1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Liên tiếp triển khai tàu sân bay, Mỹ gửi tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ được cho là muốn gửi thông điệp tới Trung Quốc khi triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh chưa hạ nhiệt.

Video Mỹ kích nổ "như động đất" cạnh tàu sân bay đắt nhất thế giới

Liên tiếp triển khai tàu sân bay, Mỹ gửi tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc - 1

Tàu sân bay USS Carl Vinson đi qua Thái Bình Dương ngày 13/6 (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Theo SCMP, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ dự kiến sẽ giám sát Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cuối mùa hè năm nay, lấp đầy khoảng trống do nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan để lại khi chiến hạm này hướng đến Trung Đông để hỗ trợ quân đội Mỹ trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan.

Các chuyên gia quân sự cho rằng việc triển khai thường xuyên các nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự để đối phó với sự quyết đoán của quân đội Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đã trải qua quá trình nâng cấp kéo dài 17 tháng, được trang bị thêm máy bay chiến đấu F-35C Lightning II và CMW-22B Osprey mới. Theo tuyên bố của Hải quân Mỹ ngày 22/6, nhóm tàu chiến này đã tiến hành tập trận với các đơn vị chiến đấu khác ở khu vực gần Hawaii kể từ tuần trước, khi chuẩn bị cho đợt triển khai sắp tới tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo thông báo của Viện Hải quân Mỹ, cuộc tập trận của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Vinson gần Hawaii được coi là nhằm phô diễn sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng. Các quan chức Mỹ nhiều lần cảnh báo rằng, Trung Quốc là "mối đe dọa trước mắt" của quân đội Mỹ.

Lu Li-shih, cựu chuyên gia tại Viện Hải quân ở Đài Loan, nhận định việc triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành sự hiện diện quân sự thường kỳ của Mỹ trong khu vực, kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Trung Quốc vào danh sách mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Washington vào năm ngoái, và lập trường này đang được Tổng thống Joe Biden kế thừa.

"Việc triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay, hoặc một nhóm tác chiến tàu sân bay và một nhóm tàu tấn công viễn chinh được hộ tống bởi các tàu tấn công đổ bộ trong khu vực, đã trở thành sự phối hợp thường lệ của Mỹ trong 2 năm qua", chuyên gia Lu cho biết.

Theo chuyên gia Lu, điều đáng chú ý nhất là "liệu Mỹ có di chuyển binh sĩ, thiết bị và hệ thống vũ khí mà nước này đã triển khai ở Afghanistan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai hay không".

Liên tiếp triển khai tàu sân bay, Mỹ gửi tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc - 2

Hải quân Mỹ ngày 19/6 thử nghiệm khả năng chịu "sốc" của tàu sân bay USS Gerald Ford bằng cách kích hoạt lượng lớn thuốc nổ sát ngay thân tàu (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Một sĩ quan hải quân Mỹ giấu tên nói với SCMP rằng một phần thiết bị, bao gồm xe tải quân sự và các khí tài phi sát thương, sẽ được tặng cho các tổ chức địa phương ở Afghanistan, trong khi các hệ thống vũ khí tinh vi như máy bay chiến đấu và tên lửa sẽ được chuyển đến các căn cứ chưa được xác định của Mỹ. Theo Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ giải phóng cho nhóm tàu sân bay USS Dwight D Eisenhower vốn hoạt động ở Trung Đông từ tháng 4.

Zhou Chenming, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Quân sự Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng sau khi thực hiện sứ mệnh rút khỏi Afghanistan, tàu sân bay USS Ronald Reagan, vốn đồn trú tại Yokosuka, Nhật Bản, dự kiến sẽ quay trở lại khu vực. Tuy nhiên, tàu sân bay này sẽ không đặt ra mối đe dọa đối với quân đội Trung Quốc, trừ khi tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald Ford được triển khai.

Tàu sân bay lớp Ford đầu tiên được trang bị các công nghệ hiện đại nhất thế giới, gồm hệ thống máy phóng điện từ (EMALS). USS Gerald Ford đã hoàn thành bài kiểm tra về sức chống chịu chấn động trong một vụ thử nghiệm trên Đại Tây Dương hôm 18/6.

Hải quân Mỹ kích hoạt 18 tấn thuốc nổ, tạo ra chấn động mạnh ngang trận động đất 3,9 độ, ngay cạnh tàu USS Gerald Ford, để kiểm tra tác động đối với tàu chiến này trong điều kiện thực tế. Các tàu chiến cỡ lớn của Trung Quốc, bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, vẫn chưa trải qua bài kiểm tra như vậy và Bắc Kinh vẫn đang theo dõi chặt chẽ vụ thử nghiệm của Mỹ.