1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lộ mục đích của Nga khi mở rộng căn cứ Tartus

Việc Nga nâng cấp và mở rộng căn cứ Tartus không chỉ nâng cao vị thế của Nga ở Trung Đông mà còn trở thành điểm chốt chặn NATO của Moskva.

Nâng cấp Tartus

Theo Interfax hôm 15/1, Nga đang lên kế hoạch mở rộng và nâng cấp căn cứ không quân, hải quân ở Syria. Nga sẽ khởi động kế hoạch tu sửa một đường băng thứ 2 tại căn cứ không quân Hmeymim gần thành phố cảng Latakia ở phía Tây Syria. Cùng với đó, căn cứ hải quân Tartus cũng sẽ được nâng cấp để có thể tiếp nhận các tàu lớn hơn như tàu tuần dương.

Trước đó, Tổng thống Putin cũng đã công bố kế hoạch rút một phần các lực lượng Nga khỏi Syria. Tuy nhiên, do muốn duy trì sự hiện diện thường trực cả ở Hmeymim và Tartus nên Moskva sẽ vẫn triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300 và các tổ hợp tên lửa cơ động bờ biển Bastion ở Tartus.

Đây không phải là lần đầu tiên, điện Kremlin lên kế hoạch nâng cấp các căn cứ không quân, hải quân ở quốc gia Trung Đông. Hồi tháng 10/2016, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Quốc tế Hội đồng Liên bang Nga, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov đã tuyên bố có kế hoạch bố trí căn cứ hải quân ở Tartus của Syria trên cơ sở thường trực.

"Ở Syria, chúng tôi sẽ có một căn cứ hải quân thường trực tại Tartus. Các tài liệu tương ứng đã được chuẩn bị, hiện đang qua thủ tục phê duyệt phối hợp liên ngành. Mức độ sẵn sàng khá cao, và chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ yêu cầu phía bạn phê chuẩn những tài liệu này", ông Pankov tuyên bố.

Nga triển khai vũ khí cực mạnh tại Hmeymim và Tartus.
Nga triển khai vũ khí cực mạnh tại Hmeymim và Tartus.

Nâng cao vị thế Nga

Với việc lập hai căn cứ quân sự trọng yếu bên bờ biển Địa Trung Hải, quân đội Nga đang tiến dần đến việc hiện diện quân sự vĩnh viễn ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, mặc dù trên danh nghĩa, điều này được gọi là “hiện diện vô thời hạn” hay “hiện diện thường trực”.

Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tỉnh Latakia có vị trí địa-quân sự mang tính chiến lược, bởi phía tây giáp Địa Trung Hải (có căn cứ hậu cần hải quân Nga ở Tartus), phía Bắc giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, phía nam giáp biên giới với Lebanon, phía Đông Bắc giáp tỉnh Idlid, phía Đông giáp tỉnh Hama, phía Đông Nam giáp tỉnh Homs.

Sự hiện diện vĩnh viễn của không quân/hải quân Nga không chỉ đơn thuần là sự trợ giúp quý báu đối với đất nước Syria mà nó còn là sự bảo đảm an ninh cho khu vực Biển Đen của Nga, đồng thời có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình ở khu vực Trung Đông và vùng biển Địa Trung Hải.

Ngoài ra, sự hiện diện quân sự vững chắc ở Syria sẽ là điểm tựa cho cả đồng minh Iran cũng đang nằm trong vòng cương tỏa của Washington và đồng minh, đồng thời giúp thắt chặt quan hệ của Nga với các đối tác quan trọng ở Trung Đông-Bắc Phi như là Iraq, Lebanon hay Ai Cập.

Mâu thuẫn EU và NATO

Việc Moscow có thể xây dựng căn cứ hải quân tác chiến ở Tartus và căn cứ không quân ở Hmeymim là sự nối tiếp nỗi lo lắng của Mỹ và NATO khi vào cuối tháng 2/2015, chính quyền Cộng hòa Síp (Cyprus) đã cho phép hải quân Nga sử dụng các cảng biển của nước này.

Síp nằm ở phía Nam châu Âu, là đảo quốc lớn thứ 3 ở Địa Trung Hải, đối diện với cảng Tartus của Syria, cách cảng này vẻn vẹn chưa đầy 200km. Hòn đảo này có vị trí chiến lược ở Địa Trung Hải, khi vây quanh nó là Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Ai Cập, Hy Lạp...

Ngoài ra, hai nước đã thảo luận về khả năng Nga có thể sử dụng một căn cứ không quân trên lãnh thổ nước này, ngay sát căn cứ không quân của Anh trên đảo quốc này. Việc đạt được thỏa thuận với một quốc gia đã có căn cứ quân sự của NATO khiến bất cứ hành động quân sự nào của phương Tây cũng không thể thoát khỏi mắt của Nga.

Hơn nữa, trước đây, việc các hệ thống tên lửa phòng không S-300 Nga hiện diện trong quân đội Síp (sau đó chuyển cho Hy Lạp) đã gây nên một cuộc tranh cãi gay gắt giữa các quốc gia NATO, thì nay, sự hiện diện của không quân/hải quân Nga ở hòn đảo này chắc chắn sẽ gây ra một cơn địa chấn.

Việc đạt được thỏa thuận giữa Nga và đảo Síp cho thấy Moscow đang tìm cách thắt chặt quan hệ với từng thành viên riêng rẽ của EU và NATO, nhằm khoét sâu vào những bất ổn tiềm tàng trong liên minh này và gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của mình.

Đối phó Hải quân Mỹ

Nếu có căn cứ quân sự trên vùng biển Địa Trung Hải, Nga có thể đối phó được với Hạm đội 6 của Mỹ, giải tỏa nỗi lo như trong thời gian cuộc khủng hoảng ở Syria cuối năm 2013, chiến hạm Nga phải hành quân rất xa đến thành lập Đội đặc nhiệm Địa Trung Hải.

Việc xây dựng các căn cứ quân sự ở Syria và đảo Síp cùng mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ giúp không quân và hải quân Nga sở hữu sức mạnh toàn diện, đủ lực đối phó với các biên đội tàu sân bay rất mạnh của Mỹ, Pháp, Anh trên vùng biển này.

Ngoài ra, khống chế được Địa Trung Hải cũng có vai trò rất quan trọng giúp Nga có thể ngăn chặn tàu chiến của Hạm đội 5 Mỹ và chiến hạm NATO từ biển Đỏ lên chi viện cho Hạm đội 6 ở Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez của Ai Cập một khi xung đột nổ ra.

Trong cuộc khủng hoảng Syria cuối năm 2013, tàu vận tải đổ bộ USS San Antonio và tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz, cùng biên đội tàu khu trục và tuần dương hạm mang Tomahawk đã từ vùng Vịnh xuyên qua vịnh Aden lên biển Đỏ, sẵn sàng cho cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Syria.

Việc mở các căn cứ quân sự ở Síp và Syria để khống chế phần đông Địa Trung Hải, khóa lối vào Biển Đen, chặn đường ra kênh đào Suez cho thấy, Nga đang thực hiện một chiến lược khống chế sức mạnh của hải quân NATO một cách hết sức bài bản.

Theo Tuấn Vũ

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm