1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lộ diện không tặc khống chế máy bay EgyptAir

(Dân trí) - Tên không tặc khống chế chuyến bay MS181 của hãng hàng không Ai Cập EgyptAir là một cựu quân nhân Ai Cập và hiện là ông chủ của một công ty tại Cairo, nhưng thần kinh “không ổn định” truyền thông Ai Cập cho biết.


Nghi phạm Seif Eldin Mustafa (trái). (Ảnh: Telegraph)

Nghi phạm Seif Eldin Mustafa (trái). (Ảnh: Telegraph)

Sau gần 6 giờ, giới chức Cộng hòa Síp đã khống chế được tên không tặc và giải phóng thành công toàn bộ con tin trên chuyến bay MS181 của hãng hàng không Ai Cập.

Truyền hình quốc gia Cộng hòa Síp đã quay cảnh nghi phạm đi ra từ chiếc máy bay với 2 tay giơ lên cao. Bộ Ngoại giao Ai Cập đã xác định nghi phạm không chế máy bay là Seif Eldin Mustafa.

Mustafa, 59 tuổi, đã kết hôn và hiện sống tại quận Helwan, phía nam thủ đô Cairo của Ai Cập, truyền thông Ai Cập cho biết. Người đàn ông này được cho là ông chủ của một công ty cung cấp sản phẩm dinh dưỡng.

Ngoài ra, New York Times dẫn tin truyền thông Síp cho biết, Mustafa là một cựu quân nhân. Ông này đã kết hôn với một phụ nữ người Síp và có 5 người con, trong đó một người con gái đã qua đời sau một tai nạn xe hơi. Mustafa sống ở Síp cho đến năm 1995.

Hiện giới chức an ninh Ai Cập đã triệu tập chị gái và 2 người thân của Mustafa để điều tra thêm về lý lịch của nghi phạm này, trong đó có thông tin y có thần kinh “không ổn định”.


Nghi phạm Seif Eldin Mustafa đầu hàng và bước xuống máy bay. (Ảnh: Guardian)

Nghi phạm Seif Eldin Mustafa đầu hàng và bước xuống máy bay. (Ảnh: Guardian)

Mustafa được cho là tuyên bố có đai bom và đã khống chế phi công của chiếc máy bay MS181 khi máy bay này đang trên đường từ Alexandria tới Cairo (Ai Cập). Một số nguồn tin cho biết, y buộc phi công phải hạ cánh máy bay xuống Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng do máy bay không đủ nhiên liệu nên phải hạ cánh xuống sân bay Larnaca ở đảo Síp.

Sau khi máy bay hạ cánh, y đã phóng thích hầu hết hành khách là người Ai Cập trên chuyến bay và chỉ giữ lại 7 người gồm 3 nhân viên phi hành đoàn và 4 hành khách người nước ngoài. Hiện chưa rõ động cơ thực sự của vụ khống chế máy bay này. Tuy nhiên, dựa vào những yêu cầu mà tên không tặc đưa ra, giới chức Ai Cập cho rằng đây có thể chỉ là động cơ cá nhân, không mang động cơ chính trị.

Thực tế, trong thời gian bắt giữ con tin, y đã đưa ra nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu được gửi thư cho vợ cũ ở Síp, đề nghị được tị nạn chính trị và cuối cùng là phóng thích một số nữ tù nhân Ai Cập. Theo giới chức Ai Cập, y đưa ra rất nhiều yêu cầu nhưng không yêu cầu nào cụ thể.

“Hắn không phải là một tên khủng bố, hắn là gã khùng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập bình luận. Trong khi đó, giới chức Síp cho biết, đai bom mà hắn mang theo chỉ là đồ giả.

Minh Phương

Tổng hợp