1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Các vấn đề "nóng" phủ bóng thượng đỉnh G20

Thanh Thành

(Dân trí) - Sự chia rẽ giữa các nước liên quan cuộc xung đột tại Ukraine có nguy cơ lấn át các vấn đề "nóng" và nổi bật khác trên toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ.

Các vấn đề nóng phủ bóng thượng đỉnh G20  - 1

An ninh được thắt chặt ở New Delhi, Ấn Độ phục vụ hội nghị thượng đỉnh G20 (Ảnh: Reuters).

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra cuối tuần này ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, các vấn đề nóng như an ninh lương thực, khủng hoảng nợ nần và hợp tác toàn cầu về biến đổi khí hậu dự kiến sẽ bị phủ bóng bởi những diễn biến chiến sự khốc liệt hiện nay giữa Nga và Ukraine.

Lập trường cứng rắn về cuộc chiến này đã khiến các bên không thể đi đến một thông cáo chung duy nhất tại các cuộc họp cấp bộ trưởng G20 trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Ấn Độ năm nay. Thực tế này khiến các nhà lãnh đạo G20 phải tìm cách giải quyết vấn đề tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, nếu có thể.

Nhưng người đại diện Trung Quốc tham dự G20 lần này không phải Chủ tịch Tập Cận Bình mà là Thủ tướng Lý Cường, trong khi Nga cũng xác nhận sự vắng mặt của Tổng thống Vladimir Putin tại hội nghị và người đại diện là Ngoại trưởng Sergei Lavrov.

Điều này cho thấy rằng, khả năng đạt được sự đồng thuận là rất khó bởi hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày 9-10/9 sẽ do phương Tây và các đồng minh chi phối.

Các nhà lãnh đạo G20 tham dự bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thái tử Ả Rập Xê Út và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Các nhà phân tích cho biết, một hội nghị thượng đỉnh không đạt được đồng thuận sẽ bộc lộ những hạn chế trong hợp tác giữa các cường quốc phương Tây và ngoài phương Tây, đồng thời thúc đẩy các nước tăng gia tăng số lượng các nhóm riêng rẽ mà họ cảm thấy thoải mái hơn.

"Để giải quyết các mối đe dọa toàn cầu, việc chia rẽ thành các khối phương Tây và ngoài phương Tây không phải là điều mong muốn", ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, nói với Reuters.

Việc không đạt được sự đồng thuận cũng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín ngoại giao của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang nỗ lực củng cố vị thế của New Delhi với tư cách là cường quốc kinh tế-chính trị và là nhà lãnh đạo của khu vực Nam bán cầu.

"Lập trường của các bên đã trở nên cứng rắn hơn kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh ở Bali. Nga và Trung Quốc đã củng cố lập trường của mình và việc đạt được sự đồng thuận sẽ rất khó khăn", một quan chức cấp cao của Ấn Độ nói, đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 được tổ chức tại Indonesia.

Tại Bali, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có được tuyên bố chung vào phút cuối. Một quan chức chính phủ khác cho biết, Ấn Độ đang hy vọng rằng các nhà lãnh đạo có thể một lần nữa giải quyết được điều gì đó vào phút cuối như vậy.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Bali cho biết, "hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine". Tuyên bố cũng nói rằng "có những quan điểm khác và đánh giá khác nhau về tình hình chiến sự và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga".

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh báo Nga sẽ ngăn chặn tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G20 trừ khi nó phản ánh lập trường của Moscow đối với chiến sự Ukraine và các cuộc khủng hoảng khác. 

G20 và BRICS

Theo các chuyên gia việc Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy mở rộng khối BRICS là nỗ lực nhằm tạo sự đối trọng với G20, trong đó Bắc Kinh nỗ lực cải tổ lại trật tự thế giới mà nhóm này cho là đã lỗi thời.

"Sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới có thể là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm suy giảm vị thế của G20 giữa lúc BRICS đang nỗ lực mở rộng", ông David Boling, Giám đốc công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định.

Ấn Độ là thành viên của BRICS cùng với Nga, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi và đang nỗ lực kết nạp thêm nhiều thành viên. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg vào tháng trước, nhóm này đã đạt được sự đồng thuận về tiêu chí dành cho những người mới tham gia.

Trong nhiệm kỳ chủ tịch G20, Ấn Độ đã tìm cách gạt bỏ những khác biệt về Ukraine và thúc đẩy giải pháp về biến đổi khí hậu, nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương, các quy định về tiền điện tử và cải cách ngân hàng đa phương.

Các quan chức Ấn Độ cho biết, New Delhi cũng đã cố gắng phá vỡ sự bế tắc về thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn của Ukraine qua Biển Đen, nhưng Nga khó có thể thay đổi quan điểm về vấn đề này.

Theo Reuters