1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Làn sóng tẩy chay hàng Mỹ tại Trung Quốc sau vụ bắt “nữ tướng” Huawei

(Dân trí) - Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc chỉ cho phép nhân viên sử dụng các sản phẩm của Huawei, thậm chí sẵn sàng trừng phạt nếu họ mua các sản phẩm của Mỹ sau vụ giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ gần đây.


Biển quảng cáo điện thoại Huawei trước cửa hàng của hãng Apple (Mỹ) tại Thượng Hải. (Ảnh: Reuters)

Biển quảng cáo điện thoại Huawei trước cửa hàng của hãng Apple (Mỹ) tại Thượng Hải. (Ảnh: Reuters)

Các nhà chức trách Canada ngày 1/12 đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính và là con gái nhà sáng lập tập đoàn Huawei, khi bà đang quá cảnh tại Vancouver. Bà Mạnh đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ với cáo buộc có liên quan tới hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đã làm dấy lên làn sóng giận dữ trên khắp Trung Quốc - nơi Huawei được xem là niềm tự hào của dân tộc. Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ và Canada ở Bắc Kinh để phản đối vụ bắt giữ, đồng thời cảnh báo Canada sẽ phải hứng chịu “hậu quả nặng nề” nếu không thả bà Mạnh ngay lập tức.

Trong khi đó, một số công ty Trung Quốc cũng bắt đầu thực thi các chính sách để ủng hộ Huawei. Trong thông báo gửi nhân viên ngày 8/12, công ty công nghệ tủ lạnh Ruike Giang Tây ở tỉnh Giang Tây cho biết bất kỳ nhân viên nào đổi điện thoại iPhone lấy điện thoại Huawei sẽ được công ty hỗ trợ 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 290 USD).

“Thông tin giám đốc tài chính Huawei bị Canada bắt giữ khiến người Trung Quốc bị sốc. Chúng tôi đồng tình rằng tất cả mọi người nên ủng hộ Huawei bằng các hành động thiết thực”, thông báo của công ty Ruike cho biết.

Công ty công nghệ thông tin RYD Thành Đô, nơi nghiên cứu và phát triển chuyên cung cấp dịch vụ cho ngành hàng không vũ trụ, tuần trước công bố chính sách mới, yêu cầu cả công ty chỉ mua sản phẩm của Huawei và sử dụng phần mềm của Huawei. Công ty này cũng cam kết hỗ trợ 15% giá cho bất kỳ nhân viên nào mua các sản phẩm của Huawei vì mục đích cá nhân.


Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: AFP)

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: AFP)

Trong thông báo phát đi ngày 6/12, tập đoàn phát triển Li’An Thiểm Tây tuyên bố tất cả trung tâm dữ liệu của tập đoàn này chỉ được phép mua các thiết bị của Huawei để nâng cấp. Ngoài ra tất cả nhân viên của tập đoàn phải sử dụng phần mềm Huawei và sẽ nhận 20% trợ giá nếu sử dụng sản phẩm của Huawei.

Thậm chí một công ty ở Thâm Quyến, nơi Huawei đặt trụ sở, còn dọa sẵn sàng trừng phạt bất kỳ nhân viên nào mua sản phẩm của hãng điện thoại iPhone (Mỹ). Menpad, công ty sản xuất màn hình LCD và là một trong số các nhà cung cấp của Huawei, thông báo trên website rằng “nếu các nhân viên mua điện thoại iPhone, công ty sẽ phạt số tiền bằng 100% giá thị trường của chiếc điện thoại đó”. Công ty này cũng công bố 7 biện pháp khác nhau để ủng hộ Huawei và phản đối các công ty Mỹ, bao gồm việc cấm các nhân viên mua xe ô tô do Mỹ sản xuất.

Đây không phải lần đầu tiên chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc trỗi dậy sau những vụ việc căng thẳng với nước ngoài. Năm 2017, sau khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa do Washington chế tạo trên lãnh thổ Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, làn sóng tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc cũng xuất hiện. Người Trung Quốc khi đó đã nói không với xe ô tô do Hàn Quốc sản xuất. Hàng chục chi nhánh của siêu thị Lotte Hàn Quốc đặt tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa. Thậm chí các ban nhạc K-pop nổi tiếng của Hàn Quốc cũng không được chào đón tại Trung Quốc.

Trước đó, sau khi Ủy ban Nobel tại Na Uy trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc từng bị giam giữ, Trung Quốc đã dừng nhập khẩu cá hồi của Na Uy. Trung Quốc chỉ nối lại hoạt động nhập khẩu cá hồi, một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Na Uy, sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 2016.

Thành Đạt

Theo Yahoo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm