1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Liên minh Mỹ - Nhật ra sao sau khi Thủ tướng Abe từ chức

Minh Phương

(Dân trí) - Quyết định từ chức của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo có thể không quá bất ngờ với giới chức Mỹ nhưng là quyết định không có lợi với liên minh Mỹ - Nhật Bản vào thời điểm này.

Liên minh Mỹ - Nhật ra sao sau khi Thủ tướng Abe từ chức - 1

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)

Những đồn đoán về sức khỏe của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã xuất hiện từ nhiều tuần qua, việc ông tuyên bố từ chức hôm 28/8 tuy không hoàn toàn khiến giới chức Mỹ bất ngờ, nhưng là quyết định có thể khiến Washington lo ngại vào thời điểm này.

Căng thẳng ở châu Á đang có xu hướng leo thang. Trong khi thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt, Trung Quốc đã có hàng loạt động thái mới ở Biển Đông và một số vùng biển trong khu vực. Chỉ cách đây vài ngày, Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa đạn đạo ra Biển Đông trong một cuộc tập trận bắn đạn thật. Trung Quốc cũng leo thang căng thẳng với Nhật Bản bằng việc tiếp tục đưa tàu đi vào khu vực tranh chấp quanh quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Ngoài ra, những động thái của Trung Quốc đại lục với Đài Loan làm dấy lên lo ngại châu Á khó tránh một cuộc xung đột lớn trong những năm tới.

Ông Abe, thủ tướng đảm nhiệm chức vụ lâu nhất ở Nhật Bản, được đánh giá là người đóng góp tích cực vào ổn định ở khu vực. Với chủ trương ủng hộ chủ nghĩa đa phương, ông Abe đã nỗ lực không mệt mỏi để thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.

Ông cũng nỗ lực không ngừng để góp phần thúc đẩy quan hệ liên minh Mỹ - Nhật Bản. Năm 2015, ông đề xuất sửa đổi hiến pháp, cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể, nghĩa là cho phép sự hỗ trợ của Mỹ để bảo vệ an ninh quốc gia nếu cần thiết.

Đó là dưới khi nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Khi Tổng thống Donald Trump đắc cử năm 2016, ông Abe cũng trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ với tổng thống đắc cử của Mỹ tại Tháp Trump. Thậm chí sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Abe vẫn tìm cách cứu vãn thỏa thuận giữa 11 thành viên còn lại. Cùng lúc đó, ông Abe nhất trí hợp tác với chính quyền Tổng thống Trump lập ra một thỏa thuận song phương và điều này đã giúp tránh căng thẳng thương mại giữa hai đồng minh.

Lo ngại sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ đồng minh với Mỹ, song chính quyền của ông Abe vẫn thận trọng để tránh căng thẳng không cần thiết với Bắc Kinh. Hồi tháng 6, chính phủ Nhật Bản bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc thông qua luật an ninh gây tranh cãi với Hong Kong, dù Tokyo không ký vào tuyên bố chung của Mỹ, Anh, Australia và Canada nhằm lên án Bắc Kinh.

Việc ông Abe đột ngột từ chức có thể chưa lập tức gây lo ngại, nhưng đây có thể tác động tới khu vực. Hiện một số gương mặt được cho là nhiều khả năng sẽ kế nhiệm ông Abe, trong đó có Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Minister Shigeru Ishiba, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Taro Kono và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida. Cho dù ai được đảng Dân chủ Tự do cầm quyền lựa chọn vào tháng tới cũng sẽ phải đối diện với việc làm thế nào để cân bằng các lợi ích cạnh tranh của Nhật Bản trên trường quốc tế.