1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sáu điều kiện để tiêu diệt tận gốc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (phần 1):

Liên minh duy nhất chống thánh chiến

(Dân trí) - Bài phân tích “6 điều kiện để biến IS thành con số không” được đăng tải ngày 17/11 trên nhật báo Pháp La Croix, trong đó đề cập từ lĩnh vực chính trị, quân sự, tình báo tới kinh tế và chủ thuyết tôn giáo.


Lực lượng an ninh Pháp gác tại hiện trường khu vực truy quét khủng bố ngày 18/11. (Ảnh: AFP)

Lực lượng an ninh Pháp gác tại hiện trường khu vực truy quét khủng bố ngày 18/11. (Ảnh: AFP)

Nhấn mạnh cụm từ “tiêu diệt” mà Tổng thống Pháp François Hollande đã dùng khi lên án tổ chức khủng bố IS gây các vụ thảm sát ở Paris trong câu hỏi: “Làm thế nào để tiêu diệt Daech (tên gọi khác tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS)?”, tác giả bài phân tích trên La Croix đồng thời cũng đưa ra ngay câu trả lời rất cụ thể, rằng cần có 6 điều kiện sau đây:

Một là, thiết lập một liên minh quốc tế thực sự chống IS. Trước Quốc hội lưỡng viện hôm thứ Hai 16/11, Tổng thống Pháp François Hollande đã khẳng định: “ Bachar Al Assad không thể là lối thoát trong một giải pháp chính trị, nhưng kẻ thù của chúng ta ở Syria chính là Daech”. Ông Hollande đồng thời cũng kêu gọi “tập hợp tất cả những ai có thể thực sự đấu tranh chống đội quân khủng bố này, trong khuôn khổ một liên minh quy mô và duy nhất”.

Như vậy, kể từ nay số phận của Tổng thống Syria Al Assad đã bị đặt xuống hàng thứ yếu. Các cường quốc trong đó có Hoa Kỳ, Nga và Liên minh Châu Âu (EU), các quốc gia Ả Rập, Iran hôm 14/11 đã thỏa thuận về lịch trình chuyển đổi chính trị tại Syria để lập ra một chính phủ chuyển tiếp trong vòng 6 tháng tới. Đồng thời sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng.

Muốn vậy, liên minh chống các lực lượng thánh chiến cần phải vượt qua được những bất đồng quan trọng về số phận của Tổng thống Syria và về các mục tiêu không kích. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các nước, nhất là các nước có biên giới chung với Syria vẫn đặt ra các ưu tiên khác cao hơn là tiêu diệt IS.

Đối với Nga cũng như Iran, vấn đề Assad không thể là điều kiện tiên quyết. Việc can thiệp quân sự của Nga vào Syria nhằm mục đích giúp ngăn cản sự sụp đổ của chính quyền hợp pháp Syria. Còn đối với Ả rập Xê út thì Iran vẫn bị coi “kẻ thù chính”, nên việc Ả rập Xê út hỗ trợ các nhóm vũ trang ở Syria là nhằm ngăn ngừa chiến thắng của chế độ Assad được Teheran và Hezbollah ở Liban ủng hộ.

Mục tiêu ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là tránh việc thành lập một định chế tự trị Kurdistan tại Syria dọc theo biên giới nước mình. Đối với Iraq, chính phủ do phái Shia thống trị không muốn chia sẻ quyền lực với thiểu số Sunni theo yêu cầu của phương Tây.

Về phần các nhóm đối lập vũ trang tại Syria (theo CIA có khoảng 1.500 nhóm, trong đó nhóm mạnh nhất theo phong trào salafit), các nhóm này chỉ đoàn kết lại nhằm hạ bệ ông Al Assad mà thôi.

Tổng thể bức tranh phức tạp nêu trên đã tạo nên vô vàn khó khăn trong việc thành lập một liên minh chống thánh chiến duy nhất.

Hai là, cần thực thi các hoạt động vũ trang mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để tiêu diệt IS.

Ngày 16/11 vừa qua, Tổng thống Hollande đã khẳng định: “Vấn đề không phải là kìm hãm, mà là tiêu diệt Daech”. Ngay lập tức Pháp đã triển khai hai đợt không kích xuống Raqqa, sào huyệt của IS.

Mang theo 24 phi cơ tiêm kích ném bom gồm 16 chiếc Rafale và 8 chiếc Super-Etandard, hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle đang trên đường đến khu vực phía đông Địa Trung Hải, chắc chắn sẽ tăng gấp 3 năng lực oanh kích của Không quân Pháp (hiện chỉ bao gồm 6 chiếc Mirage 2000 và 6 phi cơ Rafale tại căn cứ ở các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Jordani). Pháp và Mỹ cũng sẽ tăng cường trao đổi tin tình báo về các mục tiêu.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin sau khi công nhận chiếc máy bay A321 của Nga bị rơi tại sa mạc Sinai là do khủng bố đặt bom, đã thông báo đẩy mạnh không kích và ra lệnh cho Hải quân Nga “hợp tác với đồng minh Pháp”. Máy bay Nga đã lập tức oanh kích các vị trí của IS tại Raqqa và Deirr Ez Zor ở Syria, trong khi trước đây các cuộc không kích này bị phương Tây chỉ trích là “đánh vào phe nổi dậy ôn hòa chống Assad” (?)

Theo các chuyên gia, kể từ đầu chiến dịch Chammal chống IS vào ngày 19/09/2014, Không quân Pháp đã oanh kích 288 vụ trong đó chỉ có 8 vụ trên lãnh thổ Syria, chiếm có 3,5% trong toàn liên minh - hết sức khiêm tốn nếu so với tỉ lệ không kích của Mỹ là 80%. Nhưng có đến 75% phi vụ máy bay Mỹ không thả bom vì sợ gây thiệt hại cho dân thường.

Các máy bay Pháp bay trên độ cao đáng kể, chỉ có thể nhắm vào những mục tiêu cố định, chứ không thể tấn công xe cộ hay các nhóm quân cơ động. Pháp không triển khai trực thăng chiến đấu và không có các máy bay tương tự như A10 của Mỹ (có thể tấn công xe tăng, xe bọc thép), hay máy bay không người lái.

Phương Tây cũng như Nga đều không muốn can thiệp trên bộ, cũng không có bất kỳ quốc gia Ả rập nào sẵn sàng đưa bộ binh đến chiến đấu chống IS. Một chiến dịch trên bộ để tái chiếm các lãnh thổ bị quân thánh chiến chiếm đóng tại Syria và Iraq sẽ không thể thực hiện nếu không có được thỏa thuận với Ả rập Xê út và Iran.

(còn tiếp)

Quý Cao (theo La Croix)

Liên minh duy nhất chống thánh chiến - 2