1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Liên Hợp Quốc họp khẩn về vụ Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản

(Dân trí) - Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ nhóm họp khẩn cấp trong ngày hôm nay 15/9 để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất qua Nhật Bản của Triều Tiên. Cuộc họp diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết trừng phạt mới cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.


Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm 11/9 vừa thông qua lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Reuters)

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm 11/9 vừa thông qua lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Reuters)

Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ nhóm họp khẩn cấp vào 3 giờ chiều nay theo giờ New York (sáng 16/9 theo giờ Việt Nam) để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Triều Tiên lúc 6h57 sáng nay theo giờ địa phương đã phóng đi một tên lửa từ sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng. Tên lửa bay về hướng đông và khoảng 7h07 bay qua phía bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản, trước khi rơi xuống Thái Bình Dương lúc 7h16 phút.

Giới chức Mỹ và Hàn Quốc đánh giá, đây có thể là tên lửa tầm trung. Tên lửa này đã bay xa 3.700km, bay cao 770km.

Ngay sau vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận với tên lửa Hyunmoo-2 với khoảng cách giả định từ trường phóng tới sân bay Sunan của Triều Tiên.

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

“Nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho thấy thiện chí của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hòa bình. Nhưng Triều Tiên vẫn có hành động khiêu khích này. Đó là điều không thể chấp nhận được… Nếu Triều Tiên tiếp tục con đường này, họ sẽ không có tương lai tươi sáng. Chúng tôi cần Triều Tiên hiểu điều đó”, ông Abe nói.

"Trung Quốc và Nga cần hành động nhiều hơn nữa"

Ngay sau vụ phóng tên lửa sáng nay của Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã hối thúc Nga và Trung Quốc có động thái tác động trực tiếp đến Bình Nhưỡng.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước có các biện pháp mới đối phó với Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác cung cấp chủ yếu dầu thô cho Triều Tiên trong khi Nga tiếp nhận nhiều lao động Triều Tiên nhất. Nga và Trung Quốc phải thể hiện rằng họ không dung thứ cho các vụ phóng tên lửa liều lĩnh của Triều Tiên bằng việc có hành động trực tiếp gây sức ép lên Triều Tiên", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Trước đó, ông Tillerson cũng thừa nhận rằng, việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên sẽ vô cùng khó khăn nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc.

Trong dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hồi đầu tháng này, Mỹ đã đưa vào đề xuất cấm vận dầu mỏ với Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington sau đó sửa lại dự thảo theo hướng chỉ hạn chế hoạt động nhập khẩu dầu thô của Triều Tiên - một động thái được cho là nhằm thuyết phục Nga và Trung Quốc thông qua lệnh trừng phạt.

Trong một diễn biến liên quan khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "hành động liều lĩnh". Bộ trưởng Mattis nói rằng, tên lửa Triều Tiên phóng qua Nhật Bản khiến hàng triệu người dân ở đây phải tìm nơi trú ẩn.

Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ phản ứng như thế nào với vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, ông Mattis từ chối tiết lộ, song xác nhận vụ việc đã được thông báo cho Tổng thống Trump.

Triều Tiên lên tiếng

Vài giờ sau vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, tiếp tục đưa ra cảnh báo nhằm vào Mỹ.

"Nếu Mỹ tiếp tục chính sách hiện nay, chúng tôi sẽ có những hành động cứng rắn hơn vì mục đích phòng vệ. Mỹ nên từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng. Họ nên đưa ra quyết đinh khôn ngoan, tránh can dự vào các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên", Rodong Sinmun viết.

Minh Phương

Theo Guardian