Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có rời NATO sau các lệnh trừng phạt của Mỹ?
Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có sẵn sàng rời khỏi NATO khi Mỹ không ngần ngại trừng phạt chính đồng minh chiến lược của mình tại Trung Đông?
Quan hệ Mỹ - Thổ sẽ đi về đâu?
Nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng suy thoái cộng thêm việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết tăng cường áp các loại thuế quan và lệnh trừng phạt lên quốc gia này khiến một trong những liên minh quân sự chiến lược lâu đời nhất của Mỹ ở Trung Đông bị đặt dưới sức ép ngày càng căng thẳng với những hàm ý về các vấn đề chính trị và khu vực trong quan hệ giữa hai quốc gia.
Do đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc xuống mức kỷ lục vào đầu tuần trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc ông Trump trên tờ The New York Time rằng Tổng thống Mỹ đã đâm sau lưng ông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng công khai cảnh báo quốc gia này sẽ "bắt đầu tìm kiếm những người bạn và những đồng minh mới". Tuyên bố này được cho rằng có liên quan đến Nga trong nỗ lực kêu gọi các biện pháp nhằm làm giảm giá trị của đồng USD với vai trò là đơn vị tiền tệ quốc tế và tăng giá trị đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù vậy, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có lẽ không dễ đảo ngược, phần lớn nhờ vào NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng của Mỹ từ năm 1946 và là địa điểm đặt Căn cứ Không quân Incirlik. Đây cũng là nơi chứa các loại vũ khí hạt nhân do Mỹ kiểm soát và là một căn cứ quân sự quan trọng của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu tại Trung Đông.
Aaron Stein, một chuyên gia về Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng "không có dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỹ muốn làm leo thang căng thẳng trong quan hệ với Mỹ", đồng thời nhấn mạnh rằng ông Erdogan sẽ làm tất cả mọi thứ ngoài trừ việc rời khỏi ảnh hưởng của Mỹ giữa những căng thẳng hiện tại.
Ông Trump đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách áp thuế quan về các mặt hàng kim loại nhằm tạo ra một "hình phạt cao nhất" ép Thổ Nhĩ Kỳ phải thả mục sư người Mỹ đang bị giam giữ - Andrew Brunson và để lại cho ông Erdogan hầu như rất ít sự lựa chọn.
Vào tháng 3/2018, tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức có liên quan đến tình hình căng thẳng Mỹ - Thổ về chính sách Syria của ông Trump cho biết quân đội Mỹ đang giảm sự hiện diện tại Căn cứ Không quân Incirlik. Tuy nhiên, ông Stein thận trọng cho rằng căn cứ không quân này sẽ không đóng cửa một cách nhanh chóng như vậy đồng thời cho biết thêm Tây Ban Nha đã triển khai một bộ pin tên lửa ở đây cho các hoạt động ở Syria.
Sau cuộc đảo chính thất bại năm 2016, tâm lý giận dữ và thái độ chống Mỹ đã bao trùm chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến một thảo luận công khai về việc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các vũ khí hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là khi Ankara đơn phương đóng cửa không phận trên căn cứ quân sự Incirlik trong suốt cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, ông Stein cũng cho rằng bất cứ mối đe dọa nào nhằm khiến Mỹ rút khỏi Incirlik hay hạn chế các hoạt động quân sự của Nhà Trắng đều bị thổi phồng quá mức. Các hoạt động quân sự ở Incirlik được kiểm soát bởi các thỏa thuận liên quốc gia, bao gồm cả NATO cũng như yêu cầu phải có sự chấp nhận của nghị viện tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có rời khỏi NATO?
Giữa căng thẳng Mỹ - Thổ hiện tại, ông Erdogan cam kết gia tăng vai trò tại NATO. Ông đã đề xuất việc sử dụng các sở chỉ huy quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul để sử dụng cho các cơ sở mới của NATO và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gửi một phó chỉ huy và các cố vấn an ninh tới thực hiện một sứ mệnh mới khởi động của NATO ở Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ nắm quyền chỉ huy Lực lượng phản ứng cực nhanh (VJTF) của NATO năm 2021. Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Brussels vào tháng 7/2018, ông Erdogan đã khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện tốt trong vấn đề chi phí quốc phòng khi dành 1,8% GDP cho quốc phòng. Ông cũng ủng hộ yêu cầu tăng chi phí quốc phòng cho NATO từ 2% lên 4% của Tổng thống Trump - một động thái rõ ràng cho thấy nước này không hẳn đã đứng về phía Nga.
Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẵn sàng "gây sóng gió" cho các đồng minh NATO khi có kế hoạch dành 2 tỷ USD mua các tên lửa đất đối không S-400 của Nga. NATO cũng tuyên bố rõ ràng rằng việc mua bán này là đi ngược với các giới hạn mà NATO đặt ra trong việc sử dụng căn cứ quân sự Incirlik. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng hệ thống radar của S-400 có thể lần theo dấu vết của F-35 và giúp Nga cản trở hoạt động của loại máy bay chiến đấu này.
Ngày 13/8, ông Trump đã ký một Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng ngừng cung cấp máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi mục sư người Mỹ - ông Brunson được thả ra.
Ngoài ra, ông Jacob Funk Kirkegaard thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson cũng nhận định với tờ Bloomberg rằng: "Với một chính quyền hoặc một tổng thống không có giá trị gì nhiều với NATO, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một đồng minh trung thành của NATO sẽ bị suy giảm. Chính quyền ông Trump sẽ không đi quá xa để cứu một liên minh không có giá trị".
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nhà phân tích trên trang Bloomberg - Therese Raphel cho biết: Ông Erdogan cũng đang lên một kế hoạch với sự ủng hộ của Nga nhằm đối phó với đồng USD trước sự "trả đũa" với một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách bắt đầu quan hệ thương mại song phương Nga – Thổ qua việc sử dụng đồng nội tệ của hai quốc gia.
Chỉ có hai cách để giải quyết những căng thẳng ngoại giao hiện tại giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ: Hoặc là một thỏa thuận nhằm hòa giải mối quan hệ giữa hai quốc gia, hoặc những căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang với những thiệt hại về kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ và những tổn thất về lợi ích chiến lược tại khu vực của Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chỉ trích Tổng thống Trump khi “gạt bỏ một đồng minh chiến lược trong NATO vì một mục sư” nhưng cũng có một câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu Ankara có sẵn lòng “chia tay” NATO và chịu những thiệt hại về kinh tế chỉ để giam giữ một mục sư hay không?
Theo Kiều Anh
VOV