1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Liên tục va chạm ở Vịnh Ba Tư: Iran thử lòng quyết tâm của Mỹ?

Những vụ va chạm mới nhất giữa tàu Mỹ và Iran càng khiến các nghị sỹ đảng Cộng hòa có cớ để chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Chạm trán “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” ở vùng Vịnh

Hai lần “chạm mặt” nguy hiểm giữa tàu hải quân Iran và Mỹ ở Vịnh Ba Tư trong tuần này đã làm dấy lên câu hỏi mới về ý định của Tehran, hơn 1 năm sau khi nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an và Đức) đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran - thỏa thuận vốn được kỳ vọng sẽ khiến nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ cư xử “mềm mỏng” hơn và không có động thái gia tăng đối đầu quân sự.

Tàu chiến Mỹ khai hỏa. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tàu chiến Mỹ khai hỏa. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ngày 25/8, Nhà Trắng cho biết Hải quân Mỹ đã bắn 3 phát súng cảnh cáo, sau khi 1 tàu tấn công cao tốc của Iran tiếp cận và di chuyển vòng quanh hai tàu Hải quân Mỹ và một tàu của Kuwait ở vùng biển quốc tế thuộc Eo Hormuz, phía Bắc vùng Vịnh.

Theo thông báo của Nhà Trắng, tàu Mỹ đã bắn cảnh cáo do tàu Iran không chịu rời đi sau một cuộc trao đổi ngắn qua radio. Khi sự cố xảy ra, tàu Iran cách tàu Hải quân Mỹ khoảng 193m.

Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng John Earnest cho biết, ở thời điểm này, Washington chưa rõ ý định của tàu Iran, song “cách hành xử như vậy là không thể chấp nhận được”, do tàu Mỹ đang ở vùng biển quốc tế.

Theo ông Earnest, những kiểu hành động và sự cố như vậy là “đáng quan ngại và chúng có nguy cơ gây căng thẳng không cần thiết”.

Trước đó, hôm 24/8, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, 4 tàu quân sự Iran đã tăng tốc áp sát tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Nitze của Hải quân Mỹ với những vũ khí được tháo bạt để sẵn sàng tấn công, ở eo biển Hormuz trong một cuộc chạm trán “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”.

Vị quan chức giấu tên nói với AFP rằng, tàu USS Nitze bắn pháo sáng cảnh báo, hú còi nhưng đã không thành công trong việc liên lạc với các tàu của Iran trong sự cố hôm 23/8.

Theo tạp chí Stars and Stripes, tàu Nitze đã phải đổi hướng để tránh một vụ va chạm tiềm tàng, cho dù nó ở gần các giàn khoan dầu ngoài khơi. Các tàu của Iran đã áp sát tàu Nitze khoảng 300m trước khi rời khỏi hiện trường.

Câu hỏi lớn với thỏa thuận hạt nhân Iran

Theo nhận định của giới phân tích, câu chuyện không chỉ dừng lại ở hành vi “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” của Iran mà nó thực sự là thách thức lớn, làm đau đầu giới chức Mỹ khi một lần nữa câu hỏi lại được đặt ra đối với những gì ông Obama coi là thành tựu trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Các thủy thủ Mỹ bị Hải quân Iran bắt giữ hồi tháng 1/2016. (Ảnh: AP)
Các thủy thủ Mỹ bị Hải quân Iran bắt giữ hồi tháng 1/2016. (Ảnh: AP)

Có một thực tế không thể phủ nhận đó là Iran đã chấp hành cam kết theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, nhưng đồng thời đã có những dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong hành vi của Tehran ở một số lĩnh vực khác.

Trong đó, bao gồm động thái sẵn sàng đẩy căng thẳng trong vùng Vịnh Ba Tư lên cao cũng như tiếp tục can thiệp vào các cuộc chiến ở Yemen và Syria, đối đầu gián tiếp với Mỹ và các đồng minh.

Không phải đến sau các va chạm ở Vịnh Ba Tư Washington mới “giật mình” xem xét lại các động thái gần đây của Tehran. Các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã rất tức giận về các hành vi của Iran từ cuối năm ngoái, khi nước Cộng hòa Hồi giáo tiến hành thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và sau đó là tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật, gần khu vực hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Vịnh Ba Tư.

Mọi việc càng trở nên xấu hơn khi hồi tháng 1/2016, Hải quân Iran đã bắt giữ các thủy thủ của 2 tàu tuần tra Mỹ đi vào hải phận của nước này dù 10 thủy thủ Mỹ này được thả trong vòng 24 giờ sau đó.

