Lộ ảnh tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc
(Dân trí) - Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc đang được đóng tại một xưởng ở Thượng Hải và có thể được hạ thủy vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Theo Washington Post, các ảnh chụp vệ tinh độ phân giải cao mới đây của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS), cho thấy lần đầu tiên các phần thân của tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc đã lần đầu tiên được lắp ráp trên một ụ nổi ở xưởng đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải.
Đây là tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc nhưng là tàu sân bay thứ hai sản xuất nội địa. Con tàu được cho là được trang bị công nghệ hiện đại và kích thước lớn hơn so với 2 chiếc ban đầu. Ước tính con tàu có chiều dài khoảng 300m, rộng gần 40m, gần tương đương kích thước tàu sân bay USS John F. Kennedy của Mỹ.
Theo truyền thông địa phương, con tàu có thể hạ thủy vào cuối năm nay và được trang bị máy phóng điện từ cho phép phóng máy bay chiến đấu hạng nặng và các thiết bị không người lái. Tuy nhiên, Matthew Funaiole, chuyên gia nghiên cứu của CSIS, cho rằng con tàu chưa thể được biên chế ít nhất cho đến năm 2023.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã đưa vào biên chế 2 tàu sân bay, gồm tàu sân bay Liêu Ninh mua lại từ Ukraine và được đại tu, tàu thứ hai đưa vào biên chế hồi tháng 12 năm ngoái.
Ông Li Jie, một học giả nổi tiếng có mối quan hệ với hải quân Trung Quốc, cho biết tại một diễn đàn cuối tuần trước rằng, Trung Quốc không chỉ đóng tàu sân bay thứ 3 mà còn đóng thêm một số tàu nữa.
Nhiều chuyên gia quốc tế dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ lập một hạm đội gồm 6 tàu sân bay trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách bành trướng ảnh hưởng trên biển. So với Mỹ, hiện hải quân Mỹ sở hữu 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trong biên chế và hạm đội sẽ còn mở rộng hơn nữa.
Trung Quốc là nước chi tiêu quân sự nhiều thứ 2 trên thế giới. Chi tiêu quân sự năm 2019 của nước này là 266 tỷ USD, so với của Mỹ là 718 tỷ USD. Ngoài các tàu sân bay, hải quân Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào tàu tấn công đổ bộ và các máy bay cảnh báo sớm có thể phối hợp với tàu sân bay.