1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Nhiều vũ khí tại Libya đã mất tích”

(Dân trí) - Một số kho vũ khí tại Libya hiện vẫn chưa được bảo vệ thích đáng và “nhiều vũ khí đã mất tích” khỏi các địa điểm không được canh gác, đặc phái viên hàng đầu của Liên hợp quốc tại Libya cho hay.

 
“Nhiều vũ khí tại Libya đã mất tích” - 1
Một kho vũ khí của chính quyền Gadhafi.
 
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Mỹ AP ngày 6/11, phái viên Ian Martin đã thừa nhận rằng việc ngăn chặn vũ khí bị tuồn lậu ra khỏi Libya sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, vì nước này có đường biên giới sa mạc rộng lớn.

“Điều đó giờ đây là một ưu tiên, nhằm đảm bảo những gì vẫn còn ở Libya. Dần dần, cộng đồng quốc tế có thể trợ giúp Libya và các quốc gia láng giềng về chuyện đó, nhưng tôi sợ rằng sẽ không có một biện pháp nhanh và dễ dàng cho vấn đề này”, ông Martin nói.

Trong cuộc nội chiến kéo dài 8 tháng, các nhóm nhân quyền và các nhà báo đã bắt gặp hàng loạt kho vũ khí vốn không được bảo vệ và bị cướp phá sau khi các tay súng của nhà cựu lãnh đạo Gadhafi bỏ trốn.

Ông Martin cho biết các vũ khí không được bảo vệ vẫn là “một mối lo ngại rất nghiêm trọng”. Chúng bao gồm các tên lửa vác vai, mìn và đạn dược, ông nói.

Ông Martin cũng nhấn mạnh tới lo ngại liên quan tới các vũ khí hoá học và hạt nhân. Hồi tuần trước, các quan chức Libya cho hay họ đã phát hiện 2 địa điểm mới chứa vũ kí hoá học mà chính quyền Gadhafi không tiết lộ trước đó khi tuyên bố ngừng theo đuổi các vũ khí đặc biệt vài năm trước.
 
Các quan chức Libya cũng nói rằng họ đã tìm thấy khoảng 7.000 thùng đựng uranium thô. Theo ông Martin, số uranium đã được bảo vệ và vấn đề chính bây giờ là làm thế nào để phá huỷ chúng.

Chính quyền Gadhafi đã sụp đổ sau khi nhà cựu lãnh đạo bị bắt và bị bắn chết hôm 20/10. Ba ngày sau đó, ban lãnh đạo mới đã tuyên bố giải phóng hoàn toàn Libya.

Sứ mệnh của Liên hợp quốc do ông Martin đứng đầu có nhiệm vụ trợ giúp các lãnh đạo lâm thời của Libya trong quá trình chuyển giao sang nền dân chủ.

Hạn chót là đến cuối tháng 6/2012, Libya phải bầu ra được quốc hội để thảo ra một hiến pháp mới, sau đó là tiến hành bầu cử quốc hội và tổng thống.

An Bình
Theo AP