1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Liệu Ai Cập có tránh được một cuộc nội chiến?

(Dân trí) - Những cuộc biểu tình đẫm máu tại Ai Cập, nhiều nhà thờ bị đốt một quan chức chính phủ hàng đầu từ chức, khiến nhiều nhà phân tích dự báo một tương lai đầy bất ổn cho quốc gia này. Nguy cơ về một cuộc nội chiến cũng được đề cập.

Giữa tuần qua, những người Ai Cập ủng hộ vị cựu Tổng thống người Hồi giáo Mohammed Morsi đã trải qua một ngày thứ Tư đầy bạo lực. Hơn 600 người thiệt mạng và khoảng 3500 người bị thương trong các cuộc đụng độ với quân đội, và nỗi lo sợ về sự tiếp diễn của bạo lực tiếp tục lên cao.

Ai Cập đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội
Ai Cập đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội

“Tôi không cho rằng có lí do gì để hy vọng vào sự ổn định trong vài năm tới”, Elliott Abrams, một nhà nghiên cứu cấp cao về tình hình Trung Đông tại Hội đồng quan hệ đối ngoại nhận định. “Chúng ta đang thấy một đất nước bị chia rẽ sâu sắc”.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, bất chấp cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria và cuộc nội chiến tại Libya năm 2011, ít có khả năng Ai Cập sẽ là quốc gia tiếp theo trong khu vực bị đẩy vào tình trạng này. Thay vào đó, tất cả những gì nhận định là tình trạng bất ổn hơn nữa trong tương lai gần.

“Tôi không nghĩ Ai Cập sẽ sa vào nội chiến, nhưng chắc chắn quốc gia này đang trải qua một cuộc xung đột dân sự”, Khaled Elgindy, một nhà nghiên cứu tại Viện Brooks nhận định. “Tôi không thấy bất kỳ đối tượng chính nào, bao gồm và đặc biệt là quân đội, đánh giá lại hướng đi của họ”.

Adel Iskandar, một giáo sư tại đại học Georgetown, Mỹ và là tác giả của cuốn sách “Dòng chảy Ai Cập: Bàn về một cuộc cách mạng không trọn vẹn”, cũng đồng ý với quan điểm này.

“Tương lai là rất đáng ngại”, ông nói. “Nhưng tôi tin tưởng rằng cuối cùng hai bên sẽ ngồi lại cùng nhau và cố gắng tìm một giải pháp. Có thể sẽ còn thêm nhiều người thiệt mạng nhưng tôi không nhận thấy một tình huống trong đó Ai Cập sẽ rơi vào nội chiến”.

Hầu như đa số những người biểu tình tại Ai Cập không có vũ trang, có nghĩa là một cuộc nội chiến khó xảy ra.

“Sẽ không có một cuộc nội chiến trừ khi có những người dân thực sự sẵn sàng chiến đấu với quân đội bằng vũ lực”, Abram nhận định. “Tôi nghĩ tình hình sẽ không giống như Syria”.

Phyllis Bennis, một nhà nghiên cứu khác tại Viện chính sách của Mỹ cho biết thêm rằng do quân đội Ai Cập kiểm soát 35 - 40% nền kinh tế, ít có khả năng họ sẽ phá vỡ nó như từng xảy ra tại các quốc gia khác.

“Tại Ai Cập, không có những đám đông dân chúng khổng lồ được vũ trang, và khả năng quân đội chia rẽ như từng xảy ra tại Libya và sau đó tại Syria là ít xảy ra do vai trò của quân đội trong xã hội luôn rất tách biệt khỏi dân cư, và rất được kính trọng”.

Những vấn đề của quân đội với phong trào Anh em Hồi giáo - những người ủng hộ ông Morsi - đã thêm trầm trọng từ ngày 3/7 khi vị Tổng thống bị phế truất.

Bên cạnh các vụ trấn áp đẫm máu hôm thứ Tư, phó Tổng thống Ai Cập Mohamed ElBaradei đã từ chức và hàng loạt nhà thờ bị phóng hỏa trong hỗn loạn. Cộng đồng người Thiên chúa giáo, vốn luôn đứng ngoài các cuộc xung đột, giờ hầu như đã bị lôi vào cuộc.

