Sợ phẫu thuật, nữ bệnh nhân 67 tuổi được thay van tim bằng phương pháp không cần mổ hở

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Khi được thông báo chứng hẹp van tim tới giai đoạn nặng cần phẫu thuật mới có cơ hội sống, cô Nguyễn Thị Thẩm (67 tuổi, ngụ tại quận 7, TPHCM) sợ hãi.

Nhưng nhờ sự giải thích tỉ mỉ và động viên ân cần của các bác sĩ Bệnh viện FV, cô Thẩm đã có lại được nhịp tim bình thường bằng phương pháp thay van động mạch chủ qua da (TAVI) - một phương pháp mới không cần mổ hở, phù hợp với bệnh nhân lớn tuổi.

Mang trong mình van tim mới mà cô yêu quý gọi đó là "tặng phẩm trí tuệ", cô Thẩm xúc động hồi tưởng về hành trình vượt qua nỗi sợ để tìm lại những nhịp đập nhẹ nhàng, khỏe khoắn trong lồng ngực.

Sợ phẫu thuật, nữ bệnh nhân 67 tuổi được thay van tim bằng phương pháp không cần mổ hở - 1

Cô Thẩm cảm ơn TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim, Bệnh viện FV đã giúp cô có những nhịp đập của trái tim khỏe mạnh (Ảnh: FV).

Vượt qua nỗi sợ phẫu thuật thay van tim, đặt trọn niềm tin vào bác sĩ điều trị

Đầu năm 2024, cô Thẩm bất ngờ lên cơn đau đột ngột, xuyên thấu từ phía sau thẳng đến phía trước, cảm tưởng như 2 vai của cô bị bẻ quặp lại. Hơn 10 năm chung sống với chứng hẹp van tim và được theo dõi sát sao từ các bác sĩ bệnh viện FV, cô hiểu rằng đây là một triệu chứng không thể xem thường.

Theo dõi bệnh nhân 1 tháng sau cơn đau, TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim - Bệnh viện FV thông báo, cô Thẩm cần được phẫu thuật sớm, bởi chứng hẹp van tim của cô đã tới giai đoạn nặng, nguy cơ suy tim, gây ra những cơn tức ngực, khó thở và có thể ngất xỉu, đột tử.

Sợ phẫu thuật, nữ bệnh nhân 67 tuổi được thay van tim bằng phương pháp không cần mổ hở - 2

TS.BS Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim - Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Thay van tim theo cách truyền thống là mổ hở. Đây là một đại phẫu, không phù hợp với người lớn tuổi, sức khỏe kém. Gần đây trên thế giới có phương pháp thay van tim qua da (TAVI - transcatheter aortic valve implantation), là lựa chọn tối ưu cho thể trạng của cô Thẩm - người mang nhiều bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, mỡ máu cao.

Khi nghe nói mình phải phẫu thuật mới có cơ hội sống, cô Thẩm lo lắng nên cô từ chối điều trị. Cô và các thành viên trong gia đình đã tìm đọc các tài liệu về phương pháp TAVI. Khi xem các clip bác sĩ trên thế giới thực hiện các ca phẫu thuật, cô càng hồi hộp vì không phải việc đưa van tim mới vào buồng tim lúc nào cũng suôn sẻ. "Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là không thể tỉnh dậy sau ca mổ", cô Thẩm bộc bạch.

Bác sĩ Tuấn dành nhiều thời gian giải thích cặn kẽ cho cô Thẩm về kỹ thuật TAVI. Đây là phương pháp an toàn, tỷ lệ thành công cao (trên 99%) và tuổi thọ của van tim 10-15 năm, nghĩa là bệnh nhân có 10-15 năm sống với trái tim khỏe khoắn. Nếu mổ hở, bệnh nhân phải mất 6 tháng để hồi phục thì với phương pháp TAVI, bệnh nhân hoạt động bình thường sau 1 tuần. Bác sĩ động viên cô nên thực hiện thủ thuật này.

Sau khi đọc rất nhiều thông tin trên mạng và đến một số cơ sở y tế tại Việt Nam triển khai phương pháp này để tìm hiểu, cuối cùng cô Thẩm đã vượt qua nỗi sợ phẫu thuật, quyết định phó thác trái tim của mình cho bác sĩ Tuấn. 

Bác sĩ Tuấn cho biết: "Đường đi của thủ thuật nếu được khảo sát kỹ lưỡng thì ca phẫu thuật diễn ra rất an toàn. Vì vậy, phần chuẩn bị và lên kế hoạch là cực kỳ quan trọng của một ca TAVI thành công".

Sợ phẫu thuật, nữ bệnh nhân 67 tuổi được thay van tim bằng phương pháp không cần mổ hở - 3

Bác sĩ Tuấn thực hiện thủ thuật TAVI cho bệnh nhân (Ảnh: FV).

"Trong cơ thể tôi mang một tặng phẩm của trí tuệ"

Tỉnh dậy sau ca mổ, cô Thẩm lắng nghe nhịp đập của trái tim trong lồng ngực - những nhịp đập nhẹ nhàng chứ không còn nặng nề, mệt mỏi như trước. Cô nhủ thầm: "Mình sống rồi! Quả là kỳ diệu!".

Sợ phẫu thuật, nữ bệnh nhân 67 tuổi được thay van tim bằng phương pháp không cần mổ hở - 4

Bác sĩ Tuấn khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật (Ảnh: FV).

Nhìn lại hành trình điều trị, từ sợ hãi và từ chối phẫu thuật, tới chấp nhận điều trị, cảm giác bình yên trước ca mổ và sau đó là niềm vui sướng tột độ khi tỉnh dậy với trái tim khỏe khoắn, cô Thẩm tràn ngập niềm biết ơn và cảm xúc dâng trào.

Nữ bệnh nhân 67 tuổi đã viết lá thư dài hơn 3 trang giấy cảm ơn cả đội ngũ điều dưỡng đã chăm sóc mình chu đáo: quan tâm tới từng lượng nước tiểu, từng lượng phân của bệnh nhân, thức trắng từng đêm trực để chăm sóc người bệnh. Cô cảm ơn cái nắm tay động viên trong im lặng của bác sĩ Thịnh trước giờ phẫu thuật. Và đặc biệt là bác sĩ Tuấn, người đã luôn sát cánh bên cô hơn chục năm qua và giúp cô có được những nhịp tim mới khỏe khoắn.

"Ở Việt Nam, phương pháp này còn mới. Nhưng qua ca phẫu thuật, bàn tay khéo léo của bác sĩ đã đi thật êm trong thủ thuật. Ông từ từ nhẹ nhàng, lướt đi êm và nhẹ như bản thân ông, tiến vào đúng chỗ và bung ra cái van nhỏ bé rồi từ từ nhẹ nhàng rút khỏi cơ thể bệnh nhân, gửi lại trong trái tim bệnh nhân một tặng phẩm trí tuệ của nhân loại với một phương pháp tiến bộ nhất... Bằng tất cả tấm lòng, cô muốn vinh danh người bác sĩ điều trị của cô - bác sĩ Hồ Minh Tuấn. Ông đã mang lại cho cô nhịp đập của trái tim mới khỏe mạnh", cô Thẩm đã viết những dòng đầy xúc động về bác sĩ Hồ Minh Tuấn trong lá thư.

Để biết thêm thông tin về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI), bạn có thể liên hệ số điện thoại (028) 54 11 33 33.