1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đã đến lúc ông Biden "đóng cửa" NATO để không "tự mua dây buộc mình"?

Chính sách mở cửa của NATO đang cho thấy nhiều bất cập nhưng dường như chính các nước thành viên của liên minh này vẫn chưa hết ngần ngại để nhìn thẳng vào những hạn chế đó.

Vai trò chủ đạo của Mỹ

Tuần tới, Tổng thống Joe Biden sẽ tới Brussels trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Cuộc gặp Thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo NATO diễn ra 2 tuần sau khi các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của liên minh này gặp nhau để thảo luận về chương trình nghị sự.

Đã đến lúc ông Biden đóng cửa NATO để không tự mua dây buộc mình? - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich ngày 7/2/2015. Theo: AFP

Hội nghị Thượng đỉnh NATO là cơ hội để tạo tiếng vang cho ông Biden, người nhậm chức với tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ của Mỹ với các đồng minh của châu Âu và đưa liên minh quân sự này quay lại là trung tâm chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Tuy nhiên, đây sẽ là một cơ hội bị bỏ lỡ và là một sai lầm lớn nếu Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo NATO sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh này chỉ đơn giản nói về trật tự thế giới dựa trên các quy tắc hay ca ngợi liên minh này đã bảo vệ châu Âu tự do và hòa bình.

Việc nhắc đi nhắc lại lịch sử và di sản của NATO để tránh những cuộc trao đổi khó khăn và thẳng thắn chỉ làm trì hoãn sự thay đổi cấu trúc cần thiết của liên minh này. Đứng đầu trong chính sách mở cửa của NATO chính là nhu cầu cần cải tổ.

Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ (1991), NATO đã tăng gấp đôi số lượng các nước thành viên. Một tổ chức quân sự ban đầu chỉ có 12 nước thành viên nay đã tăng lên 30, trải dài từ Mỹ tới châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, bảo vệ gần 1 tỷ người và chiếm khoảng 1/2 GDP của thế giới.

Những con số trên vẫn được NATO coi là niềm tự hảo, như thể quy mô về thành viên của liên minh này cho thấy sức mạnh và tính hiệu quả của tổ chức.

Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Trong khi NATO được biết tới là liên minh hiệu quả và lâu đời nhất thế giới thì năng lực tác chiến, khả năng tình báo, giám sát và trinh sát, cũng như việc đóng góp ngân sách để duy trì hoạt động của tổ chức chủ yếu dựa vào những gì mà quân đội Mỹ cung cấp.

Mặc dù ngân sách quốc phòng trung bình của NATO vẫn tăng dần do lo ngại mối đe dọa từ Nga nhưng Mỹ vẫn chiếm gần 70% các khoản đóng góp quân sự cho toàn liên minh.

Mặc dù có một số sự phản đối trong nội bộ NATO về quyết định rút quân khỏi Afghanistan của chính quyền Tổng thống Biden nhưng nhìn chung, NATO vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ trên không và hệ thống hậu cần của Mỹ. Do đó, dù có muốn, NATO cũng không thể duy trì sự hiện diện quân sự ở Afghanistan.

Thực tế là nếu không có sự hỗ trợ chủ yếu từ Washington, rất khó để NATO duy trì mức độ hoạt động hiện tại, hay tiếp tục các nhiệm vụ huấn luyện ngoài khu vực tại Iraq và Afghanistan. NATO và châu Âu hiện vẫn đang nỗ lực khắc phục những hạn chế về khả năng sẵn sàng tác chiến, hệ thống vận chuyển lỗi thời và thực trạng không đủ các trang thiết bị.

Mở rộng NATO: Tăng quy mô hay tăng gánh nặng?

Dĩ nhiên, không ai có thể tưởng tượng nếu Mỹ rời đi, NATO sẽ như thế nào. Mặc dù cựu Tổng thống Trump từng đe dọa rút khỏi NATO nhưng ông cũng không ít lần bảo vệ liên minh quân sự này.

Chỉ bởi vì Mỹ là thành viên tuân thủ đầy đủ các cam kết trong NATO không có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ việc mở rộng liên minh này.

Giữa bối cảnh một số nước NATO hầu như có rất ít giá trị về địa chiến lược, cũng như không thể đóng góp tài chính cho NATO theo quy định, việc có thêm các thành viên mới không khiến Mỹ và NATO thu về lợi ích mà chỉ gia tăng gánh nặng.

Dù vậy, việc mở rộng vì mục đích mở rộng lại chính là những gì NATO, với sự ủng hộ của Mỹ, đã thực hiện trong những năm qua. Hai nước gần đây nhất gia nhập liên minh xuyên Đại Tây Dương này là Montenegro và Bắc Macedonia đều không có vai trò đáng kể về kinh tế và quân sự với NATO.

Với 5,5 tỷ USD, nền kinh tế của Montenegro chưa bằng 1/5 quy mô nền kinh tế của bang Vermont. Bắc Macedonia, nước vừa gia nhập NATO vào năm ngoái, có lực lượng quân thường trực là 7.000 binh lính, thậm chí còn chưa bằng quy mô Phòng Cảnh sát Los Angeles.

Theo nhiều nhà phân tích và các quan chức ở Washington, chính sách mở cửa là chủ đề quan trọng cốt lõi nhưng vẫn chưa được đề cập đến. Thách thức từ chính sách này cũng là thách thức với NATO nói chung.

Tuy nhiên, khó có thể đánh giá liệu việc mở rộng biên giới NATO đem đến ý nghĩa về mặt chiến lược hay những rủi ro nhiều hơn. Ở một khía cạnh nào đó, NATO càng mở rộng, gánh nặng trên vai Mỹ càng lớn và rủi ro mà quân đội Mỹ phải đối mặt để bảo vệ các nước thành viên càng gia tăng, thậm chí cả trong những vấn đề không liên quan đến lợi ích của Washington.

Chẳng hạn, với Ukraine và Georgia, hai nước này đều có mối quan hệ căng thẳng với Nga và có ý định gia nhập NATO. Tuy nhiên, việc cho phép 2 quốc gia này hưởng những đặc quyền của thành viên NATO có thể đẩy Mỹ và Nga vào một cuộc xung đột mới.

Cái giá của việc mở rộng biên giới NATO về phía đông là sẽ hạn chế bất kỳ khả năng nào nhằm xây dựng quan hệ giữa phương Tây và Nga dựa trên những lợi ích chung.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh Rossiya-24 mới đây đã nhận định rằng, thậm chí trong những thời điểm có mối quan hệ tốt đẹp với Moscow, các nước phương Tây vẫn không quan tâm tới các lợi ích của nước này khi tiến hành mở rộng NATO.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tuần tới, liên minh này sẽ phải thừa nhận thực tế khó khăn rằng: Chính sách mở cửa của NATO không phục vụ cho lợi ích của liên minh. Và với Mỹ, việc tiếp tục ủng hộ chính sách mở cửa sẽ chẳng khác nào việc tự "mua dây buộc mình" đối với những cam kết về an ninh.