1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lỗ hổng an ninh có thể khiến Nga bị động với vụ khủng bố Moscow

Minh Phương

(Dân trí) - Mặc dù đã được phương Tây cảnh báo trước, nhưng Nga dường như chưa chú ý tới mối đe dọa khủng bố từ Trung Á trong bối cảnh Moscow có nhiều ưu tiên khác.

Lỗ hổng an ninh có thể khiến Nga bị động với vụ khủng bố Moscow - 1

Một nghi phạm trong vụ khủng bố ở Moscow bị lực lượng an ninh Nga dẫn giải hôm (Ảnh: Reuters).

Giới chức Nga cho biết, tính đến cuối ngày 25/3, số người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Crocus City, ngoại ô thủ đô Moscow đã tăng lên 139 người, trong khi khoảng 190 người bị thương. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất ở Nga trong vòng 20 năm trở lại đây.

Vụ việc diễn ra ngay sau cuộc bầu cử tổng thống ở Nga làm dấy lên những câu hỏi về lỗ hổng an ninh tiềm tàng của Moscow.

Những lời cảnh báo 

Khoảng 2 tuần trước khi xảy ra vụ khủng bố, Mỹ và một loạt nước phương Tây đã cảnh báo về nguy cơ một vụ tấn công khủng bố "sắp xảy ra" ở Moscow hay các thành phố lớn của Nga. Các nước này khuyến cáo công dân của họ không đến những nơi tập trung đông người như các địa điểm biểu diễn âm nhạc, trung tâm mua sắm.

Washington cũng chia sẻ thông tin tình báo tương đối chi tiết liên quan đến mối đe dọa này cho phía Nga.

Những cảnh báo đó không phải là không có cơ sở, bởi ngày 7/3, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố đã ngăn chặn thành công một âm mưu tấn công khủng bố của một phần tử Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhằm vào Moscow.

Tuy nhiên, Moscow dường như chưa chú ý những cảnh báo của phương Tây. Hôm 19/3, nghĩa là 3 ngày trước vụ khủng bố, tại cuộc họp với các lãnh đạo FSB, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đó là những cảnh báo "khiêu khích". "Tất cả những hành động này như hành động tống tiền trắng trợn và nhằm đe dọa, gây bất ổn cho xã hội của chúng ta", chủ nhân Điện Kremlin nói.

Nina Krushcheva, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại New York (Mỹ), cho rằng FSB dường như vẫn cảnh giác với IS. Tuy nhiên, việc Nga đang bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh sinh tồn với một phương Tây do Mỹ dẫn đầu sẽ khiến Moscow khó có thể chấp nhận được lời cảnh báo an ninh từ Mỹ.

"Có rất nhiều sự ngờ vực ở đây", giáo sư Krushcheva nói.

"Điểm mù" Trung Á

Sự ngờ vực có thể đã khiến giới chức Nga bỏ qua việc tăng cường các biện pháp an ninh cho những sự kiện tập trung đông người.

Báo Guardian dẫn lời một số nhân chứng sống sót sau vụ khủng bố cho biết, lực lượng an ninh tại nhà hát Crocus City rất mỏng và lơ là ngay cả khi sự kiện ở đây thu hút hàng nghìn người tham dự.

Đây có thể là một phần lý do khiến nhóm tấn công có thể dễ dàng tiếp cận, thực hiện vụ tấn công và tẩu thoát sau đó.

Vụ khủng bố xảy ra trong bối cảnh lực lượng an ninh Nga đang dồn nguồn lực cho chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine và hàng nghìn thành viên lực lượng cảnh sát, an ninh của Nga cũng được điều động tới đảm bảo an ninh tại các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát. Điều này khiến lưới an ninh trong nước trở nên mỏng hơn, dễ trở thành mục tiêu tấn công khủng bố hơn.

John Sipher, một cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho rằng FSB đang ưu tiên nguồn lực cho các mối đe dọa khác, hơn là các mối đe dọa từ khủng bố Hồi giáo khu vực Trung Á.

Mối đe dọa từ khủng bố Hồi giáo từng là nỗi ám ảnh đối với Nga. Tuy nhiên, Nga dường như tin rằng mối đe dọa này đã phần nào lắng xuống sau các chiến lược cứng rắn ở vùng Bắc Caucasus vài năm trở lại đây.

"Tất cả đều cho rằng không còn mối đe dọa nghiêm trọng nào nữa (từ khủng bố Hồi giáo)", một nhà phân tích chỉ ra.

Vấn đề là vụ tấn công khủng bố vừa qua có phần khác với những vụ trước kia. Nếu trước kia, thủ phạm là phần tử cực đoan từ Bắc Caucasus, lần này hầu hết nghi phạm là công dân Tajikistan.

Ông Mark Galeotti, chuyên gia về an ninh Nga, bình luận: "Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo Trung Á vẫn là một vấn đề thực sự đối với FSB. FSB có nhiều kinh nghiệm đối phó với những kẻ cực đoan ở Bắc Caucasus, họ đã chi những nguồn lực khổng lồ cho việc đó, nhưng Trung Á như một điểm mù".

Riccardo Valle, một nhà nghiên cứu về các phong trào thánh chiến, cho rằng những vụ tấn công nhỏ lẻ hồi đầu tháng này của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Nga lẽ ra đã khiến FSB đặt các lực lượng trong trạng thái sẵn sàng cao nhất.

Ông Valle cho biết, từ các tuyên bố và cuộc tấn công trước đây của ISIS-K, bao gồm cả vụ tấn công vào đại sứ quán Nga ở Kabul vào năm 2022, cũng rõ ràng rằng nhóm này đã nhắm dến Nga.

Về phía Nga, trả lời câu hỏi của phóng viên liệu vụ tấn công khủng bố vừa qua có phải là thất bại của các cơ quan an ninh, tình báo nước này hay không, người phst ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Thật không may, không một thành phố nào, không một quốc gia nào có thể hoàn toàn tránh được mối đe dọa khủng bố".

Ông Peskov cho biết, các lực lượng đặc nhiệm đã làm việc không mệt mỏi để bảo vệ nước Nga.

Ông cũng nhấn mạnh: "Cuộc chiến chống khủng bố là một tiến trình đòi hỏi sự hợp tác quốc tế toàn diện. Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong giai đoạn đối đầu gay gắt nhất hiện nay, sự hợp tác đó chưa được thực hiện đầy đủ".

Khi được hỏi liệu các cơ quan an ninh Nga có cần sự hỗ trợ từ phương Tây hay không, ông Peskov nói: "Các cơ quan đặc nhiệm của chúng tôi đang hoạt động độc lập, hiện tại không có bất kỳ sự trợ giúp nào".

Theo Reuters, Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm