1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Le Monde: Pháp đã bí mật xem xét kế hoạch đưa quân tới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Báo Le Monde đưa tin chính quyền Pháp đã xem xét ý tưởng đưa quân tới Ukraine kể từ tháng 6 năm ngoái.

Le Monde: Pháp đã bí mật xem xét kế hoạch đưa quân tới Ukraine - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Getty).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/2 tuyên bố việc gửi quân đội phương Tây tới Ukraine là phương án không thể "loại trừ".

Báo Le Monde ngày 14/3 cho biết, tuyên bố của Tổng thống Macron không phải là "sự leo thang ngẫu hứng" mà là một "thông điệp chiến lược". Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là "bất ngờ trước tuyên bố của ông Macron".

Theo Le Monde, ý tưởng đưa quân tới Ukraine đã được thảo luận trong cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Pháp vào ngày 12/6/2023.

Các cuộc họp của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia đều được giữ bí mật cao và có sự tham dự của tổng thống Pháp, các bộ trưởng cũng như các nhân vật cấp cao khác theo lời mời của tổng thống.

Le Monde cho biết, mặc dù Tổng thống Macron ban đầu vẫn giữ đường lối ngoại giao cởi mở với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp bắt đầu nhận thấy rằng thông qua các cuộc điện đàm, ông Putin "không còn nêu rõ mục tiêu chiến lược".

Theo đó, ông Macron đã "chuyển hướng" vào tháng 6/2023 và lên tiếng ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO "để gửi tín hiệu mạnh mẽ tới ông Putin".

Cuộc phản công thất bại vào mùa hè năm 2023, khi quân đội Ukraine không thể xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga, được cho là đã làm tăng thêm sự cấp bách cho các cuộc thảo luận ở Paris.

Cuộc chiến của quân đội Ukraine nhằm kìm chân quân đội Nga đã trở thành "nguyên nhân gây lo ngại" vào mùa đông.

Theo Le Monde, Tổng thống Macron đã nói vào tối 21/2 rằng "trong mọi trường hợp, vào năm tới, tôi sẽ phải đưa người đến Odessa".

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với đài truyền hình BFMTV của Pháp hôm 11/3 rằng "chỉ cần Ukraine còn nắm quyền kiểm soát, quân đội Pháp vẫn sẽ ở lại lãnh thổ Pháp" và binh lính Pháp "sẽ không thiệt mạng ở Ukraine".

Trong cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình Pháp TF1 France 2 hôm 14/3, ông Macron cho biết bán đảo Crimea phải được công nhận là một phần của Ukraine để có được "hòa bình lâu dài" trong khu vực. Nga đã sáp nhập Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý, bất chấp sự phản đối của Ukraine và phương Tây.

"Chúng tôi đang làm mọi cách có thể để giúp Ukraine đánh bại Nga, bởi vì tôi muốn nói rất đơn giản rằng: Không thể có hòa bình lâu dài nếu không có chủ quyền, nếu không có sự quay trở lại biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine, bao gồm Crimea", ông Macron nói.

Trước đó, ông Macron khẳng định sẽ "không có giới hạn nào" trong sự hỗ trợ của Pháp dành cho Ukraine và ông coi đó không phải sự leo thang căng thẳng mà là một "phản ứng tương xứng" của Paris đối với các hành động của Moscow.

Sau tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Pháp, Nga cảnh báo nếu phương Tây đưa quân vào Ukraine, đó sẽ bị coi là một lời tuyên chiến với Nga và có thể kéo theo một cuộc xung đột hạt nhân.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga "không còn giới hạn đỏ nào" trong các phản ứng với Pháp.

Theo Kyiv Independent, Newsweek