1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lãnh đạo EU có thể nêu vấn đề Biển Đông với ông Tập Cận Bình

Thành Đạt

(Dân trí) - Vấn đề Biển Đông dự kiến sẽ được đề cập trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này.

Lãnh đạo EU có thể nêu vấn đề Biển Đông với ông Tập Cận Bình - 1

Từ phải qua trái, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gặp mặt bên lề diễn đàn quốc tế tại Pháp năm 2019. (Ảnh: Xinhua)

Hôm nay 14/9, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, cùng các nhà lãnh đạo châu Âu gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến. Sự kiện này sẽ thay thế phiên họp toàn thể với sự tham gia của 27 lãnh đạo nước thành viên EU, vốn bị hủy do dịch Covid-19.

SCMP dẫn lời một quan chức EU cho biết EU sẽ nêu vấn đề Biển Đông và căng thẳng quân sự tại eo biển Đài Loan vào chương trình nghị sự của cuộc họp.

Đài Loan tuần trước đã chỉ trích hành động “khiêu khích” liên quan tới các cuộc tập trận không quân và hải quân quy mô lớn của quân đội Trung Quốc tại khu vực gần hòn đảo.

Tháng 8/2019, EU từng lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp liên quan tới các hành vi trái phép của Trung Quốc.

EU cho rằng các hành động đơn phương trên Biển Đông đã dẫn đến căng thẳng leo thang và gây tổn hại cho môi trường an ninh hàng hải, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực.

Tuyên bố của EU kêu gọi tất cả các bên trong khu vực kiềm chế, có những bước đi cụ thể để quay trở lại nguyên trạng, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth hồi tháng trước đã lên tiếng hối thúc EU chống lại chiến lược “chia để trị” mà ông cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng trong khối.

“EU phải định hình được lợi ích của mình và phải mạnh mẽ, độc lập với cả Mỹ và Trung Quốc”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết.

Tại hội nghị lần này, giới chức EU dự kiến sẽ trao đổi với phía Trung Quốc hàng loạt vấn đề cả hai bên cùng quan tâm như dịch Covid-19, đầu tư, Hong Kong… EU cũng muốn Trung Quốc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt yêu cầu chuyển giao công nghệ và giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Từ đầu năm đến nay, EU có lập trường phản ứng mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, sau khi khối này cho rằng Bắc Kinh dường như thiếu sự minh bạch trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Các vấn đề trong việc thiết lập thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong cũng khiến quan hệ EU - Trung Quốc thêm căng thẳng.

Trung Quốc cho rằng một thỏa thuận đầu tư với EU có thể đạt được trong năm nay sau 7 năm đàm phán, tuy nhiên giới chức EU cảnh báo các rào cản hiện vẫn chưa được dỡ bỏ và EU sẽ không chấp nhận các điều khoản không có lợi nếu chỉ để đạt được một thỏa thuận. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu triển khai Sáng kiến Vành đai, Con đường tại một loạt quốc gia thành viên của EU vốn đang thiếu nguồn đầu tư như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italy.

EU cũng ngày càng quan tâm tới các vấn đề liên quan tới cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu từng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với “hệ quả rất tiêu cực” nếu thúc đẩy việc thông qua luật an ninh với Hong Kong, và EU sẽ hạn chế xuất khẩu các trang thiết bị có thể được sử dụng cho mục đích do thám và trấn áp tới Hong Kong.