Liên minh châu Phi gia nhập G20
(Dân trí) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 9/9 tuyên bố Liên minh châu Phi đã trở thành thành viên thường trực của G20, nhóm các quốc gia giàu có và quyền lực nhất thế giới.
"Với sự chấp thuận của tất cả, tôi đề nghị lãnh đạo Liên minh châu Phi tiếp nhận ghế thành viên thường trực G20", Thủ tướng Modi nói trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20.
Sau đó, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), ông Azali Assoumani, đã đại diện cho khối mình ngồi vào bàn cùng các nhà lãnh đạo khác của G20.
AU, tổ chức gồm 55 quốc gia thành viên tại lục địa này, hiện có vị thế tương tự như Liên minh châu Âu (EU), tổ chức cấp khu vực duy nhất có tư cách thành viên đầy đủ tại G20. Tên gọi trước đây của AU tại G20 là "tổ chức quốc tế khách mời".
Trên mạng xã hội X, từng có tên Twitter, tài khoản của ông Modi cho biết: "Rất vinh dự được chào đón Liên minh châu Phi với tư cách là thành viên thường trực của Gia đình G20. Điều này sẽ củng cố G20 và cũng tăng cường tiếng nói của Nam Bán cầu".
Động thái kết nạp AU đã được ông Modi đề xuất vào tháng 6.
Reuters trước đó đã trích dẫn dự thảo tuyên bố chung của G20 để đưa tin Liên minh châu Phi được kết nạp làm thành viên thường trực.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, các vấn đề khác sẽ được trao đổi bao gồm việc gia tăng khoản vay từ các tổ chức đa phương cho các quốc gia đang phát triển, cải cách cơ cấu nợ quốc tế, quy định về tiền điện tử và tác động của địa chính trị đối với an ninh lương thực cùng năng lượng.
Bản dự thảo dài 38 trang được lưu hành giữa các thành viên đã để trống đoạn về "tình hình địa chính trị", được Reuters cho là phản ánh sự chia rẽ sâu sắc về cuộc xung đột ở Ukraine.
Dù vậy, 75 đoạn khác cho thấy sự đồng thuận rộng rãi về các vấn đề như tiền điện tử và cải cách trong các ngân hàng phát triển đa phương.
G20 trước đây bao gồm 19 quốc gia và EU, với các thành viên chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu, hơn 75% thương mại toàn cầu và khoảng 2/3 dân số thế giới.