1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung quanh cuộc chiến chống IS:

Liệu IS có đủ khả năng dùng Ebola làm vũ khí?

Việc một chính trị gia Tây Ban Nha nêu khả năng IS dùng kim tiêm nhiễm virus Ebola đâm vào người khác đang gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, xét về mặt khoa học thì đây là chuyện vô cùng khó nếu không muốn nói là bất khả thi.

Ít có khả năng IS sử dụng virus Ebola làm vũ khí
Ít có khả năng IS sử dụng virus Ebola làm vũ khí

Ngày 1/11, phát biểu trước quốc hội, Francisco Martinez, Bộ trưởng An ninh Tây Ban Nha cho hay các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang thảo luận trên internet nhằm tìm ra cách tốt nhất để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Ông Martinez lưu ý rằng các nhà điều tra đã xác định được “nhiều bằng chứng” cho thấy nguy cơ IS sử dụng Ebola như một loại vũ khí sinh-hóa. Ông chỉ ra ba trường hợp cụ thể, trong đó các chiến binh thánh chiến “có liên quan tới IS” sử dụng các diễn đàn internet làm nơi thảo luận nghiêm túc về tính khả thi của việc khai thác các loại virus chết người và những chất độc khác như một phần của một cuộc tấn công khủng bố mới.

Một cuộc trao đổi được xác định là diễn ra giữa những người ủng hộ IS vào giữa tháng 9/2014 đã nhắc tới “việc sử dụng Ebola như một thứ vũ khí độc hại chống lại Mỹ”. Trong một cuộc trò chuyện khác, các chiến binh bàn luận về cách tốt nhất để sử dụng “các sản phẩm hóa chất chết người” mà chúng đã đánh cắp từ các phòng thí nghiệm.

Tiếp đó, ông Martinez trình bày về việc một phát ngôn viên của nhóm khủng bố cũng đã sử dụng mạng internet để kêu gọi những người ủng hộ sát hại dân chúng các nước phương Tây bằng mọi cách có thể, và đã nhắc tới phương pháp dùng kim tiêm nhiễm virus Ebola để tấn công.

Mưu toan dùng virus Ebola làm vũ khí được các nhóm khủng bố trên thế giới thực hiện ngay từ khi loại virus chết người này được tìm thấy năm 1976. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ một nhóm nào thành công vì nhiều lý do.

Cách đây hơn 20 năm, giáo phái Aum Shinrikyo tại Nhật đã muốn sử dụng Ebola làm chất độc giết người. Đây là tổ chức cực đoan điên khùng, nhưng có tiền và nhân sự am hiểu về khoa học trong một xã hội thuộc loại tiên tiến. Ra đời từ năm 1984, tổ chức khủng bố này đã bỏ ra nhiều triệu USD để nghiên cứu các loại vũ khí sinh hóa có khả năng tàn sát hàng loạt, như vi khuẩn gây bệnh than Anthrax, bệnh dịch tả, chất độc Sarin, Samonella, Botulinum... Họ cũng từng nghĩ đến virus Ebola.

Thành tích nổi bật của giáo phái này là tung chất độc Sarin dưới hầm xe điện ngầm tại Tokyo vào năm 1995 khiến 12 người thiệt mạng. Mãi tới khi đó nhà chức trách Nhật mới biết rằng trong nhiều năm liền, từ tháng 4/1990 đến tháng 8/1993, Aum Shinrikyo có mở bảy đợt tấn công bằng mấy ngàn lít chất độc sinh hóa mà chẳng ai biết vì không có công hiệu. Việc họ tính nuôi và cấy virus Ebola cũng nằm trong chiều hướng đó, mà lại không thành công.

Tổ chức al-Qaeda là một trường hợp khác. Cũng có tiền, có người và nhất là có dã tâm tàn sát theo tinh thần giết một người làm vạn người sợ - mà sau cùng al Qaeda lại dùng phương pháp khác. Năm 2001, ngay sau vụ khủng bố 9/11 của al-Qaeda, kẻ gian cũng đã gửi thư có chất độc Anthrax (vi kuẩn gây bệnh than) cho hai nghị sĩ Mỹ Tom Dashle và Patrick Leahy và cho nhiều nơi khác khiến năm người thiệt mạng. Nhưng chỉ là năm người thay vì hàng triệu người như nhà chức trách đã lo sợ.