Giới chức Mỹ không giấu giếm hy vọng thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được hồi tháng 7/2015 sẽ là bước khởi đầu để Iran cho thấy thiện chí giảm các hành động đối đầu nhưng Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ Edward R. Royce cho rằng, thực tế là Iran đang cho thấy điều ngược lại khi tiếp tục theo đuổi chính sách “làm mất ổn định khu vực”.

“Iran đang đạt được những thắng lợi liên tiếp và Chính phủ nước này cũng cảm nhận rõ thắng lợi hiện tại. Mỹ cần phải cứng rắn hơn chứ không được đầu hàng”, ông Royce nói.

Hồi đầu tháng này, tiết lộ về việc Mỹ trả khoản tiền 1,7 tỷ USD cho Iran tiếp tục khiến phe Cộng hòa “nóng mắt”, nghị sỹ Tom Cotton của đảng Cộng hòa nói: “Một lần nữa và thêm một lần nữa, Chính quyền Mỹ lại tìm cách né tránh sự thật”.

Tuyên bố của ông Cotton được cho là ám chỉ việc Chính quyền Tổng thống Obama không dám thừa nhận thỏa thuận hạt nhân với Iran chưa mang lại những chuyển biến tích cực.

Về phía Iran, nước này cũng đưa ra lập luận riêng khi cho rằng, Mỹ đã cố tình trì hoãn việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Giới chức Iran không ít lần nói rằng, những gì họ nhận được từ thỏa thuận hạt nhân là không tương xứng và “đáng thất vọng”.

Iran thử thách quyết tâm của Mỹ?

Giới phân tích quân sự cho rằng, có những dấu hiệu ngày càng rõ ràng cho thấy quân đội Iran đang có ý định thử thách quyết tâm của Chính quyền Tổng thống Obama.

Tàu Iran hướng về phía tàu Mỹ với tốc độ cao. (Ảnh chụp từ clip của Hải quân Mỹ)
Tàu Iran hướng về phía tàu Mỹ với tốc độ cao. (Ảnh chụp từ clip của Hải quân Mỹ)

Bình luận về những động thái nguy hiểm gần đây của tàu Iran trên Vịnh Ba Tư, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), tướng Joseph Votel nói với tờ The Wall Street Journal rằng, những sự cố như vậy có thể dẫn đến tính toán sai lầm nghiêm trọng vì các thủy thủ trên tàu Hải quân Mỹ thường không có đủ thời gian để đưa ra phản ứng phù hợp.

Theo những số liệu thống kê từ Hải quân Mỹ, năm 2015, đã có báo cáo về 300 sự cố liên quan đến tàu Iran. Trong khi phần lớn các sự cố là nhỏ và không đáng kể, có khoảng 10% số vụ là đáng lưu tâm, liên quan đến việc các tàu Iran chạy hướng về phía tàu Mỹ với tốc độ cao hay mở bạt che vũ khí khi đi qua tàu Mỹ…

Không có phản ứng mạnh mẽ giống như giới chức quân sự, các quan chức Nhà Trắng cho thấy thái độ kiềm chế trước những sự cố vừa qua. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không đề cập đến 2 vụ đối đầu ở Vịnh Ba Tư khi có chuyến thăm tới Saudi Arabia – đối thủ chính của Iran ở Trung Đông.

Thay vào đó, ông Kerry chỉ trích Iran vì sự can dự của nước này vào tình hình ở Yemen – nơi Iran bị cáo buộc hỗ trợ phong trào nổi dậy của phiến quân Houthi lật đổ chế độ ở quốc gia này.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp phía Saudi Arabia Adel al-Jubeir, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khuyến cáo rằng, “mối đe dọa đến từ các lô hàng vũ khí tối tân và tên lửa được tuồn vào Yemen từ Iran không chỉ gói gọn trong lãnh thổ nước này. Nó còn là mối đe dọa với Saudi Arbia, đối với khu vực và với cả Mỹ. Điều này cần phải chấm dứt”.

Đây không phải là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ chỉ đích danh Iran can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia Trung Đông khác. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ trước đó không ít lần đã công khai chỉ trích Tehran hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad khiến tình hình Syria thêm rối ren.

Tuy nhiên, các nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng, những tuyên bố của Mỹ là không đủ tính răn đe, đặc biệt khi nó không thể ngăn chặn Iran gia tăng các hoạt động đối đầu khác, chẳng hạn như việc Iran liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa hồi tháng 3/2016.

Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte của đảng Cộng hòa nhận định: “Nếu chỉ dành cho họ những lời lẽ cứng rắn thì sẽ không thể ngăn cản được việc Iran tiếp tục tài trợ cho khủng bố cũng như phát triển chương trình tên lửa đạn đạo”./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm