1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lợi ích trên hết

Cuộc xung đột Syria đang có nguy cơ chuyển sang một giai đoạn mới phức tạp và khó lường hơn sau chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này, nhằm vào cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Đơn vị Bảo vệ nhân dân (YPG), cánh vũ trang của Đảng Liên minh Dân chủ Syria (PYD).

Sau khi tiến vào miền Bắc Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn pháo về phía các tay súng người Kurd. Điều trớ trêu là YPG đang được Mỹ hậu thuẫn và là một trong những lực lượng chống IS tại Syria hiệu quả nhất. Trái lại, Ankara - đồng minh của Washington trong NATO - xem PYD là nhóm khủng bố vì có liên hệ chặt chẽ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang đòi ly khai.

Chiến dịch “Lá chắn Euphrates” nói trên phản ứng thực tế rằng Ankara giờ đây xem IS, PYD và YPG là những mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad nên cần lập tức xử lý. IS đang gia tăng khủng bố bên trong Thổ Nhĩ Kỳ cũng như lợi dụng lãnh thổ nước này để sử dụng các dịch vụ tài chính “không chính thức”.

Theo tính toán của Ankara, ra tay lúc này rất hợp lý vì IS đang bị tổn thương nghiêm trọng, nhất là sau khi TP Manbij - Syria rơi vào tay Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh tập hợp các lực lượng người Kurd và Ả Rập được Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên, cũng có thể Thổ Nhĩ Kỳ còn lo rằng sự thất thế của IS sẽ tạo cơ hội để YPG, lực lượng nòng cốt của SDF, mở rộng lãnh thổ kiểm soát tại Syria.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến đến thị trấn Jarablus - Syria trong chiến dịch “Lá chắn Euphrates” hôm 24-8 Ảnh: Reuters
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến đến thị trấn Jarablus - Syria trong chiến dịch “Lá chắn Euphrates” hôm 24-8 Ảnh: Reuters

Những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ý sẵn sàng chấp nhận ông Assad có vai trò chuyển tiếp trong bất kỳ giải pháp chính trị nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Theo nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ về hưu Unal Cevikoz, đây là “sự thay đổi lớn” về quan điểm bởi Ankara theo đuổi mục tiêu lật đổ ông Assad kể từ khi Syria nổ ra nội chiến hơn 5 năm trước. Sự đổi ý này còn giúp cải thiện quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Iran - 2 trụ cột đang chống đỡ cho chính quyền Syria.

Trước mắt, việc Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào YPG chưa gây thêm căng thẳng với Mỹ như nhiều người tưởng. Washington không chỉ cho máy bay chiến đấu hỗ trợ mà còn ủng hộ đòi hỏi của Ankara. Theo đó, lực lượng người Kurd phải nhanh chóng rút về phía bờ Đông sông Euphrates, đồng nghĩa họ phải từ bỏ TP Manbij vừa giành lại được từ tay IS hôm 12-8 với sự góp sức của đặc nhiệm Mỹ.

“Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã giúp người Kurd kiểm soát được một dải lãnh thổ, khiến việc lập nhà nước riêng nằm trong tầm tay họ. Rõ ràng người Thổ hoảng sợ trước kịch bản này” - ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Trường ĐH Oklahoma (Mỹ), nhận định với trang Bloomberg.

Có thể thấy Washington vừa chọn cách không chọc giận Ankara vừa muốn gửi thông điệp đến người Kurd: Họ không nên khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tiến quá sát biên giới hoặc vượt “lằn ranh đỏ” - sông Euphrates - mà Ankara vạch ra ở Syria.

“Mục tiêu chính của người Mỹ vẫn là làm suy yếu chính phủ ông Assad. Mọi liên minh mà Mỹ ủng hộ đều là tạm thời” - ông Sergei Balmasov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Đông (Nga), nhận định với trang Svobodnaya PRESSA về thái độ “trước sau không như một” của Mỹ đối với người Kurd.

Một diễn biến đáng chú ý khác là hầu như không có phản ứng nào từ phía Nga đối với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến một số nhà phân tích cho rằng Moscow ngấm ngầm bật đèn xanh để đổi lấy sự hợp tác hơn từ Ankara về một giải pháp chính trị liên quan đến ông Assad.

Dù vậy, ông Balmasov lo ngại nếu Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu hơn vào cuộc chiến Syria, tình hình khu vực sẽ càng mất ổn định. Ngoài ra, không ai dám chắc Ankara sẽ lại không đổi lập trường về số phận ông Assad một khi đạt được mục tiêu loại bỏ các mối đe dọa từ IS và người Kurd ở Syria mà chiến dịch “Lá chắn Euphrates” đề ra.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm