1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lãnh đạo Triều Tiên tạo cơn sốt điện thoại thông minh

(Dân trí) - Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ưa thích sử dụng sản phẩm của hãng Apple được cho là đã góp phần tạo lên trào lưu dùng điện thoại thông minh có nguồn gốc từ nước ngoài của nhiều người dân nơi đây.

Theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, một bức ảnh gần đây được giới truyền thông đăng tải cho thấy, trên bàn làm việc của ông Kim Jong-un có một chiếc máy tính iMac của hãng Apple. Bức ảnh này được chụp lại từ một chương trình của Truyền hình trung ương Triều Tiên.

Nguồn tin trên cũng cho rằng, ông Kim không chỉ sử dụng điện thoại iPhone đời mới nhất mà còn phát cho một số quan chức cấp cao của chính phủ loại điện thoại này làm quà tặng. Sau khi Apple ra mắt máy tính bảng iPad 2 vào năm ngoái, ông Kim cũng có ngay sản phẩm này.

Lãnh đạo Triều Tiên tạo cơn sốt điện thoại thông minh

Người dân Triều Tiên dùng điện thoại thông minh để chụp ảnh và trên bàn làm việc của ông Kim là một chiếc iMac.

Những người có điều kiện tại Triều Tiên có thể nhờ các quan chức ngoại giao nước nay mua giúp họ điện thoại thông minh từ nước ngoài trong các chuyên công tác.

Tờ Chosun Ilbo cho hay, có tới 70% người sở hữu điện thoại di động tại Triều Tiên đang sống ở Bình Nhưỡng. Ngày nay người dân Triều Tiên thích sử dụng điện thoại nhập khẩu từ nước ngoài hơn là sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt dùng iPhone và Samsung đã trở thành biểu tượng của sự giàu có tại đất nước này. Có tới 2 trong số 10 phụ nữ kinh doanh buôn bán tại Triều Tiên đang sở hữu điện thoại nhập khẩu.

Một số bức ảnh được từ chương trình của hãng Truyền hình trung ương Triều Tiên cũng cho thấy, nhiều phụ nữ ở Bình Nhưỡng dùng điện thoại thông minh chụp ảnh màn bắn pháo hoa tại thành phố. Trong khi đó, sinh viên cũng chụp ảnh bằng điện thoại tại một khu vực phi quân sự.

Triều Tiên bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh từ năm ngoái với hai thương hiệu "Arirang" và "Pyongyang Touch." Tuy nhiên, những người đã và đang sử dụng iPhone và Samsung kháo nhau rằng điện thoại nhập khẩu tốt hơn nhiều so với hàng sản xuất trong nước, khiến mặt hàng này ngày càng phổ biến.

Hầu hết điện thoại thông minh có xuất xứ từ nước ngoài có mặt tại Triều Tiên đều do được nhập từ Trung Quốc và được bán trên thị trường đen. Tuy nhiên, thiết bị thông minh nhập khẩu phải tuân thủ theo hệ thống viễn thông của Triều Tiên sau khi được điều chỉnh thông số kỹ thuật. Các biểu tượng của Apple và Samsung đều bị loại bỏ trong quá trình này.

Về giá cả, tại Triều Tiên, một chiếc di động 2G có giá từ 110-240 euro và một chiếc Arirang được bán ở mức 370 euro. Một chiếc điện thoại Pyongyang Touch do Triều Tiên sản xuất có giá 650 euro, trong khi giá của một chiếc iPhones và Galaxy của Samsung là từ 1.000-1.500 euro.

Dù giá của iPhone và Sam Sung khá cao, nhiều tiểu thương của Triều Tiên vẫn đủ khả năng tài chính để mua chúng. Sau khi mua, họ sẽ mất khoảng 50 euro để kích hoạt, và được miễn phí 200 phút gọi miễn phí. Sau đó, họ sẽ mất 13 đô là cho 100 phút gọi đi.

Gần đây, quan chức Triều Tiên đã cho phép du khách nước ngoài mang theo điện thoại thông minh khi tới Triều Tiên. Chính vì vậy, khi ở Bình Nhưỡng họ có thể gửi email, hay mua SIM điện thoại tại sân bay Sunan và các khu vực biên giới như Dandong và Sinuiju.

Triều Tiên không chỉ sử dụng điện thoại mà còn một số sản phẩm khác của Hàn Quốc như ti vi màn hình phẳng, nồi cơm điện, giường, mỹ phẩm và đặc biệt là quà cưới. Những mặt hàng này đang dần thay thế các sản phẩm của Trung Quốc có mặt tại Triều Tiên.

Gần đây, Daily NK, tờ báo chuyên đưa tin tức về Triều Tiên có trụ sở tại Tokyo đăng tải, dẫn lời các nguồn tin trong nước, cho biết cơn sốt điện thoại di động dường như đang lan tới Triều Tiên, khi ngày càng nhiều người trẻ tuổi tại các thành phố sẵn sàng trao cho nhau điện thoại di động thay vì nhẫn cưới.

Tại các thành phố cỡ nhỏ và vừa, món quà thời thượng cho những người chuẩn bị kết hôn là điện thoại di động, điều đó không có gì phải nghi ngờ và nhẫn chỉ là món quà phổ biến thứ nhì.


Minh Việt
Theo Chosun Ilbo & Wantchinatimes