1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lo ngại rủi ro an ninh, Đức chặn Trung Quốc thâu tóm công ty vệ tinh

Thành Đạt

(Dân trí) - Đức đã ngăn chặn nỗ lực của tập đoàn Trung Quốc nhằm thâu tóm một công ty chuyên về công nghệ vệ tinh và vô tuyến của Đức vì lo ngại rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Lo ngại rủi ro an ninh, Đức chặn Trung Quốc thâu tóm công ty vệ tinh - 1

Thủ tướng Angela Merkel (Ảnh: Reuters)

Hãng tin DPA (Đức) dẫn một tài liệu của chính phủ cho biết IMST, công ty công nghệ radar và vệ tinh có trụ sở tại bang Nordrhein-Westfalen, là mục tiêu thâu tóm của Addsino - công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ vũ trụ Trung Quốc (CASIC). CASIC là tập đoàn quốc phòng nhà nước Trung Quốc, chuyên sản xuất hệ thống viễn thông quân sự và tên lửa.

Bộ Kinh tế Đức xác nhận chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã thống nhất ngăn chặn kế hoạch thâu tóm của một đối tượng nước ngoài, song không nêu cụ thể tên của các công ty liên quan. Bộ này viện dẫn lo ngại về những mối đe dọa đối với trật tự công cộng và an ninh của Đức sau vụ thâu tóm.

Trích dẫn tài liệu của chính phủ Đức về kế hoạch thâu tóm bị ngăn chặn, DPA cho biết nội các của Thủ tướng Merkel nhận ra rằng vụ thâu tóm của Trung Quốc có thể gây ra "những nguy cơ thực sự và nghiêm trọng".

"Nếu không có lệnh cấm, công nghệ của Đức sẽ bị chuyển tới Trung Quốc và sử dụng cho vũ khí của nước này", báo Đức đưa tin.

Động thái trên của chính phủ Đức diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Đức và Trung Quốc leo thang liên quan tới sự cạnh tranh không công bằng giữa các công ty Đức và các công ty Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn cũng như những rào cản trong việc tiếp cận thị trường.

Đức coi IMST là đơn vị cung cấp quan trọng về công nghệ vô tuyến, radar, liên lạc vệ tinh. Công nghệ của IMST đóng vai trò then chốt đối với an ninh quốc gia của Đức. IMST đã phát triển một bộ phận then chốt cho vệ tinh quan sát Trái đất TerraSAR-X, trong đó dữ liệu được Bộ Quốc phòng Đức sử dụng để xây dựng các mô hình 3D nhằm phục vụ mục đích mô phỏng hoặc phát triển các hệ thống vũ khí.

Ngoài ra, công nghệ của IMST cũng cần thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Đức trong tương lai, bao gồm mạng lưới 5G và 6G. Do vậy, IMST sẽ không được chính phủ Đức coi là đối tác đáng tin cậy nếu công ty này bị một doanh nghiệp quốc phòng Trung Quốc kiểm soát.

 "IMST là đối tác quan trọng của Trung tâm Không gian vũ trụ Đức. Trong nhiều trường hợp, các sản phẩm và dịch vụ của IMST còn được cung cấp cho lực lượng vũ trang Đức", tài liệu của chính phủ Đức cho biết thêm.

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức từ chối bình luận về tên của các công ty liên quan tới kế hoạch thâu tóm, nhưng cho biết, trong một một cuộc họp kín, chính phủ Đức đã ủy quyền cho Bộ Kinh tế rà soát và ngăn chặn kế hoạch đầu tư của một nhà đầu tư ngoài châu Âu vì lo ngại nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cơ quan này chưa nhận được thông tin về vụ việc, nhưng khẳng định chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc tiến hành hợp tác đầu tư "mang lại lợi ích cho cả hai bên" ở nước ngoài.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty Trung Quốc muốn thâu tóm công nghệ Đức, chính phủ của Thủ tướng Merkel đang tăng cường việc giám sát chặt chẽ các hoạt động thâu tóm của các công ty ngoài Liên minh châu Âu (EU). Đây được xem là cách để Đức ngăn chặn nỗ lực thâu tóm của các nhà đầu tư được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn trong các lĩnh vực chiến lược.

Theo quy định mới, Đức có thể can thiệp vào các vụ mua bán công ty, với lý do về lợi ích quốc gia, nếu một nhà đầu tư ngoài EU mua 10% cổ phần của một công ty Đức. Trước đây, chỉ khi nhà đầu tư ngoài EU mua trên 25% cổ phần, Đức mới có thể can thiệp. Chính phủ Đức từng chặn nhiều thương vụ hoặc nỗ lực thâu tóm của công ty Trung Quốc.