Liệu có nổ ra xung đột Trung-Nhật trên biển Hoa Đông?
(Dân trí) - Sau khi Nhật Bản chính thức công bố kế hoạch quốc hữu hóa ba trong số năm đảo ở Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc phản ứng giận dữ với đỉnh điểm là việc điều một loạt tàu hải giám ra vùng biển này, khiến Biển Hoa Đông tiếp tục dậy sóng.
Trung Quốc cảnh cáo
Giới phân tích chính trị cho rằng việc Chính phủ Nhật Bản tuyên bố hoàn tất kế hoạch mua ba đảo của tư nhân tại Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đe dọa dẫn đến một cuộc đối đầu mới với Trung Quốc.
Tất nhiên, Bắc Kinh sẽ có những phản ứng rất mạnh mẽ cả về ngôn từ lẫn hành động. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi quyết định của Chính phủ Nhật Bản là "hành động ăn cắp". Tiếp đến, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh đe dọa bằng tuyên bố quân đội Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Sự xuất hiện của các tàu hải giám Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư làm nổi lên nguy cơ Nhật Bản sẽ có những hành động quyết đoán hơn để đối phó với người láng giềng. Điều này làm tăng nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột giữa quân đội Trung Quốc với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản giống như cuộc đối đầu đã từng xảy ra ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) ở Philippines.
Quân khu Nam Kinh hồi đầu tháng này còn tiến hành các cuộc tập trận hải lục không quân ở Hoàng Hải và sa mạc Gobi. Đây rõ ràng là một tín hiệu của Bắc Kinh cảnh báo Tokyo bởi vì một trong những nhiệm vụ chủ chốt của Quân khu Nam Kinh là bảo vệ biển Hoa Đông.
Nhật Bản muốn “duy trì hiện trạng”
Việc Chính phủ Nhật Bản quyết định mua hay "quốc hữu hóa" ba hòn đảo Uotsurijima, Kitakojima và Minamikojima, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với giá 2,05 tỷ yên (26 triệu USD) của gia đình Kurihara được thúc đẩy bởi những toan tính chính trị.
Trước kia Chính phủ Nhật Bản đã thuê và kiểm soát toàn bộ quần đảo. Tháng 7/2012, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố, chính phủ sẽ mua quần đảo mà người khởi xướng cho việc mua bán này chính là Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara thuộc cánh hữu. Thủ tướng Noda cho biết việc mua quần đảo nhằm ngăn chặn kế hoạch khiêu khích của ông Ishihara nhằm xây dựng một bến cảng và các cơ sở trên quần đảo. Lẽ đương nhiên, lý do này không làm giảm sự tức giận của Bắc Kinh.
Sau khi Bắc Kinh đòi Tokyo thu hồi quyết định mua đảo, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã lên tiếng bác bỏ. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không muốn làm nóng thêm căng thẳng với Trung Quốc hơn nữa.
Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC tại Nga, Thủ tướng Noda nói rằng “muốn giải quyết theo quan điểm mang tính đại cục”. Phát ngôn này có thể hiểu là “gác lại vấn đề” để “duy trì hiện trạng” và tạm tránh “làm tranh chấp trở nên quyết liệt”.
Giới phân tích cũng cho rằng ông Noda dường như chưa nghĩ đến việc cho xây dựng cơ sở lâu dài và cho công chức thường trú trên đảo. Trước đó, Tokyo cũng đã bác bỏ yêu cầu được đổ bộ lên đảo của một đoàn khảo sát khu vực Senkaku/Điếu Ngư do thị trưởng Tokyo tổ chức. Lý do của Tokyo là để đảm bảo an ninh song thực chất nguyên nhân có thể là tránh chọc giận Bắc Kinh hơn nữa.
Toan tính chính trị…
Tuy nhiên, có vẻ như một phần động cơ của việc cả Tokyo và Bắc Kinh đẩy căng thẳng lên cao là để xử lý các mâu thuẫn trong nội bộ. Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư phần nào đã kích thích tinh thần dân tộc và chuyển hướng sự quan tâm của dư luận khỏi các căng thẳng chính trị và xã hội trong nước.
