1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Làn sóng tẩy chay dòng máy bay “gà đẻ trứng vàng” của Boeing

(Dân trí) - Mặc dù 737 MAX là sản phẩm mới bán chạy nhất của Boeing, song nhiều quốc gia và hãng hàng không vẫn quyết định “quay lưng” với dòng máy bay này sau hai thảm kịch hàng không khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Hiện trường ngổn ngang vụ máy bay Ethiopia gặp nạn

 

7088e1e8-452f-11e9-b5dc-9921d5eb8a6d_image_hires_131228.jpg

Máy bay  Boeing 737 MAX 8 do American Airlines vận hành. (Ảnh: Bloomberg)

 

Các hãng hàng không của Mỹ hiện vẫn đứng về phía Boeing, bất chấp làn sóng “quay lưng” của nhiều quốc gia và hãng hàng không quốc tế khi quyết định dừng vận hành dòng máy bay 737 MAX. Trong khi đó, nỗi lo sợ đang bủa vây các phi hành đoàn và hành khách sử dụng máy bay ở Mỹ. Nhiều người từ chối đi trên những chuyến bay sử dụng Boeing 737 MAX.

Sau thảm kịch hàng không thứ hai liên quan tới Boeing 737 MAX vào cuối tuần trước, một số chính trị gia Mỹ đã kêu gọi đình chỉ hoạt động của dòng máy bay này trong khi các cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn. Dòng hashtag #Đình chỉ Boeing 737 MAX 8 đã được tạo ra trên mạng xã hội Twitter để kêu gọi các nhà chức trách Mỹ thay đổi quan điểm về vấn đề này.

Mặc dù vậy, giới chức hàng không Mỹ chưa thực hiện theo lời kêu gọi, thậm chí khẳng định 737 MAX vẫn an toàn. Washington không muốn tẩy chay dòng máy bay ngựa thồ bán chạy nhất của Boeing - nhà sản xuất máy bay khổng lồ của Mỹ.

“Cho đến bây giờ, đánh giá của chúng tôi không cho thấy có vấn đề nào về hệ thống vận hành và không có cơ sở để ra lệnh đình chỉ dòng máy bay này. Không có cơ quan hàng không dân dụng nào cung cấp dữ liệu cho chúng tôi để đảm bảo cần phải hành động như vậy”, giám đốc Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nói.

Một loạt các quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh, Đức, Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và 3 nước châu Á đã tuyên bố cấm Boeing 737 MAX hoạt động trong không phận của họ, trong khi nhiều nước khác cũng quyết định tạm dừng sử dụng dòng máy bay gây tranh cãi này.

Theo SCMP, tính đến hôm qua 12/3, đã có ít nhất 45 quốc gia và vùng lãnh thổ đình chỉ hoạt động của dòng máy bay Boeing 737 MAX sau vụ tai nạn khiến 157 người thiệt mạng tại Ethiopia vào cuối tuần trước. Những quốc gia mới nhất gia nhập danh sách dừng bay 737 MAX vào sáng nay là Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất và New Zealand.

Hành khách hủy chuyến

may.jpg

Bảng thống kê số lượng máy bay của một số hãng hàng không đình chỉ dòng Boeing 737 MAX tính đến tối 12/3 theo giờ Hong Kong. (Ảnh: SCMP)

 

Ngày càng nhiều người Mỹ bày tỏ lo ngại về 737 MAX mặc dù Boeing khẳng định dòng máy bay này vẫn an toàn. Nhiều người đã đề nghị hủy chuyến hoặc chuyển lịch bay sang máy bay khác thay vì sử dụng 737 MAX, dòng máy bay chiếm 1/3 lợi nhuận của Boeing năm 2018.

Theo AFP, kể từ sau vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopian Airlines, hai hãng hàng không của Mỹ là Southwest Airlines và American Airlines bị “nhấn chìm” trong các cuộc gọi.

Nhiều khách hàng không muốn chờ cho tới khi các nhà điều tra đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn tới thảm kịch hàng không của Ethiopian Airlines, đặc biệt sau khi một máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) cũng từng rơi hồi tháng 10 năm ngoái khiến 189 người thiệt mạng.

