1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Lo ngại về đề xuất đưa bộ binh đến Iraq, Syria của Mỹ

Trong bối cảnh giới lập pháp đảng Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang hoành hành tại Iraq và Syria, nhiều chuyên gia về chống khủng bố cảnh báo những biện pháp được đề xuất có thể khiến mối đe dọa đến từ IS thêm trầm trọng hơn.

Lo ngại về đề xuất đưa bộ binh đến Iraq, Syria của Mỹ - 1

Lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia một cuộc tập trận. (Ảnh: AFP -TTXVN)

Hiện các ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2016 của đảng Cộng hòa, các nghị sỹ và một số quan chức nước này đang kêu gọi chính quyền Washington triển khai lực lượng bộ binh tại Trung Đông, sử dụng sức mạnh không quân để tạo ra một vùng an toàn tại Syria nhằm huấn luyện các tay súng chống IS và ngăn chặn người tị nạn Syria vào Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố của Mỹ nhận định việc đẩy lui mối đe dọa từ IS là một tiến trình lâu dài và phức tạp, đồng thời cảnh báo nhiều khả năng sẽ xảy ra các cuộc tấn công đẫm máu tại châu Âu và Bắc Mỹ trong giai đoạn này.

Họ cũng cho rằng một số biện pháp được giới chức nước này đề xuất sau loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) hồi cuối tuần qua, như việc triển khai bộ binh tại Iraq và Syria, có nguy cơ tạo "hiệu ứng ngược" khiến IS càng có cớ gieo rắc niềm tin rằng tổ chức này đang bảo vệ những người Hồi giáo chống lại một cuộc tấn công của phương Tây và các đồng minh Arab.

Chuyên gia Daniel Benjamin, cựu nhân viên về lĩnh vực chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng "trong hoàn cảnh như trên, rất nhiều phần tử cực đoan trong xã hội Syria và Iraq sẽ kích động người dân và kêu gọi tiến hành các hoạt động tàn bạo nhất".

Giới chuyên gia cũng cảnh báo khả năng Quốc hội Mỹ tạm dừng kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Syria, xuất phát từ những lo ngại liên quan đến các báo cáo chưa được kiểm chứng rằng một trong những kẻ tấn công khủng bố tại Paris đã trà trộn vào dòng người di cư từ Syria đến châu Âu, cũng có thể đã được IS tính đến.

Lệnh cấm này có thể làm bùng phát sự phẫn nộ và chia rẽ trong cộng đồng tín đồ Hồi giáo tại châu Âu và Bắc Mỹ, từ đó tạo cơ hội cho IS đạt được mục tiêu kích động xung đột giữa người Hồi giáo và phương Tây.

Để cuộc chiến chống IS đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng Mỹ cần tiếp tục tăng cường các cuộc không kích, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước, đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào nguồn tài chính của IS và triển khai lực lượng đặc nhiệm Mỹ đến hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq và lực lượng đối lập Syria.

Chuyên gia Thomas Lynch tại Đại học Quốc phòng, cựu trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho rằng Pháp, Bỉ và các nước châu Âu cần đóng góp thêm các nguồn lực để củng cố hoạt động tình báo và chống khủng bố của các nước này.

Cụ thể, những nước này cần triển khai một số thay đổi như cho phép những cơ quan phụ trách các hoạt động tình báo và chống khủng bố có quyền kéo dài thời gian bắt giữ các nghi phạm khủng bố để thẩm vấn trên 24h, cũng như cho phép tiến hành các cuộc truy quét nhằm đập tan các âm mưu khủng bố.

Hiện chiến lược chống IS của Chính quyền Tổng thống Obama đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nghị sỹ đảng Cộng hòa khi cho rằng Mỹ cần triển khai bộ binh đến hai Iraq và Syria thay vì chỉ dựa vào các chiến dịch không kích và sự hỗ trợ của lực lượng các nước sở tại.

Tuy nhiên, trong một phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Obama khẳng định việc Mỹ triển khai bộ binh để tác chiến chống lại nhóm IS “sẽ là một sai lầm” và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông nói rằng liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu sẽ đẩy mạnh các nỗ lực thực thi chiến lược đang theo đuổi hiện nay thay vì chuyển sang một hướng đi khác, nhấn mạnh yếu tố quyết định để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria là giảm qui mô lãnh thổ IS đang chiếm đóng và bàn giao cho các lực lượng sở tại. Ông tái khẳng định Washington không có kế hoạch triển khai lực lượng lính chiến đấu quy mô lớn tới Syria hoặc Iraq để đối phó với IS.

