1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lời kêu cứu của Tây Ban Nha xuất phát từ Hy Lạp

(Dân trí) - Tuần qua, Tây Ban Nha buộc phải phát tín hiệu kêu cứu và trở thành nền kinh tế lớn nhất buộc phải tìm trợ giúp trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 2 năm rưỡi qua. Nhưng chính nước Hy Lạp nhỏ bé đã đẩy Tây Ban Nha đến bờ vực thẳm.

 

Lời kêu cứu của Tây Ban Nha xuất phát từ Hy Lạp

Người biểu tình Tây Ban Nha giương tấm biển "Giơ tay lên, đây là một cuộc giải cứu", ám chỉ đến gói giải cứu 125 tỷ USD châu Âu dành cho nước này.

 

Chủ nhật tới cử chi Hy Lạp sẽ có một lựa chọn khó khăn giữa những ứng cử viên chấp nhận các điều kiện giải cứu khắt khe và những người phản đối những điều kiện này. Chính lỗi sợ hãi nếu Hy Lạp bị gạt ra khỏi khu vực và làm cho thị trường hốt hoảng về tương lai đồng euro đã buộc Tây Ban Nha phải tìm kiếm trợ giúp trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Hy Lạp.

 

Tuy nhiên, trước hết phải nói rằng khả năng thắng cử của các lực lượng chống giải cứu ở Hy Lạp đã làm trầm trọng thêm khó khăn của Tây Ban Nha. Nó đã làm tăng số nợ của chính phủ và gây trì trệ trong luồng vốn của ngân hàng, làm suy yếu hệ thống tài chính của cả nước. Tình hình đó tác động xấu đến vấn đề lòng tin – trong đó 17 nước trong khu vực đồng euro đang khá đoàn kết nhằm chia sẻ khó khăn với nhau nhưng lại không đủ để bảo đảm rằng có thể chấm dứt được những khó khăn đó. Đây là điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng giải quyết thông qua một lộ trình để đẩy thêm tiến trình liên kết kinh tế.

 

Hiện tại, các nhà lãnh đạo châu Âu cố gắng bảo vệ phần còn lại của khu vực đồng euro không bị ảnh hưởng từ cuộc bầu cử ở Hy Lạp. Các chính trị gia Hy Lạp phản đối các gói giải cứu đã lập luận rằng sẽ có những hậu quả không thể đoán trước nếu khối liên minh tiền tệ gạt bỏ một nước thành viên. Mức độ khẩn thiết buộc Tây Ban Nha phải tìm kiếm giải cứu – IMF phải mất 3 ngày để dự tính các ngân hàng nước này phải cần bao nhiêu tiền – là một dấu hiệu cho thấy lo ngại vẫn đang tồn tại giữa các nhà lãnh đạo châu Âu, rằng những người phản đối giải cứu ở Hy Lạp đã đúng: Đất nước họ quá quan trọng không thể xóa sổ được.

 

Tại Mỹ, Tổng thống Obama đang lo rằng những tin tức xấu về kinh tế từ châu Âu có thể làm nản cố gắng phục hồi kinh tế của Mỹ và cơ hội tái cử của ông. Trong những ngày gần đây ông đã bày tỏ mối quan tâm trực tiếp một cách không bình thường đối với cách quản lý cuộc khủng hoảng này của châu Âu.

 

Động thái cân bằng

 

Hiện tại châu Âu vẫn đang “chơi rắn” với Hy Lạp và gói giải cứu 125 tỷ USD cho Tây Ban Nha có thể giúp họ duy trì được quyết tâm sắt đá của mình đối với Hy Lạp. Ngân hàng trung ương của Đức tháng trước nói rằng khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực euro là khó, nhưng tình hình “có thể quản lý được” đối với các nước khác của châu Âu.

 

Tuy nhiên động thái cân bằng – nói mạnh với Hy Lạp trong khi có những bước đi mạnh với những nước khác nhằm ngăn chặn không để bất ổn lan rộng nếu Hy Lạp bầu cho những người phản đối giải cứu – là lời nhắn nhủ rằng châu Âu vẫn còn phải đối mặt với bất ổn. Các nhà phân tích nhận định rằng thậm chí dù có chương trình giải cứu cho Tây Ban Nha và Italy, một thắng lợi của phe chống giải cứu ở Hy Lạp vẫn có thể làm cho giá các khoản nợ của hai nước này tăng mạnh hơn. Hai nước này lớn đến mức nếu Italy cần viện trợ và Tây Ban Nha cần giúp đỡ thêm thì các quỹ giải cứu của châu Âu có thể sẽ không có đủ tiền đủ đáp ứng.

 

Bộ trưởng tài chính Luxembourg Luc Frieden đã nói rằng: “Nếu Tây Ban Nha rơi vào thảm kịch, người ta có thể quên đi các ngân hàng Pháp và Đức.”

 

Vì vậy các nhà lãnh đạo châu Âu đang đánh đi một thông điệp hòa dịu đến Tây Ban Nha và một thông điệp hoàn toàn khác đến Hy Lạp.

 

Thứ 7 vừa qua, vài tiếng trước khi Tây Ban Nha ra lời kêu gọi giải cứu, với rất ít ràng buộc so với những điều kiện trong chương trình giải cứu cho Hy Lạp, Chủ tịch khối euro, ông Jean-Claude Juncker nói rằng “thực chất” vẫn là Hy Lạp cần có một ngân sách được kiểm soát.

 

Với 11 triệu người, dân số Hy Lạp chưa bằng 1/4 dân số Tây Ban Nha, cho đến nay đã nhận được hai gói cứu trợ trong vòng hai năm, với tổng số tiền nhiều gấp hơn hai lần số tiền cứu trợ cho nước láng giềng to lớn của mình. Một phần vì các vấn đề của Tây Ban Nha chủ yếu tập trung ở hiện tượng nổ bong bong bất động sản chứ không phải sự thất bại chung trong chính sách tài chính của chính phủ. Vì vậy dù Tây Ban Nha chiếm các tít lớn tin tức nhưng bản chất của khủng hoảng vẫn là Hy Lạp, nơi đầu tiên nó xảy ra.

 

Lãnh đạo châu Âu đã tìm cách khoanh vùng các khó khăn của Hy Lạp bằng cách thúc các chủ nợ của nước này cắt giảm gần 3/4 tài khoản có của họ. Điều này có nghĩa là nếu Hy Lạp phá sản thì các ngân hàng của khu vực sẽ mất ít hơn so với những gì họ có thể mất trước đó mấy tháng. Mặc dù các chính phủ có thể mất đi các khoản viện trợ khẩn cấp bỏ ra cho nước khó khăn.

 

Thăm dò dư luận cho thấy đại đa số người Hy Lạp vẫn muốn tiếp tục với đồng euro và đảng cánh tả Syriza đang đánh cược rằng lỗi sợ hãi của châu Âu về sự lây lan vẫn còn quá cao nên họ không giám gạt bỏ Hy Lạp.

 

Alexis Tsipras, Chủ tịch đảng Syriza phát biểu trong một cuộc mít tinh: “Chúng tôi không cần bất kỳ một nhóm cố vấn nào để bảo chúng tôi phải làm gì.” Ông khẳng định ông sẽ không đuổi bất kỳ một công chức nào nếu anh ta đã được chọn lựa. Cắt giảm danh sách tiền lương là một thành phần trọng yếu trong chương trình giải cứu của châu Âu cho Hy Lạp.

 

Cảnh báo từ Đức

 

Lo ngại Tây Ban Nha sẽ là nước tiếp theo nếu Hy Lạp bị gạt ra khỏi khu vực euro đã làm cho những người gửi tiền xa lánh các ngân hàng của Tây Ban Nha trong mấy tháng qua và làm cho các thể chế bị suy yếu đến mức Thủ tướng Mariano Rajoy buộc phải ra lời kêu gọi giúp đỡ sau cả tuần ông bác bỏ tin nói rằng Tây Ban Nha đang cần giải cứu.

Thủ tướng nói với báo giới: “Năm nay sẽ là một năm xấu: Tăng trưởng kinh tế sẽ là -1,7%, đồng thời thất nghiệp sẽ tăng.”

 

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng xây dựng các cấu trúc gắn bó hơn để hỗ trợ cho hệ thống tài chính rệu rã của khu vực, nhưng những kiến nghị sẽ được thảo luận tại cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 28-29 tháng 6 tới sẽ kéo dài hàng năm, chứ không phải hàng tuần, để trở thành hiện thực. Tiến độ chậm chủ yếu là do Đức với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đảm nhận những trách nhiệm to lớn trong việc chi trả cho bất kỳ các biện pháp cứu trợ mới nào được thông qua.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo Hy Lạp chỉ có ít lựa chọn. Bà nói với báo chí ở Berlin: “Chúng tôi muốn Hy Lạp tiếp tục là thành viên của khu vực đồng euro. Điều kiện tiên quyết cho vấn đề này …là chính phủ tương lai của Hy Lạp cần tuân thủ kết quả cuộc trưng cầu dân ý” đã xác định những điều kiện khắc khổ của cuộc giải cứu.

 

Nhưng một số nhà phân tích nói rằng cảnh báo của nước Đức về việc đẩy nhanh hơn tiến trình nhất thể hóa châu Âu chỉ có thể thực hiện chừng nào kinh tế khu vực được bảo vệ khỏi các khó khăn về kinh tế trong khu vực.

 

Lars Feld, một thành viên của một hội đồng các nhà kinh tế có ảnh hưởng thường cố vấn cho chính phủ Đức đánh giá: “ Sự chống đối chính trị đối với các biện pháp tiếp theo ở mức độ Liên minh châu Âu (EU) sẽ yếu dần khi sự việc trở nên rõ ràng là nước Đức sẽ bị tác động bởi những gì xảy ra ngoài biên giới của họ.”

 

Phạm Ngọc Uyển

Tổng hợp

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm