1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thủ tướng Abe từ chức, nền kinh tế chiến lược Ấn Độ Dương lâm vào rủi ro

(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của một nền kinh tế lớn trên thế giới từ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Shinzo Abe hôm 24/8 đã đạt thêm cột mốc trong sự nghiệp chính trị của mình khi trở thành thủ tướng có nhiệm kỳ lâu nhất Nhật Bản. Tuy nhiên thông báo từ chức đột ngột của ông mới đây và việc một nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền thay thế có thể khiến cho Nhật Bản suy yếu trên trường quốc tế.

Thủ tướng Abe từ chức, nền kinh tế chiến lược Ấn Độ Dương lâm vào rủi ro - 1

Ông Shinzo Abe là Thủ tướng có nhiệm kỳ lâu nhất tại Nhật Bản

Với tuyên bố từ chức, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của một nền kinh tế lớn trên thế giới từ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ngay sau đó, chứng khoán Nikkei 225 Stock Average - một trong những chỉ số hàng đầu được theo dõi chặt chẽ nhất tại Nhật Bản đã sụt giảm 2,6% - điều này phản ánh mối quan tâm quốc tế về những rủi ro có thể xảy ra trước mắt đối với chính trị, an ninh và kinh tế của quốc gia.

Khi thông tin Abe từ chức được đưa ra chỉ sau 2 giờ chiều vào ngày 28/8, toàn bộ nhân viên tại Bộ phận Hành chính và Pháp chế của Bộ Tài chính Nhật Bản đã đồng loạt đứng dậy.

Một quan chức cấp cao Nhật Bản với khuôn mặt buồn rầu đã không thể dấu được cảm xúc của mình: “Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc nín thở và chờ đợi.”

Các quan chức Nhật Bản đang chạy đua hết sức trước thời hạn cuối tháng 9 để soạn thảo ngân sách tài khóa 2021. Mọi người đều nghĩ rằng nội các mới và sự lựa chọn của các quan chức hàng đầu của đảng cầm quyền sẽ ảnh hưởng đến quá trình này như thế nào.

Nền kinh tế trải qua đại dịch của Nhật Bản dường như ngày càng phụ thuộc vào chính sách tiền tệ nới lỏng và chi tiêu tài khóa, đây cũng là hai trong ba yếu tố quan trọng nhất trong chính sách kinh tế Abenomics - chiến lược kinh tế kết hợp giữa nới lỏng định lượng, kích thích tài khóa thông qua cải cách cơ cấu và chi tiêu chính phủ.

Kể từ khi Thủ tướng Abe nhậm chức vào năm 2012, ông đã quan tâm hết sức đến nền kinh tế Nhật Bản và đưa nền kinh tế nước này phục hồi từng bước trong suốt nửa thập kỉ qua. Một yếu tố mà ta có thể dễ dàng đánh giá nền kinh tế Nhật Bản đó chính là giá chứng khoán Nikkei 225 Stock Average - tạm thời con số này đã tăng lên trên 24.000 trong năm nay từ mức 10.230 - mốc suy yếu đáng kể khi Abe trở thành thủ tướng lần thứ hai vào năm 2012.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường chi tiêu, trả cho khoản nợ mới được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mua lại.

Công tác cải cách quy định diễn ra chậm chạp và các tập quán lao động truyền thống như việc làm suốt đời vẫn tồn tại vững chắc, điều đó khiến việc chuyển nhân tài sang các lĩnh vực mới đầy hứa hẹn trở nên khó khăn hơn. Một xã hội già hóa và tỷ lệ sinh ngày càng giảm đang tiếp tục ảnh hưởng đến lực lượng lao động Nhật Bản.

Văn phòng Nội các ước tính rằng tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản vẫn sẽ dưới 1%.

Các nhà phân tích đều đồng ý với quan điểm rằng tuổi thọ của chính quyền Abe đã giúp thủ tướng tạo ra được sức ảnh hưởng lớn ở cả trong và ngoài nước.

Izuru Makihara, giáo sư về chính trị và hành chính tại Đại học Tokyo, cho biết: “Đóng góp lịch sử của Abe cho Nhật Bản là ông đã chứng minh rằng thay đổi chế độ có thể sẽ mang đến một chính quyền ổn định. Với nền chính trị mạnh mẽ này, ông đã theo đuổi chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” và củng cố mối quan hệ với Mỹ bằng cách ban hành luật an ninh quốc gia cho phép các đồng minh tự vệ tập thể.”

Việc Abe rút lui có thể sẽ mang lại những tác động địa chính trị vào thời điểm mà căng thẳng Trung-Mỹ đang ngày càng leo thang từ kinh tế đến chính trị.

Mối quan hệ thân thiết của Abe với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, về nhiều mặt đã khiến ông trở thành mấu chốt của Đối thoại An ninh Tứ giác.

Patrick Cronin, Chủ tịch an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Hudson ở Washington, cho biết: “Thủ tướng Abe đã là động lực và lực lượng trí tuệ đằng sau một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”

Liệu người kế nhiệm Abe có thể có mối quan hệ như vậy với các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới hay không vẫn còn là một câu hỏi mở cho đến thời điểm này.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói với Nikkei Asian Review rằng: “Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng Abe vì sự lãnh đạo xuất sắc của ông với tư cách là thủ tướng liên tục phục vụ lâu nhất của Nhật Bản. Cùng với Tổng thống Trump, Thủ tướng Abe đã xây dựng liên minh Mỹ-Nhật và mối quan hệ tổng thể của chúng tôi, bền chặt nhất từ ​​trước đến nay.”

Chuyên gia hàng đầu về an ninh quốc gia Nhật Bản Yuichi Hosoya, giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Keio, cho biết việc Abe nghỉ hưu chắc chắn sẽ đẩy chính trường Nhật Bản vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa. Ông nói: “Những người ở cốt lõi của chính phủ muốn thấy Nhật Bản tiếp tục đi theo con đường cũ.”

Giáo sư Hosoya cũng cho biết nhà lãnh đạo nào có thể nâng cao vị thế quốc tế của Nhật Bản và thực hiện chính sách đối ngoại có lợi cho đất nước sẽ được ủng hộ lâu dài nhưng nếu họ không thực hiện được điều này, họ sẽ bị thay thế bởi một người khác.

Ông nói: “Sau thời gian trị vì lâu dài của Thủ tướng Yasuhiro Nakasone, người kế nhiệm ông, Noboru Takeshita, đã không tồn tại được lâu. Sau Junichiro Koizumi, nhiệm kỳ đầu tiên của Abe chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.”

Từ cuối những năm 1980, Nhật Bản đã bổ nhiệm 8 thủ tướng chỉ trong 9 năm.

Yuri Okina, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết: “Thủ tướng tiếp theo chắc chắn sẽ có một lượng lớn công việc cần phải giải quyết.”