Dù bị nhiều nghị sỹ Cộng hòa chỉ trích, chiến lược chống IS này của Tổng thống Obama đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Mỹ. Theo kết quả thăm dò dư luận chung được Reuters/IPOS công bố ngày 16/11, có tới 76% người dân nước này phản đối việc chính quyền triển khai bộ binh tới Iraq hoặc Syria, dù đa số đều muốn Mỹ tăng cường các nỗ lực chống IS sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris.

New York tăng cường an ninh trước nguy cơ khủng bố

Sở Cảnh sát thành phố New York (NYPD) của Mỹ ngày 18/11 cho biết họ đã phát hiện một đoạn video mới của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cho thấy thành phố đông dân nhất nước Mỹ này vẫn là mục tiêu tiềm năng của IS.

Đoạn video xuất hiện chỉ vài ngày sau khi tổ chức khủng bố này tiến hành các vụ tấn công đẫm máu ở Pháp khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương.

Trong đoạn video dài gần 6 phút, IS đã đưa ra những lời đe dọa đối với thành phố New York, trong đó có cảnh một kẻ đánh bom liều chết chuẩn bị khoác lên người chiếc áo khoác da có cài bom. Đoạn phim cũng cho thấy cảnh thoáng qua của Quảng trường Thời đại và Quảng trường Herald - những khu vực thu hút nhiều du khách tham quan. Hầu hết các cảnh quay còn lại là những cảnh ở thủ đô Paris của Pháp và Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn NYPD Steve Davis cho biết mặc dù không có "mối đe dọa mới hoặc cụ thể nào" và một số hình ảnh trong đoạn phim này là cũ, song cảnh sát New York vẫn luôn đề cao cảnh giác, cũng như phối hợp với Cục Điều tra liên bang Mỹ, Lực lượng Tác chiến chung chống khủng bố và cộng đồng tình báo nhằm đảm bảo an ninh cho người dân. Ngoài ra, cảnh sát cũng sẽ tiếp tục triển khai các đội chống khủng bố tăng cường trên khắp thành phố.

Trước đó một ngày, Cảnh sát trưởng NYPD Bill Bratton cũng bày tỏ lo ngại thành phố New York có thể sẽ chứng kiến một loạt vụ tấn công khủng bố có phối hợp giống như tại thủ đô Paris của Pháp bởi thành phố này vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu của các nhóm khủng bố.

Ông cho biết để có thể ứng phó kịp thời các nguy cơ tấn công khủng bố, NYPD đã tăng cường thêm 500 cảnh sát vào đội chống khủng bố cũng như tăng cường tuần tra, hiện diện tại các địa điểm then chốt dựa trên giả định có mối đe dọa thực sự. Ngoài ra, NYPD cũng đã thành lập một đội chống khủng bố mới có tên "Critical Response Command" (tạm dịch: Đội phản ứng then chốt) với 125 thành viên.

Lo ngại về đề xuất đưa bộ binh đến Iraq, Syria của Mỹ - 2

Thắp nến và đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ở Pháp, tại New York (Mỹ) ngày 14/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân sự của đội phản ứng này đều là "tinh tú" của lực lượng chống khủng bố, sẽ được trang bị xe chuyên dụng và vũ khí hạng nặng và từ nay tới cuối năm 2015, đội phản ứng này sẽ có tổng cộng 560 thành viên.

NYPD tới nay đã tăng cường hiện diện lực lượng, gồm cảnh sát và lực lượng chống khủng bố, lực lượng an ninh chìm và 100 sỹ quan tuần tra trên lưng ngựa, tại nhiều địa điểm, trong đó có Lãnh sự quán Pháp, Phái đoàn trường trực Pháp tại Liên hợp quốc, Quảng trường Thời đại, Trung tâm văn hóa Lincoln, nhà ga trung tâm Grand Central. Ngoài ra, NYPD cũng thiết lập nhiều điểm kiểm tra an ninh tại các cây cầu chủ chốt dẫn vào thành phố.

Giới lập pháp Mỹ yêu cầu bỏ quy chế miễn thị thực

Trong một động thái nhằm đẩy mạnh thắt chặt an ninh trong bối cảnh thế giới vẫn đang chấn động trước cuộc khủng bố Paris, nhiều nghị sỹ Mỹ đã bày tỏ quan ngại về chương trình miễn thị thực nhập cảnh (visa) vào Mỹ đối với công dân một số nước, trong đó có Pháp.

Phát biểu với báo giới ngày 18/11, Thượng nghị sỹ Rand Paul, một ứng cử trong cuộc đua giành tấm vé đề cử Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, bày tỏ quan ngại trước nguy cơ các đối tượng mang quốc tịch Pháp có thái độ thù địch với Mỹ có thể dễ dàng đi qua biên giới nước này.

Ông đã đề xuất một dự luật, theo đó yêu cầu mọi đối tượng muốn vào nước Mỹ phải đợi 30 ngày để các cơ quan chức năng tiến hành rà soát hồ sơ lý lịch. Đối với những người đến từ các nước được miễn visa thường xuyên đến Mỹ với mục đích du lịch hoặc làm ăn, dự luật trên đề xuất những người này đăng ký tham gia chương trình "Global Entry", một chương trình theo dõi các chuyến bay quốc tế của những đối tượng đã được xác định thuộc nhóm "nguy cơ đe dọa thấp".

Hiện "Global Entry" mới chỉ đang "mở cửa" đối với công dân Mỹ, những người được phép định cư dài hạn tại Mỹ, và công dân của một số nước bao gồm Canada, Mexico và Hà Lan. Để được tham gia chương trình trên, các ứng viên sẽ phải trải qua phỏng vấn trực tiếp và kiểm tra lý lịch.

Lo ngại về đề xuất đưa bộ binh đến Iraq, Syria của Mỹ - 3

Cảnh sát Mỹ được tăng cường bên ngoài Lãnh sự quán Pháp tại New York ngày 13/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dù vẫn còn một con đường dài trước khi dự luật trên có thể trở thành luật, nhưng nếu được thông qua, quy định mới này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới ngành công nghiệp du lịch của Mỹ hiện trị giá nhiều tỷ USD đồng thời không tránh khỏi tác động tới quan hệ giữa Washington với châu Âu. Hiện Mỹ đang miễn visa cho các công dân của 38 nước trên thế giới, trong đó có 23 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Paul không phải là người duy nhất quan ngại về chương trình miễn visa hiện nay của Mỹ. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Michael McCaul đã gọi chương trình này là một "điểm yếu" đồng thời cho biết ông đang xây dựng một dự luật để giải quyết vấn đề này.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nghị sỹ Dân chủ Dianne Feinstein cũng cho biết bà và nghị sỹ Cộng hòa Jeff Flake hy vọng trong ngày 19/11 sẽ công bố đề xuất về thắt chặt hệ thống miễn visa, trong đó yêu cầu cấm nhập cảnh Mỹ những đối tượng từng tới Syria trong vòng 5 năm.

Bên cạnh đó, phe Cộng hòa cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thắt chặt công tác rà soát người tị nạn Syria sau khi xuất hiện thông tin về khả năng một trong số những kẻ tấn công trong vụ khủng bố Paris là một người Syria đã vào châu Âu theo con đường tị nạn. Nghị sỹ McCaul đã đề xuất bổ sung biện pháp an ninh khi tiếp nhận người di cư.

Theo đó, người tị nạn từ Syria hay Iraq chỉ được phép nhập cảnh Mỹ sau khi các quan chức an ninh cấp cao của Mỹ, bao gồm bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ, giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và giám đốc Tình báo Quốc gia, xác nhận những đối tượng này không tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Các biện pháp này sẽ cần phải được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện trước khi chuyển tới để Tổng thống Barack Obama phê chuẩn lần cuối. Theo kế hoạch, Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày 19/11.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã ngay lập tức tuyên bố sẽ phủ quyết dự luật này, cho rằng những đề xuất mới đưa ra những quy định "thiếu thực tế và không cần thiết" và sẽ phá hoại những nỗ lực của Mỹ trong việc trợ giúp những người đang bị tổn thương trên thế giới.

Theo TTXVN/baotintuc.vn

Lo ngại về đề xuất đưa bộ binh đến Iraq, Syria của Mỹ - 4