1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

LHQ quyết định kết thúc sứ mệnh của NATO tại Libya

(Dân trí) - Hội đồng Bảo an LHQ vừa nhất trí thông qua nghị quyết 2016 chấm dứt sứ mệnh của NATO thực thi áp đặt vùng cấm bay và hành động bảo vệ dân thường Libya, cho dù trước đó, chính phủ lâm thời Libya đã yêu cầu NATO hỗ trợ thêm.

 
LHQ quyết định kết thúc sứ mệnh của NATO tại Libya  - 1
Phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ.

Quyết định trên đã khép lại một chương nữa trong cuộc chiến ở Libya.

Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan hoạch định chính sách của NATO, dự kiến trong ngày hôm nay 28/10 cũng sẽ nhóm họp ở Brussels để chính thức tuyên bố chấm dứt chiến dịch không kích kéo dài bảy tháng qua của liên minh này.

Theo Nghị quyết 2016 của LHQ, nghị quyết 1973 cho phép áp đặt vùng cấm bay tại Libya sẽ hết hiệu lực vào lúc 23 giờ 59 phút ngày 31/10 (giờ Libya).

Ngoài chuyện chấm dứt nhiệm quyền về khu vực cấm bay, nghị quyết mới do Nga và Anh soạn thảo cũng bày tỏ lo ngại về sự lan tràn của vũ khí tại Libya, về những tin cho biết về các vụ tấn công trả thù, những vụ bắt giữ tùy tiện và hành quyết người mà không qua xét xử của tòa án.

Nhưng Hội đồng Bảo an cũng hoan nghênh một số diễn biến tích cực mới, trông chờ sẽ mau chóng thiết lập một chính phủ chuyển tiếp hợp quần, đại diện cho mọi thành phần xã hội, một chính phủ tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản của nhân dân Libya.

Nghị quyết quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya để Hội đồng Chuyển tiếp quốc giai Libya (NTC) có thể tiếp cận các loại vũ khí và thiết bị để bảo vệ an ninh quốc gia .
 
Nghị quyết 2016 đồng thời kết thúc việc phong tỏa các tài sản của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya và gần như tất cả những hạn chế đối với ngân hàng trung ương và các thể chế chủ chốt khác của quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó, Nghị quyết 1973 đã được Hội đồng Bảo an đồng ý, nhưng sau đó nhiều nước thành viên, trong đó có Nga, Ấn Độ và Nam Phi, bày tỏ lo ngại rằng một số quốc gia đã đi xa hơn là nhiệm quyền cho phép.

Pháp là một trong số các quốc gia tiên phong trong việc vận động cho nghị quyết 1973 được chấp thuận 7 tháng trước đây. Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud hoan nghênh nghị quyết mới 2016, nói đây là sự hoàn tất của một số những diễn biến đã lên tới cao điểm, vào lúc Libya tuyên bố giải phóng ngày 23/10.

Hôm 26/10, phó đại sứ Libya tại LHQ, ông Ibrahim Dabbashi đã yêu cầu Hội đồng Bảo an hoãn biểu quyết thêm mấy ngày nữa, nói rằng chính phủ của ông cần thời giờ để lượng định tình hình an ninh và khả năng để theo dõi các biên giới.

Nhật Mai
Theo AP, Reuters