Lao công Mỹ vô tình hủy hoại công trình nghiên cứu 20 năm vì tắt tủ đông
(Dân trí) - Một lao công đã vô tình phá hủy công trình nghiên cứu đột phá trong 20 năm qua khi làm việc tại phòng thí nghiệm một trường đại học của Mỹ.
Theo RT, một lao công đã vô tình hủy hoại công trình nghiên cứu đột phá trong hơn 20 năm khi tắt tủ đông lạnh trong phòng thí nghiệm ở một trường đại học Mỹ do thiết bị này phát ra âm thanh báo động "gây khó chịu".
Theo hồ sơ vụ kiện, lao công trên đã cố gắng tắt tiếng bíp lặp đi lặp lại bằng cách tắt tủ đông khi đang làm việc tại Học viện bách khoa Rensselaer vào năm 2020.
Tuy nhiên, ngôi trường trên đã không kiện lao công trên mà kiện công ty quản lý người này, Daigle Cleaning Systems, vì cáo buộc không đào tạo nhân viên đầy đủ. Trường Rensselaer yêu cầu công ty Daigle bồi thường 1 triệu USD.
"Bên bị đơn đã giám sát và kiểm soát cẩu thả, bất cẩn đối với lao công gây ra thiệt hại lớn cho một số công trình nghiên cứu, các mẫu trong phòng thí nghiệm", bên nguyên đơn cáo buộc.
Theo đơn kiện, một số mẫu vật thí nghiệm cần phải được bảo quản ở nhiệt độ chính xác trong tủ đông. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, tủ đông đã gặp phải một số vấn đề và phát ra báo động nhưng các nhà khoa học cho biết nó không ảnh hưởng tới các mẫu thí nghiệm.
Vào ngày 14/9/2020, nhân viên trường đại học kết luận rằng tủ đông cần được xem xét và để lại một ghi chú cho nhân viên lao công rằng nhà sản xuất tủ đông sẽ đến để tiến hành kiểm tra, sửa chữa.
"Tủ đông này phát ra tiếng bíp vì nó đang được sửa chữa. Vui lòng không di chuyển hoặc rút phích cắm. Không cần làm sạch trong khu vực này. Bạn có thể nhấn nút tắt thông báo/kiểm tra trong 5-10 giây nếu muốn tắt âm thanh", nhân viên đại học để lại tờ giấy ghi nhớ trên tủ đông vào ngày xảy ra vụ việc.
Vào ngày 17/9/2020, để xử lý tiếng ồn từ tủ đông, lao công đã lầm tưởng rằng cầu dao cung cấp điện cho tủ đông đã đóng và nghĩ cầu dao là nút tắt thông báo. Người này đã vô tình chuyển cầu dao từ trạng thái "bật" sang trạng thái "tắt".
Ngày hôm sau, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tủ đông đã bị tắt và nhiệt độ của nó đã tăng từ khoảng -80 độ C lên -32 độ C, điều này đã "làm tổn hại, phá hủy không thể cứu vãn được hơn 20 năm nghiên cứu", theo phía trường đại học.
Công trình mà các nhà khoa học đang nghiên cứu liên quan tới việc thu và chuyển đổi các tia mặt trời thành năng lượng có thể sử dụng được.