1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lỗ hổng trong trận địa phòng không khiến Moscow bị UAV tấn công

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, dù thủ đô của Nga được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không uy lực, nhưng trận địa phòng thủ của Moscow vẫn có lổ hổng trước UAV tự sát loại nhỏ.

Lỗ hổng trong trận địa phòng không khiến Moscow bị UAV tấn công - 1

Một tổ hợp phòng không S-350 Vityaz của Nga (Ảnh: RT).

Ngày 30/5, Nga thông báo 8 UAV tự sát đã tấn công thủ đô Moscow, diễn biến mà một nhà lập pháp nước này mô tả là vụ tấn công nghiêm trọng nhất vào thành phố trên kể từ Thế chiến II.

Nga tuyên bố đã bắn hạ 5 UAV trong khi 3 chiếc còn lại rơi sau khi bị gây nhiễu. Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá hệ thống phòng không của Nga ở Moscow đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhưng vẫn có những vấn đề cần phải khắc phục.

Đây không phải lần đầu Moscow bị UAV tự sát tập kích. Ngày 3/5, các máy bay không người lái đã rơi xuống Điện Kremlin làm hỏng phần mái của dinh tổng thống. Nga cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ tấn công nhưng Kiev bác bỏ những điều này.

Các vụ tấn công chưa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Nga nhưng nó cho thấy những lỗ hổng trong trận địa phòng không tại Moscow của một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, theo AP.

Các chuyên gia nhận định, UAV được dùng trong vụ tấn công tương đối thô sơ và có giá thành thấp nhưng tầm tấn công lên tới 1.000km.

Câu hỏi được đặt ra là những UAV nói trên bằng cách nào đã bay một quãng đường dài vài trăm km để tấn công được vào thủ đô của Nga mà không bị các lưới lửa phòng không của Nga phát hiện, để ngăn chúng bay tới Moscow.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), lưu ý rằng một phần lý do tại sao máy bay không người lái có thể đến Moscow mà không bị phát hiện là do hệ thống phòng không của Nga chủ yếu tập trung vào việc chống lại các cuộc tấn công bằng vũ khí tinh vi hơn.

Trao đổi với AP, ông cho hay, các lá chắn của Nga tập trung vào việc theo dõi tên lửa, tiêm kích, máy bay ném bom chứ không phải là máy bay không người lái tầm ngắn vì các UAV này có thể bay ở tầm rất thấp.

"Lực lượng phòng không Nga không được thiết kế để đối phó với mối đe dọa kiểu này", ông nói.

Theo truyền thông Nga, trong nhiều năm qua, nhằm bảo vệ Moscow trước nguy cơ một vụ tấn công tiềm tàng, nước này triển khai hàng loạt các hệ thống phòng vệ như S-500, S-400, S-300, Pantsir-S, S-350 tại khu vực. Các tổ hợp này sẽ hoạt động bọc lót cho nhau, chuyên nhận nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu từ tầm gần cho tới tầm xa. Hệ thống phòng thủ đa tầng giúp cho Nga nhận được thông tin cảnh báo sớm về mối đe dọa nhằm vào Moscow và có phương án đánh chặn cụ thể.

Với mục tiêu tấn công bán kính ngoài 200km, Nga sử dụng các bệ phóng tên lửa, tầm xa S-400 và S-500 để ngăn chặn mối đe dọa từ xa. Với phạm vi trung bình 40-200km, Nga điều động các hệ thống S-300 và S-350 để bảo vệ các cơ sở công nghiệp, hành chính và quân sự. Các tổ hợp Pantsir-S hay Buk nhận nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu tầm ngắn.

Tuy nhiên, sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng, trong đó sự nguy hiểm của máy bay không người lái (UAV) đã gây ra một mối đe dọa mới.

Chuyên gia Cancian dự đoán, để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng ở Moscow, Nga có thể sẽ buộc phải đưa một số hệ thống phòng không từ tiền tuyến ở Ukraine về khu vực thủ đô. Nếu động thái này xảy ra, điều đó sẽ được xem là có lợi cho Ukraine trước thềm Kiev chuẩn bị mở cuộc phản công lớn.

Theo AP