“Chúng tôi đang phải trả lời các câu hỏi từ khách hàng về việc liệu chuyến bay của họ có được vận hành bởi Boeing 737 MAX 8 hay không”, phát ngôn viên Michelle Agnew của Southwest Airlines, cho biết.

Theo bà Agnew, Southwest Airlines cũng đang phải làm việc với những khách hàng muốn đổi chuyến sang máy bay khác ngoài Boeing 737 MAX mà không bị mất phí.

Trong khi đó, đối với American Airlines, hãng này vẫn yêu cầu hành khách phải trả phí nếu muốn hủy hay đổi chuyến. Chi phí đổi chuyến từ 200 USD đối với các chuyến bay nội địa cho tới 750 USD đối với các chuyến bay quốc tế. “Sợ hãi” không được xem là lý do để hoàn tiền cho hành khách nếu họ muốn hủy chuyến.

Phi hành đoàn lo ngại

2019-03-12T082903Z_1795739049_RC1AE2301990_RTRMADP_3_ETHIOPIA-AIRPLANE.JPG

Bà Kebebew Legesse, mẹ của một thành viên trong phi hành đoàn trên chuyến bay xấu số của hãng hàng không Ethiopian Airlines, tại hiện trường vụ rơi máy bay. (Ảnh: Reuters)

 

Không chỉ các hành khách, mà ngay cả các phi công và thành viên phi hành đoàn cũng ngày càng lo ngại về mức độ an toàn của các chuyến bay sử dụng dòng Boeing 737 MAX 8.

Hiệp hội Nhân viên Hàng không (APFA), tổ chức đại diện cho các nhân sự làm việc cho các hãng hàng không Mỹ, đã cảnh báo các thành viên không lên máy bay 737 MAX 8 nếu họ không cảm thấy an toàn.

Hiệp hội Tiếp viên Hàng không (AFA) cũng chính thức kêu gọi mở một cuộc điều tra do Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ thực hiện.

“Sau vụ tai nạn thứ hai, các nhà điều hành, nhà sản xuất và các hãng hàng không phải có những bước đi để giải quyết những lo ngại ngay lập tức”, thông báo của Hiệp hội Tiếp viên Hàng không nêu rõ.

Các chính trị gia Mỹ tỏ ra mất kiên nhẫn khi nhiều nước quyết định dừng vận hành Boeing 737 MAX 8.

Thượng nghị sĩ đồng thời là ứng viên tổng thống Mỹ Elizabeth Warren nói: “FAA nên thực hiện vai trò dẫn đầu của họ, thay đổi quyết định và ngay lập tức đình chỉ dòng máy bay này cho tới khi mức độ an toàn của chúng được đảm bảo”.

“FAA nên đình chỉ 737 MAX 8 cho tới khi chúng ta điều tra được nguyên nhân của các vụ tai nạn gần đây và đảm bảo sự vận hành ổn thỏa của dòng máy bay này”, Thượng nghị sĩ Mitt Romney bình luận trên Twitter.

FAA hôm qua cho biết cuộc điều tra về vụ rơi máy bay ở Ethiopia vẫn đang được tiến hành và cơ quan này sẽ “đưa ra quyết định về những bước đi tiếp theo dựa trên chứng cứ”.

Boeing cho biết MAX là dòng máy bay bán chạy nhất của hãng này với hơn 5.000 đơn đặt hàng từ khoảng 100 khách hàng tính tới thời điểm hiện tại. Tuy vậy, kể từ thập niên 1970, đây là lần đầu tiên Boeing chứng kiến một dòng máy bay mới có liên quan tới 2 thảm kịch kinh hoàng chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Thomas Anthony, lãnh đạo Chương trình An ninh và An toàn Hàng không tại Đại học Southern California cho rằng việc các máy bay hiện đại ngày càng được tự động hóa nhiều hơn đồng nghĩa với việc phi hành đoàn có ít kinh nghiệm hơn trong việc thao tác cơ học trên máy bay.

Thành Đạt

Theo SCMP, AFP

 

Dòng sự kiện: Boeing gặp khủng hoảng