Lãnh đạo châu Âu lên tiếng về đề xuất giúp Ukraine bắn hạ tên lửa Nga
(Dân trí) - Lãnh đạo châu Âu cho biết, tình huống ở Israel và Ukraine khác nhau nên cách tiếp cận của phương Tây cũng khác, hay châu Âu không thể giúp Ukraine hạ tên lửa Nga như giúp Israel đối phó Iran.
Tại một cuộc họp báo ngày 16/4, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell nói rằng, tình huống các đồng minh phương Tây giúp Israel bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Iran và tình huống Nga tấn công Ukraine là "2 điều khác biệt không thể so sánh được".
Ông giải thích, trước hết, Israel có hệ thống phòng không đa tầng được gọi là Vòm Sắt và việc triển khai hệ thống tương đương ở châu Âu sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian, nguồn lực tài chính hiện không có sẵn.
"Thứ hai, cuộc tấn công của Iran liên quan đến tên lửa đi qua các căn cứ không quân của Pháp, Mỹ và Jordan, những nước cũng bảo vệ căn cứ của họ. Điều này không xảy ra ở Ukraine. Ở Ukraine, không có căn cứ không quân nào thuộc về Mỹ, Anh hay Jordan", ông Borrell nói.
Bình luận trên của nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị Mỹ và các đồng minh phương Tây "đối xử với Ukraine như với Israel".
Sáng 14/4, Mỹ, Anh, Pháp và Jordan đã hỗ trợ giúp Israel bắn hạ 99% trong số hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái của Iran nhằm vào Israel.
Ông Zelensky cho rằng, không phận châu Âu sẽ được an toàn nếu Ukraine "nhận được sự hỗ trợ đầy đủ tương tự từ các đối tác trong việc đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa Nga".
Tuy nhiên, ý tưởng này không nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh, Mỹ loại trừ khả năng sử dụng lực lượng vũ trang của nước này để đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
"Xung đột khác nhau, không phận khác nhau và mối đe dọa ở đây cũng khác nhau", ông Kirby nói. Ông nhấn mạnh thêm, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nêu rõ quan điểm rằng Mỹ sẽ không đảm nhận vai trò tác chiến ở Ukraine.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 15/4, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết, Anh không hỗ trợ Ukraine đối phó tên lửa và máy bay Nga như đã giúp Israel vì muốn tránh xung đột trực tiếp với Nga.
"Nếu bạn muốn tránh chiến sự leo thang và lan rộng ở châu Âu, điều cần tránh là quân đội NATO trực tiếp giao chiến với Nga", ông Cameron nói.
Ông cho biết thêm, sử dụng máy bay chiến đấu không phải lúc nào cũng là lựa chọn lý tưởng để bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái vì hệ thống phòng không hoạt động tốt hơn. Do vậy theo ông, Ukraine cần được bổ sung các hệ thống phòng không để tự bảo vệ mình, đặc biệt là các tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất.
Ông Borrell cũng chung quan điểm này. Ông cho rằng, EU cần giúp Ukraine nâng cao năng lực phòng không. "Vào ngày 22/4 tới, khi các bộ trưởng quốc phòng EU nhóm họp, tôi hy vọng chúng ta sẽ đưa ra những cam kết cụ thể về điều này", ông nói.
Phương Tây viện trợ cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022. Sau một thời gian dài do dự, một số nước phương Tây quyết định sẽ cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu F-16, giúp Ukraine tăng khả năng phòng không.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn kiên quyết bác bỏ một số đề nghị của Ukraine như lập vùng cấm bay hay triển khai lực lượng ở Ukraine.