Lãnh đạo các nước ASEAN họp cấp cao trực tiếp sau hơn 2 năm
(Dân trí) - Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40, 41 đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia vào sáng 11/11 với sự tham gia của lãnh đạo các nước trong khu vực.
Sáng nay 11/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 chính thức khai mạc tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Lãnh đạo các quốc gia ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, các quan chức cấp cao và các đại diện đối tác, tổ chức quốc tế đã tham dự lễ khai mạc.
Đây là hội nghị gặp mặt trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các quốc gia ASEAN sau hơn 2 năm. Các cuộc họp hầu như được tổ chức trực tuyến từ năm 2020 do đại dịch Covid-19.
Sau lễ khai mạc, lãnh đạo các quốc gia ASEAN tham dự phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp để trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41.
Trước đó, vào chiều 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự phiên đối thoại với đại diện Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).
Đóng góp trách nhiệm cho hòa bình thế giới
Trước đó, vào ngày 10/11, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhóm họp tại Phnom Penh để rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự các Hội nghị.
Với lịch trình dày đặc hơn 20 hoạt động trong chưa đầy 4 ngày, Lãnh đạo các nước ASEAN cùng 10 đối tác sẽ có dịp trao đổi sâu rộng về nhiều nội dung liên quan đến xây dựng Cộng đồng ASEAN, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, chia sẻ quan điểm về định hướng giải pháp cho nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Dự kiến, sẽ có khoảng 100 văn kiện được trình lên Lãnh đạo các nước ghi nhận và thông qua.
Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 25, các nước đánh giá cao hoạt động hợp tác thực chất, đa dạng của các cơ quan chuyên ngành thuộc Trụ cột chính trị-an ninh như quốc phòng, tư pháp, an ninh hàng hải, an ninh mạng, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, quản lý biên giới, nghị sự phụ nữ, hòa bình, an ninh, thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Đến nay, 285 trong tổng số 290 dòng hành động của Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN đã được triển khai, đạt tỷ lệ 98%.
Hợp tác chính trị-an ninh đã góp phần quan trọng vào việc củng cố tin cậy, đoàn kết, tự cường và vai trò trung tâm của ASEAN. Trước các thách thức gia tăng, đặc biệt do cạnh tranh và cọ xát chiến lược giữa các nước lớn, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần nỗ lực khẳng định không gian tự chủ chiến lược, duy trì cách tiếp cận cân bằng và khách quan, phát huy giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, gắn kết các đối tác vào đối thoại và hợp tác, cùng đóng góp trách nhiệm cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới.
Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 31, các Bộ trưởng Ngoại giao đã nghe báo cáo cập nhật của Tổng Thư ký ASEAN và các cơ quan trực thuộc về hoạt động của ASEAN trong năm qua, thảo luận tiến độ hợp tác của ASEAN trong các lĩnh vực như ứng phó Covid-19, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, mạng lưới thành phố thông minh ASEAN…
Gần 98% các sáng kiến trong Khuôn khổ phục hồi tổng thể ASEAN được đưa vào triển khai trên cả 05 trụ cột về củng cố hệ thống y tế, an ninh con người, hội nhập kinh tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 đã giải ngân hơn 10 triệu USD mua vaccine Covid-19 và sắp tới sẽ tiếp tục giải ngân 7 triệu USD mua vaccine đậu mùa khỉ.
Chia sẻ yêu cầu cấp thiết củng cố năng lực thể chế của ASEAN, các nước nhất trí trình Hội nghị Cấp cao các khuyến nghị về nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, tăng cường điều phối liên ngành, liên trụ cột và thúc đẩy sự hiện diện của ASEAN tại các nước thành viên.
Ghi nhận tiến độ soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, các nước hoan nghênh nỗ lực của Nhóm Đặc trách Cao cấp, chia sẻ ý nghĩa chiến lược và bao trùm của văn kiện, định hướng xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Nhân dịp này, các nước chúc mừng nhiệm kỳ thành công của Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi giai đoạn 2018-2022; đồng thời nhất trí kiến nghị các Lãnh đạo bổ nhiệm Tiến sỹ Kao Kim Hourn của Campuchia làm Tổng Thư ký ASEAN giai đoạn 2023-2027.
Thúc đẩy hợp tác và đối thoại thiện chí
Phát biểu tại các Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia với nhiều sáng kiến thiết thực giúp giữ đà cho hợp tác ASEAN trong một năm đầy khó khăn, thách thức vừa qua.
Bộ trưởng chia sẻ ý kiến của các nước về duy trì đoàn kết, tự cường và khả năng thích ứng của ASEAN trong bối cảnh nhiều nhân tố gây bất ổn cho môi trường an ninh khu vực. Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, hợp tác của trụ cột chính trị-an ninh nói riêng và của cả Cộng đồng nói chung đều nhằm hướng tới mục tiêu là vì lợi ích của người dân, bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, ổn định và phát triển cho người dân.
Bộ trưởng cũng đề nghị ASEAN cần gửi thông điệp rõ ràng tới các đối tác về thúc đẩy hợp tác và đối thoại thiện chí, thay vì đối đầu và chỉ trích, tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; khẳng định ASEAN hoan nghênh các đối tác tham gia hợp tác khu vực trên tinh thần cởi mở, minh bạch, bao trùm và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.
Cũng trong sáng 10/11, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã tham dự lễ ký kết văn kiện mở rộng cho Ukraine tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 50.