“Tôi thấy những gì diễn ra hôm thứ Tư là một ngày trong lịch sử của Ai Cập cho thấy đất nước này có thể trở lại từ bờ vực của thảm họa. Hoặc ít nhất đó là hy vọng của tôi”, nhà phân tích Iskandar nói.

Quân đội Ai Cập cần kiềm chế và đối thoại với phe ủng hộ ông Morsi (phải)
Quân đội Ai Cập cần kiềm chế và đối thoại với phe ủng hộ ông Morsi (phải)

Mặc dù các vụ bạo lực hôm thứ Tư là chưa từng có, phản ứng của Ai Cập trước bất ổn chính trị luôn thường trực kể từ khi chế độ của ông Hosni Mubarak kết thúc năm 2011, Elgindy khẳng định.

“Kể từ khi ông Mubarak bị phế truất hai năm rưỡi trước, tôi cho rằng sự tiếp diễn chính đó là tại mỗi ngã rẽ trên lộ trình, các nhà hoạt động chính trị tại Ai Cập đã luôn chọn sai đường”, Elgindy nói. “Đã có nhiều cuộc khủng hoảng, và với mỗi cuộc khủng hoảng mới, thay vì đánh giá lại và cố gắng khắc phục chúng, thì cuối cùng vấn đề lại trầm trọng thêm”.

Để tìm được sự ổn định, Elgindy cho rằng điều cần thiết lúc này là “một tiến trình hòa giải dân tộc”.

“Điều cần có lúc này là một người đối thoại được tất cả các bên tin cậy có thể khiến các bên ngồi lại và bàn thảo với nhau, thay vì tâm lý “có tôi thì không có anh” vô nghĩa, như đang tồn tại hiện nay”, ông Elgindy nói tiếp.

Ông cũng đề xuất rằng các quan chức Mỹ và châu Âu có thể là người phù hợp nhất để làm trung gian cho một giải pháp như vậy. Nhưng ông cũng cảnh báo: “nếu điều đó xảy ra, nó phải diễn ra sớm bởi nếu không tình hình sẽ tiếp tục bị kéo căng, và tất nhiều sẽ còn có thêm nhiều người chết và những lễ tang”.

Hôm thứ Năm vừa qua, các quan chức cả Mỹ và châu Âu đã lên án mạnh mẽ nhất tình trạng bạo lực tại Ai Cập. Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố: “chúng tôi lấy làm tiếc về các vụ bạo lực chống lại dân thường”, và đã hủy cuộc tập trận quân sự chung được lên kế hoạch với Ai Cập để phản đối các cuộc xung đột.

Dù vậy ông Obama lại không đề cập đến gói viện trợ quân sự 1,3 tỷ USD mà Mỹ cấp cho Ai Cập. Sau đó Bộ ngoại giao Mỹ đã cho biết sẽ rà soát “mọi hình thức” viện trợ cho Ai Cập.

Đến nay Mỹ vẫn không xem cuộc phế truất ông Morsi hôm 3/7 là một cuộc “đảo chính”. Nếu đây là hành động đảo chính, chính quyền của ông Obama sẽ buộc phải cắt viện trợ quân sự. Việc thiếu hành động rõ ràng đã khiến nhiều người giận dữ và hoài nghi về ý định của Washington.

“Mọi người đã yêu cầu chính quyền chấm dứt viện trợ suốt 1 tháng nay và gọi hành động phế truất là một cuộc đảo chính. Nhưng nếu họ làm việc đó lúc này thì không khác nào thừa nhận sai lầm khi không làm điều đó sớm hơn”, Abrams, đến từ Hội đồng quan hệ đối ngoại cho biết.

Cho dù Mỹ có thực sự rút lại viện trợ quân sự, nó cũng có thể không ảnh hưởng lớn tới quan hệ Mỹ - Ai Cập, Iskandar nói. “Nó cũng chỉ là một giọt nước trong xô đối với quân đội Ai Cập”, chuyên gia này nhận định. “Họ đang thu về hàng tỷ, hàng chục tỷ, nếu không muốn nói là hàng trăm tỷ USD. 1,3 tỷ USD là hết sức nhỏ”.

Thanh Tùng
Theo NBC