1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lao động nhập cư “thấp thỏm” trước viễn cảnh u ám hậu Brexit

Đề xuất của Thủ tướng Anh nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân EU hậu Brexit được bị hoài nghi vì vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.


Đề xuất của Thủ tướng Anh nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân EU hậu Brexit được bị hoài nghi vì vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. (Ảnh minh họa: Getty)

Đề xuất của Thủ tướng Anh nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân EU hậu Brexit được bị hoài nghi vì vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. (Ảnh minh họa: Getty)

Khi nhắc tới Brexit điều chúng ta nghe thấy nhiều hơn là những “cái mất” mà giới doanh nghiệp, người dân châu Âu nói chung và người Anh nói riêng phải đối mặt. Vậy, những ai đang lo lắng nhất về tương lai Brexit sau khi Anh chính thức khởi động tiến trình đàm phán với Liên minh châu Âu (EU)?

Ngày 19/6, Anh đã chính thức khởi động đàm phán Brexit- việc rời khỏi EU và ngay sau đó vài ngày Thủ tướng Theresa May đã đề xuất kế hoạch nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân EU hậu Brexit.

Thủ tướng Anh khẳng định kế hoạch này là cam kết của bà với 3 triệu công dân EU sinh sống hợp pháp tại Anh, theo đó, đảm bảo những công dân này vẫn có quyền ở lại Anh “công bằng và nghiêm túc”. Theo nhà lãnh đạo Anh, chính phủ nước này sẽ công bố thêm các đề xuất cụ thể trong ngày hôm nay (26/6).

Dù vậy, những lao động nhập cư tại Anh đang lo ngại không yên về tương lai của mình. Chị Joana Ferreira, một nha sĩ làm việc tại một phòng khám tư nhân ở ngoại ô London chia sẻ rằng lo ngại lớn nhất của mình là vấn đề việc làm.

“Liệu tôi có thể tiếp tục đi làm và nhận lương như bình thường? như những người lao động khác? Hay là tôi sẽ phải rời khỏi đất nước này? Tôi thực sự không biết và không ai có câu trả lời cả”, chị Ferreira chia sẻ.

Vợ chồng chị Ferreira đã sinh sống và làm việc tại Anh nhiều năm qua. Họ đã sinh con gái 3 tuổi, mua nhà tại Anh và có kế hoạch sinh sống lâu dài tại đất nước này. Song kể từ khi cử tri Anh quyết định Brexit cách đây một năm, những lao động nhập cư như gia đình chị Ferreira luôn cảm thấy bất an với tương lai của mình.

Còn chị Alexandra, một y tá đã sinh sống và làm việc tại Anh trong nhiều năm nhưng đã bị mất việc làm chỉ 1 ngày sau cuộc trưng cầu ý dân Brexit dù đã tìm được việc cách đây vài tháng song tương lai vẫn rất bấp bênh. Gánh nặng về việc làm và tài chính là sức ép mà có tới 60% lao động nhập cư tại Anh đang phải đối mặt giống như trường hợp của chị Ferreira và Alexandra.

Dù Thủ tướng May cam kết tạo ra sự ổn định tốt nhất có thể cho những công dân EU sinh sống tại Anh để có được tương lai nghề nghiệp, cũng như đóng góp được nhiều cho xã hội Anh, song chính các chủ doanh nghiệp tại Anh cũng không mong chờ bất cứ sự thay đổi nào.

Trên thực tế, nền kinh tế Anh phụ thuộc lớn vào nguồn lao động nhập cư từ các nước châu Âu. Trong đó, riêng ngành xây dựng có thể mất từ 100.000 đến 200.000 lao động lành nghề hoặc không chuyên sau khi Anh rời khỏi EU.

Ông Azad Azam chủ một công ty xây dựng đang theo dõi sát sao tiến trình Brexit cũng như áp lực của nó với hoạt động kinh doanh của mình, khi mà nguồn lao động lành nghề không được đảm bảo đã khiến doanh nghiệp của ông A-dam từ chối nhiều hợp đồng “béo bở”.

Ông Azam chia sẻ: “Chúng tôi muốn thuê một nhân công lâu dài vì trình độ và tay nghề của anh ta rất tốt. Nhưng khi Brexit xảy ra mọi thứ đều trở nên không chắc chắn. Các lao động nhập cư phải đối mặt với nhiều vấn đề. Chúng tôi không biết liệu họ có thể tiếp tục ở lại Anh hay không”.

Đề xuất của Thủ tướng Anh nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân EU hậu Brexit được giới lãnh đạo EU đón nhận với tâm lý có phần hoài nghi do cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker nhận định đây là “bước đi đầu tiên song không đầy đủ”.

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho rằng đề xuất này “hết sức mơ hồ”, đồng thời mong muốn các quyền lợi của công dân châu Âu cần được đảm bảo trong dài hạn. Thủ tướng Áo Christian Kern lại đánh giá cao kế hoạch của Thủ tướng Anh, coi đây là một “đề xuất tốt” song cho rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

Hiện EU đang ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho khoảng 3 triệu công dân EU đang sinh sống và làm việc tại Anh, trong quá trình thương lượng về Brexit với Chính phủ của Thủ tướng Theresa May.

Theo Hoàng Lê

VOV