1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lộ "tử huyệt", siêu tăng Abrams có thể đảo chiều chiến sự Ukraine?

Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia quân sự cho rằng xe tăng M1 Abrams của Mỹ khó tác động đáng kể tới cuộc xung đột ở Ukraine dù khí tài được trang bị công nghệ tiên tiến.

Lộ tử huyệt, siêu tăng Abrams có thể đảo chiều chiến sự Ukraine? - 1

Xe tăng M1 Abrams (Ảnh: Sputnik).

Các kênh truyền thông của Mỹ gần đây đưa tin các xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams, khí tài trụ cột của lục quân Mỹ, sẽ bắt đầu được chuyển đến Ukraine trong những tháng tới. Đồng thời, một cơ sở bảo trì các phương tiện tiên tiến này sẽ được mở ở Ba Lan, với lý do bảo dưỡng các xe tăng Abrams đã bán cho Warsaw để thay thế xe tăng Leopard 2 mà nước này đã cung cấp cho Ukraine trước đây.

Một số thông tin trước đó tiết lộ việc giao xe tăng Abrams, ban đầu được hứa hẹn vào tháng 1, sẽ mất vài tháng để phù hợp với việc xuất khẩu sang Ukraine do công nghệ tiên tiến bí mật. Đặc biệt, những chiếc Abrams được quân đội Mỹ sử dụng có một lớp giáp uranium nghèo đặc biệt.

Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói với Sputnik rằng xe tăng Abrams là những cỗ máy rất phức tạp, đòi hỏi cả công cụ và huấn luyện chuyên môn, mà quân đội Ukraine chưa sẵn sàng xử lý.

"Xe tăng của chúng tôi trong quân đội Mỹ được trang bị những công nghệ mới nhất. Đó là yếu tố kiểm soát xuất khẩu cũng như đảm bảo đối phó với công nghệ mới nhất, như trường hợp chúng có thể rơi vào tay kẻ xấu nếu xe tăng bị thu giữ. Mỹ không muốn Nga khai thác bất kỳ công nghệ nào trên đó", ông Maloof nhận định.

"Ngoài ra, trình độ công nghệ trên các xe tăng này khá cao. Do vậy, Mỹ không tin rằng người Ukraine có thể làm chủ loại phương tiện này trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Một số phương tiện quá phức tạp. Vì vậy, vấn đề đặt ra là khả năng của người Ukraine không chỉ trong việc vận hành mà còn làm chủ được chúng, đặc biệt là trong bối cảnh thời chiến. Abrams dù sao cũng là một cỗ máy kỹ thuật cao. Trừ khi họ được sử dụng và huấn luyện với xe tăng này nhiều lần, khả năng của họ trong việc duy trì tính toàn vẹn của xe tăng này để chúng không bị phá hủy là rất thấp", chuyên gia Maloof nói thêm.

Theo ông Maloof, Abrams rất phức tạp và khả năng cơ động cũng như di chuyển của xe tăng này phần nào bị hạn chế bởi việc cung cấp nhiên liệu trong quá trình vận hành. Chuyên gia cho biết Abrams hoạt động hiệu quả nhất bằng nhiên liệu máy bay và với điều kiện địa hình tác chiến phức tạp, việc tiếp nhiên liệu sẽ gặp khó khăn và cản trở hoạt động của xe tăng này.

"Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ là một bước nhảy vọt lớn đối với họ khi chuyển từ huấn luyện trong một khoảng thời gian rất ngắn sang chiến đấu thực tế và có thể sử dụng thuần thục", ông Maloof nói thêm.

Cựu chuyên gia của Lầu Năm Góc cho biết, nếu các kíp lái Abrams của Ukraine không cẩn trọng, xe tăng của họ có thể chịu chung số phận với những chiếc Leopard 2 từng được các quốc gia châu Âu cung cấp trước đó, bất chấp công nghệ và khả năng phòng thủ vượt trội phương tiện này.

"Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào trình độ của kíp lái và mức độ quen thuộc của họ với phương tiện này. Abrams có lẽ phức tạp hơn bất kỳ loại xe tăng nào khác. Hệ quả là, với trình độ công nghệ như vậy, họ không chỉ cần nắm vững kỹ thuật, mà các kíp lái còn phải nắm vững chiến thuật trên chiến trường để đối phó với mọi tình huống. Có những vũ khí (của đối phương) họ có thể phá hủy, vì xe tăng này được trang bị khá tốt. Nhưng có những tên lửa có thể xuyên thủng lớp giáp của xe tăng Abrams từ một khoảng cách rất xa. Abrams có một vài điểm yếu mà tôi biết, nếu chúng bị đánh trực diện, họ có thể hạ gục Abrams. Lớp giáp của Abrams rất cứng. Nhưng có một số vũ khí, ví dụ tên lửa chống tăng Javelin, có thể có thể xóa sổ một chiếc Abrams. Đó chỉ là một ví dụ", cựu chuyên gia Lầu Năm Góc nhận định.

"Tử huyệt" của Abrams

Lộ tử huyệt, siêu tăng Abrams có thể đảo chiều chiến sự Ukraine? - 2

Một xưởng sửa chữa và bảo dưỡng xe tăng M1 Abrams của Mỹ (Ảnh: army.mil).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Sputnik, Yuri Knutov, chuyên gia quân sự kiêm giám đốc Bảo tàng Không quân Nga thừa nhận xe tăng M1 Abrams mà Mỹ chuẩn bị chuyển giao cho Ukraine là một loại vũ khí vô cùng uy lực. Tuy nhiên, ông Knutov cũng chỉ ra những điểm yếu "chí tử" của phương tiện này, đồng thời khẳng định quân đội Nga hoàn toàn có thể tận dụng những "tử huyệt" này để tiêu diệt xe tăng Ukraine.

"Điểm yếu của Abrams là động cơ turbine khí hiệu suất cao sử dụng nhiên liệu máy bay. Xe tăng này sẽ cần tới 24kg nhiên liệu chỉ đến khởi động và làm nóng turbine. Xe tăng Abrams cũng có một máy phát điện được che chắn bởi một lớp giáp yếu, và đó sẽ là tử huyệt nhất của loại xe tăng này", ông Knutov nói.

Theo giám đốc Bảo tàng Không quân Nga, với lượng nhiên liệu lớn mà M1 Abrams tiêu thụ, nếu đánh trúng máy phát điện trên, những vũ khí hạng nhẹ hoặc bom xăng thô sơ, cũng có thể gây thiệt hại nặng nề, thậm chí là phá hủy toàn bộ xe tăng. Ngoài ra, hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu lớn sẽ cũng gây khó khăn cho lực lượng hậu cần của quân đội Ukraine một khi xe tăng M1 Abrams được đưa vào vận hành.

Thêm vào đó, ông Knutov chỉ ra rằng nhiều phiên bản của dòng xe tăng M1 Abrams không có hệ thống nạp đạn tự động, qua đó gây ra nhiều khó khăn cho kíp lái trong tác chiến. Trọng lượng lớn (có thể lên tới 70 tấn) của "siêu tăng" này cũng sẽ gây trở ngại cho các tuyến đường và cây cầu tại Ukraine, nhất là sau khi hạ tầng giao thông của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề sau gần một năm xung đột.

Theo Trung tướng Ben Hodges, cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu, việc viện trợ xe tăng cho Ukraine cũng sẽ kéo theo hàng loạt các yêu cầu phức tạp về mặt bảo dưỡng và sửa chữa.

"Xe tăng không giống như những chiếc ô tô mà bạn có thể dễ dàng thuê ở bất cứ đâu, có rất nhiều thứ đi kèm với nó nếu được chuyển giao. Bạn sẽ không muốn gửi cho đối tác một loại vũ khí mà có thể hư hỏng một cách dễ dàng hoặc hết xăng bất chợt", ông Hodges nhận định.

Việc các cơ sở hậu cần sửa chữa của Ukraine vốn chỉ được xây dựng nhằm phục vụ các xe tăng do Liên Xô sản xuất sẽ khiến việc chuyển giao mất rất nhiều thời gian. Nếu vội vã, các xe tăng do phương Tây sản xuất sẽ không được sửa chữa và bảo dưỡng trong điều kiện tốt, qua đó tăng khả năng hỏng hóc bất ngờ và tệ hơn là sẽ lọt vào tay quân đội Nga. Đây sẽ là một mối bận tâm mà quân đội Ukraine cần phải đặc biệt lưu ý trong thời gian tới.

Theo Sputnik, RT