Lo ngại Trung Quốc, Nhật Bản chuyển hướng chính sách viện trợ nước ngoài
(Dân trí) - Các hình thức viện trợ ra nước ngoài của Nhật Bản đang có sự chuyển hướng rõ rệt trong thời gian gần đây, từ việc chủ yếu hỗ trợ các nước trong khu vực Đông Nam Á phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sang giúp đỡ tăng cường năng lực quân sự để đối phó với sự bành trướng ngày càng mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Tờ Straitstimes nhận định, các gói viện trợ ra nước ngoài của Nhật Bản bắt đầu được tăng cường từ sau khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012. Mục đích của ông Abe là nhằm tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á để đối phó với các động thái gây hấn ngày càng quyết liệt từ phía Trung Quốc.
Theo đó, hình thức tấn công “quyến rũ” mà Nhật Bản đang theo đuổi không còn bó hẹp trong khuôn khổ các biện pháp tăng cường “quyền lực mềm” truyền thống như cách Tokyo vẫn áp dụng. Cụ thể, Tokyo trước đây chủ yếu viện trợ để giúp đỡ các nước trong khu vực phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, còn bây giờ hình thức viện trợ đã mở rộng sang việc giúp đỡ các nước tăng cường năng lực quân sự.
Mới đây, ngày 12/8, Nhật Bản đã thông báo sẽ cung cấp cho Lực lượng bờ biển Philippines hai tàu mới cỡ lớn. Trước đó, Tokyo cũng đã cam kết sẽ viện trợ cho chính quyền của cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino 10 tàu tuần duyên cỡ vừa và chiếc đầu tiên sẽ được đưa tới Manila trong tháng này.
Theo Giáo sư Heng Yee Kuang đến từ Trường Chính sách Công thuộc Đại học Tokyo, sự chuyển hướng về chính sách viện trợ này là nền tảng mang tính chiến lược của Nhật Bản, từ đó giúp Tokyo đạt được sự ủng hộ về mặt ngoại giao để đối phó với Trung Quốc.
Mặc dù những bước đi gần đây của Nhật Bản đã giúp Tokyo nâng cao tiếng nói trong khu vực nhưng “mức độ hỗ trợ cũng như số lượng trang thiết bị được cung cấp vẫn chưa thể tạo ra một tác động lớn để làm thay đổi cán cân quyền lực thực sự ở khu vực”, ông Heng nhận định. Nói chính xác hơn, đây được xem như những nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm tạo lập vị thế của Nhật Bản như “một người bảo vệ cho các nguyên tắc và quy chuẩn chung trên toàn cầu”.
Thắt chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật Bản - ASEAN 2013 tại Tokyo (Ảnh: AFP)
Theo Giáo sư Heng, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc đang ngày càng trở nên căng thẳng, Nhật Bản chắc chắn sẽ chuyển hướng sang thắt chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á, đối tác thương mại lớn thứ hai của Tokyo, chỉ sau Bắc Kinh. Giáo sư Purnendra Jain đến từ Đại học Adelaide, Australia đánh giá “các dự án viện trợ lớn còn mở đường cho các công ty của Nhật Bản đi vào các thị trường mới, nơi mà các triển vọng phát triển kinh tế và mở rộng thị trường đang lớn mạnh”.
Khác với các chính quyền tiền nhiệm, ông Abe đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các nước Đông Nam Á như những đối tác trong khu vực, điều này thể hiện ở chuyến thăm tới 10 quốc gia Đông Nam Á ngay sau khi ông vừa nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản. Cách tiếp cận theo hình thức “làm hồi sinh sức mạnh” cho ASEAN cũng “phù hợp với động lực kinh tế và chiến lược” của Nhật Bản hiện nay, ông Heng nhận định.
Năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Nhật Bản - ASEAN, Thủ tướng Abe đã quyết định chi gói viện trợ trị giá hai nghìn tỷ yên ( hơn 19,7 tỷ USD) cho khu vực này. Hồi năm ngoái, Nhật Bản tuyên bố viện trợ thêm 750 tỷ yên (hơn 7,4 tỷ USD) trong ba năm cho các nước thuộc khu vực sông Mekong, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Theo các tài liệu từ chính phủ Nhật Bản, nguồn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản hiện tập trung nhiều ở Đông Nam Á so với các khu vực khác trên thế giới. Năm ngoái, Tokyo còn chỉ rõ rằng những khoản viện trợ này được sử dụng để “bảo vệ các lợi ích quốc gia”.
Ông Heng cho biết, Thủ tướng Abe đang tăng cường các chương trình phát triển năng lực cho các nước trong khu vực và cho phép viện trợ ODA cho những lĩnh vực được gắn mác mục tiêu “chiến lược” thay vì chỉ được dùng để xây dựng đường sá hay trường học như trước đây. Mặc dù vậy, Tokyo sẽ vẫn tiếp tục duy trì các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tại các quốc gia đang phát triển như cách nước này vẫn làm từ trước tới nay.
“Mặc dù đã xem xét lại phương hướng viện trợ nhằm đáp ứng mục tiêu địa chiến lược cũng như lợi ích quốc gia, nhưng Nhật Bản sẽ vẫn duy trì chặt chẽ triết lý viện trợ truyền thống, đó là dành các nguồn lực đáng kể về tài chính và nhân sự cho các vấn đề nhân đạo và xã hội”, Giáo sư Jain nhấn mạnh.
Thành Đạt
Theo Straitstimes