Vì thế, câu hỏi ở đây không là “các nhóm khủng bố có muốn dùng Ebola làm vũ khí chăng?” mà là “có làm được không?” Từ 1976 đến nay, Ebola bùng phát nhiều lần tại châu Phi. Những quốc gia như Sudan, Uganda, Congo cùng Gabon nhỏ bé đã từng bị dịch Ebola. Đa số trường hợp xảy ra là vì con người chạm phải hoặc ăn thịt các loại thú nhiễm vi khuẩn, như dơi và khỉ, mà họ gọi chung là “thịt rừng”, món ăn khoái khẩu ở địa phương, và thật ra lại rất thịnh hành trong các xã hội bị đói, thiếu thịt. Qua những trường hợp đó, giới y khoa mới phát giác là vì vô tình mà nạn nhân bị nhiễm bệnh chứ cũng chẳng do ác tâm của ai đó cố tình gây bệnh cho người khác.

Lần này, Ebola bùng phát từ một ngôi làng hẻo lánh rất nghèo ở Guinea, vì vậy giới chuyên gia y tế tin rằng đây là một trường hợp tự nhiên, một tai nạn vì không may, chứ cũng chẳng do một nhóm khủng bố nào đó gây ra để tàn sát dân làng. Quân khủng bố cần tiếng vang ở các trung tâm đông dân và được dư luận thế giới biết tới chứ không ra tay ở chốn thâm sơn cùng cốc hoang vu.

Trước khi có lực lượng IS thì tổ chức tiền thân là al-Qaeda tại Iraq (AQI) đã có hai đợt tấn công bằng hóa chất Chlorine chất trong xe chứa bom vào các năm 2006 và 2007. Kết quả là nạn nhân chết vì bom nổ hơn là vì hóa chất Chlorine. Tổ chức này cũng đã dùng nhiều vũ khí hóa học lấy của chính quyền Saddam Hussein làm bom thủ công tấn công các đơn vị Mỹ mà sau đó lại chọn giải pháp khác.

Ngày nay, lực lượng IS cũng lấy khí độc mustard trong kho đạn tại Iraq hoặc ở Syria làm phương tiện giết người. Nhưng dù là có dã tâm như vậy, tại sao lực lượng IS lại khó sử dụng vũ khí Ebola? Chỉ vì từ dạng virus biến thành vũ khí là một điều không dễ thực hiện và Ebola khó bùng phát vì khả năng tác động của quân khủng bố như nhiều người đã lo sợ.

Hiện tượng khủng bố và virus Ebola không là chuyện mới lạ. Ngày xưa, giáo phái Aum Shinrikyo tại Nhật đã gửi một đoàn y tế qua châu Phi với lý cớ là trợ giúp các bệnh nhân. Lý do thật là để tìm ra virus Ebola. Cuối cùng thì họ tìm không ra nên trắng tay ra về. Mà nếu có tìm được thì làm sao đem virus đó về phòng thí nghiệm của họ ở tại Nhật?

Theo các nhà khoa học thì virus Ebola chỉ có thể tồn tại vài tiếng đồng hồ nếu đem ra ngoài cơ thể của súc vật hay bệnh nhân để ở một chỗ khô ráo. Bên trong cơ thể, ở nơi có chất lỏng gọi là bodily fluids, thì Ebola có thể sống được vài ngày. Với điều kiện là duy trì được trạng thái lỏng đó, và chuyên chở qua nơi khác. Bằng máy hay chẳng hạn!

Có được mẫu hàng độc đem về tới phòng thí nghiệm ở nhà - một căn cứ tuyệt mật - thì còn phải... gây giống. Nghĩa là tìm môi trường cho virus có thể sinh sôi nảy nở thành một số lượng đáng kể khả dĩ gây bệnh hàng loạt. Trong suốt tiến trình vận chuyển và sử dụng rất nhiêu khê rắc rối ấy, làm sao các hung thủ có thể tránh bị nhiễm bệnh?

Sau cùng, nếu có giải quyết được ngần ấy bài toán về an ninh và y tế thì quân khủng bố vẫn đụng vào thực tế của khoa học. Giới y khoa cho hay tỷ số gây bệnh của Ebola thật ra rất thấp. Từ người nhảy sang người là điều khó và cho tới nay thì trung bình mới chỉ là một người gây bệnh cho một hay hai người mà thôi. Nếu so sánh thì tỷ số gây bệnh đậu mùa là từ năm đến bảy người. Cao lắm như bệnh sởi thì tỷ số là 12-18. Kinh hoàng nhất là virus HIV gây bệnh AIDS thì cũng chỉ có tỷ số từ năm đến bảy.

Ebola chưa là phương tiện thuộc loại tiện dụng nhất cho quân khủng bố. Quân khủng bố không sợ chết và có trí tưởng tượng thuộc loại khác thường nên tìm ra rất nhiều cách giết người. Trong tiến trình đó, tất nhiên là họ đã nghĩ tới loại vũ khí sinh lý hay hóa học, kể cả vi trùng hay vi khuẩn. Nhưng virus Ebola rất khó được chọn vì không dễ vận dụng mà lại có sức tàn sát giới hạn.
 
Theo Th.Long (tổng hợp)/PetroTimes