Tại Nhật Bản, mâu thuẫn giữa các chính đảng tại Quốc hội, sự phản đối của người dân đối với một số kế hoạch kinh tế và quân sự của chính phủ… dường như đang được thu hẹp khi dư luận Nhật Bản tỏ ra đồng tình với quyết định của Tokyo tìm cách củng cố chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư.
Tại Trung Quốc, những vụ bê bối, như vụ Bạc Hy Lai, xảy ra trước thềm Đại hội đảng Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm giảm sút uy tín của chính phủ vì vậy việc tỏ rõ thái độ “quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc” sẽ giúp gia tăng sự ủng hộ của người dân dành cho chính phủ.
Bắc Kinh cần phải hành động một cách hài hòa, không quá mạnh mẽ nhưng cũng không quá mềm mỏng. Trung Quốc cần có lập trường cứng rắn đối với Nhật Bản, trong bối cảnh người dân trong nước đang phẫn nộ với quyết định của chính phủ Nhật Bản. Một khả năng nữa là việc Trung Quốc phản ứng quá mạnh có thể sẽ kích động thái quá các cuộc biểu tình chống Nhật, và đến thời điểm nào đó, các cuộc biểu tình này sẽ biến thành biểu tình chống chính phủ.
Mỗi Đại hội Đảng là một dịp để giới lãnh đạo khích lệ tinh thần yêu nước và lòng trung thành của người dân. Xét trên nhiều góc độ, đó có thể là lý do dẫn tới những lời lẽ cứng rắn của Bắc Kinh chứ không phải là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh hay đụng độ quân sự sắp xảy ra.
…và kinh tế
Không chỉ có chính trị, sự ràng buộc chặt chẽ về kinh tế giữa hai quốc gia cũng là nguyên nhân lớn buộc cả hai bên phải cầm chừng các hành động mạnh tay.
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Khương Tăng Vĩ đã cảnh báo tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Tokyo và Bắc Kinh có thể tác động xấu đến hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Ông Khương Tăng Vĩ nói rằng việc người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản một cách ôn hòa không có gì đáng chê trách, Bắc Kinh coi việc “người tiêu dùng thể hiện thái độ một cách hợp lý” là điều bình thường, vì “đấy là quyền của họ”.
Theo số liệu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Nhật Bản. Năm ngoái, lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm tới 20,6% tổng lượng hàng xuất khẩu của Tokyo, tăng gần gấp 3 lần so với cách đây 10 năm. Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của ngành xe hơi và đồ điện tử Nhật.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 7 vừa qua, doanh số bán xe ô tô của Nhật Bản sang thị trường Trung Quốc đã sụt giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc chiến kinh tế với Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản là các nhà đầu tư lớn ở Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh thể hiện lập trường cứng rắn sẽ làm nản lòng các công ty của Nhật Bản và khiến họ nghĩ rằng “đầu tư ở Trung Quốc sẽ có nhiều rủi ro”.
Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng nóng và hạ cánh cứng. Những vấn đề kinh tế tài chính của một quốc gia phát triển như bong bóng phình to đã manh nha phát tác. Rõ ràng Bắc Kinh phải tính đến điều này. Vì vậy, từ nay đến Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, giới chức Trung Quốc sẽ muốn giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa.
Bắc Kinh đang bắn đi các tín hiệu cảnh báo về khả năng tiến hành các đòn đáp trả mạnh hơn đối với Nhật Bản song nói cứng là một lẽ, còn thực tâm Bắc Kinh không hề muốn gây chiến trong lúc này.
Không thể phủ nhận quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh đang rất căng thẳng vì chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, xét trên một loạt lợi ích cả về kinh tế và chính trị, chắc chắn hai nước sẽ không muốn đẩy mọi việc đi quá xa. Nói cách khác, nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự mới ở Biển Hoa Đông vẫn còn rất xa vời.
Cẩm Thi