuất khẩu phát triển.

Ngược lại với Việt Nam, hơn 60% dân số Triều Tiên sống ở khu vực thành phố. Để có thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển, Triều Tiên cần cải tổ ngành công nghiệp lỗi thời của nước này. Theo chuyên gia Marcus Noland thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế tại Washington, Triều Tiên hiện nay giống mô hình các nước Đông Âu sau khi Liên Xô sụp đổ. Sau khi mở cửa, tỷ lệ thất nghiệp tại Triều Tiên có thể sẽ tăng lên.

Vị trí địa lý nằm gần Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tạo điều kiện để Triều Tiên có thể thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, các nhà đầu tư được cho là vẫn chưa sẵn sàng rót vốn vào Triều Tiên vì lo ngại nguy cơ bị đóng cửa. Điển hình như vào năm 2016, Triều Tiên từng đóng băng tài sản của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung giữa hai nước khi quan hệ song phương xấu đi.

Một điểm bất lợi nữa cho Triều Tiên khi so sánh với Việt Nam là về dân số. Khi tiến hành mở cửa nền kinh tế cách đây hơn 30 năm, Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ với độ tuổi trung bình chỉ khoảng 20 tuổi. Do vậy, Việt Nam có rất nhiều lao động trẻ đóng góp cho nền kinh tế, trong khi tỷ lệ người già sống phụ thuộc rất ít.

Tại Triều Tiên, độ tuổi trung bình của dân số là 34, thậm chí còn cao hơn độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam hiện nay. Triều Tiên phải đối mặt với nguy cơ dân số bị già đi trong khi vẫn đang trong quá trình phát triển nền kinh tế.

Mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể gặp nhiều khó khăn khi tiến hành cải cách nền kinh tế, song giới phân tích cho rằng viễn cảnh Triều Tiên mở cửa vẫn là phương án tốt hơn cho nước này.

Ngoài Việt Nam, Triều Tiên cũng có thể học theo mô hình cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc vào năm 1978. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng do Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng quá nhanh, quá nóng nên mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ thích hợp hơn với Triều Tiên. Hơn nữa, việc ông Kim Jong-un lựa chọn mô hình kinh tế của Việt Nam mà không phải của Trung Quốc có thể là cách để Bình Nhưỡng giảm dần phụ thuộc vào Bắc Kinh, mặt khác thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với Mỹ và Hàn Quốc.

Thành Đạt

Tổng hợp