1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ký ức ám ảnh của người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử Hiroshima

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù nhiều năm trôi qua, Michiko Yoshitsuka vẫn không thể quên ký ức ám ảnh của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nhật Bản mà bà đã may mắn sống sót một cách thần kỳ.

Ký ức ám ảnh của người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử Hiroshima - 1

Bà Michiko (bên phải) trong ảnh chụp năm 1945 khi 14 tuổi (Ảnh: BBC)

Vào buổi sáng ngày 6/8/1945, Michiko đã ngủ quên.

“Khi đó, tôi nghĩ rằng, nếu bắt chuyến tàu muộn hơn, tôi có thể vẫn kịp giờ làm. Nếu tôi chạy tới ga, tôi có thể vẫn đuổi kịp chuyến tàu vẫn thường đi. Và cuối cùng tôi chạy tới ga Yokogawa và nhảy vội lên tàu lên chuyến tàu hàng ngày”, Michiko từng viết về ngày định mệnh.

Cú “chạy nước rút” của Michiko đã cứu mạng bà. Michiko đã đến nơi làm việc an toàn thì thành phố nơi bà sinh sống - Hiroshima - bị tấn công bởi một quả bom nguyên tử.

“Nếu lỡ chuyến tàu vẫn thường đi, tôi sẽ chết ở đâu đó giữa ga Yokogawa và Hiroshima”, Michiko viết.

Michiko Yoshitsuka, khi đó mới 14 tuổi, là học sinh tại một trường ở Hiroshima. Tuy nhiên, khi thành phố này huy động mọi nguồn lực cho chiến tranh, Michiko đã được điều động đi làm việc ở nhà máy Toyo Kogyo, nơi chuyên sản xuất vũ khí cho lực lượng lục quân của quân đội Nhật Bản.

Michiko mô tả rằng bà phải làm việc nhiều giờ tại nhà máy. Thế chiến II đã gây ra tình trạng thiếu lương thực và Michiko thường trong tình trạng đói lả. Trong nhiều đêm trước đó, máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã bay qua Hiroshima, khiến còi báo động kêu inh ỏi.

Ký ức ám ảnh của người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử Hiroshima - 2

Hiroshima trở thành đống đổ nát sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945 (Ảnh: Reuters)

Vào 8h15 ngày 6/8/1945, máy bay Mỹ đã thả quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” xuống Hiroshima. Thành phố này ngay lập tức bị phá hủy. Khoảng 140.000 người đã chết ở Hiroshima, bao gồm những người thiệt mạng ngay tại hiện trường và những người chết vài tháng sau đó.

Michiko đã may mắn sống sót. Trong lúc hỗn loạn, bà di chuyển tới Nakayamatoge, một con đường núi dẫn tới nhà người họ hàng của bà ở Gion. Trên đường đi, bà chứng kiến dòng người tuyệt vọng vội vàng rời thành phố đã bị phá hủy.

Ký ức ám ảnh của người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử Hiroshima - 3

Một phụ nữ bị thương do bom nguyên tử (Ảnh: Reuters)

“Mọi người bị thương khắp nơi. Tôi thấy thi thể nhiều người bị thiêu rụi, nhãn cầu hoặc nội tạng rơi ra ngoài do áp lực từ vụ nổ. Khi đi trên đường, một ai đó nắm lấy chân tôi và cầu xin ‘cô gái trẻ, cô cho tôi nước được không’. Tôi nói lời xin lỗi. Tôi thực sự sợ hãi và cố đi thật nhanh để thoát khỏi chuyện này”, Michiko viết.

Tại Gion, Michiko cảm thấy nhẹ nhõm khi biết người mẹ còn sống. Trong 10 ngày sau đó, hai mẹ con đã đi khắp Hiroshima để tìm anh trai Michiko, một quân nhân. Bà phát hiện ra rằng anh trai đã chết ở gần hiện trường vụ đánh bom và không thể tìm thấy thi thể.

Michiko đã sống sót, nhưng những di chứng của vụ đánh bom bắt đầu xuất hiện. Bà bị mắc triệu chứng nhiễm độc phóng xạ khi liên tục chảy máu lợi và mũi. Bà mắc chứng tiêu chảy nghiêm trọng, rụng tóc, và nổi các vết tím trên cơ thể.

“Tôi được cách ly và tôi đã đi qua ranh giới mong manh giữa sống và chết. Mọi người ai cũng nghĩ tôi đã chết, nhưng thật kỳ diệu, tôi vẫn sống”, Michiko cho hay.

Vụ đánh bom thành phố Hiroshima và Nagasaki đã khiến phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng, đặt dấu chấm hết cho Thế chiến II vài ngày sau đó.

Ký ức ám ảnh của người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử Hiroshima - 4

Đống đổ nát ở Nagasaki sau vụ ném bom nguyên tử (Ảnh: Reuters)

Biểu tượng hòa bình

Những ngày sau đó, Hiroshima đã đứng lên từ đau thương và thể hiện sự kiên cường của một thành phố vừa bị tàn phá nặng nề.

Sau 3 ngày, tàu hỏa, xe buýt hoạt động trở lại bình thường. Trong 2 tháng, trường học mở cửa trở lại trong những tòa nhà bị phá hủy và những lớp học ngoài trời. Hoạt động kinh doanh nối lại và Hiroshima đã đứng lên từ đống đổ nát và làm lại từ đầu.

Ký ức ám ảnh của người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử Hiroshima - 5

Khói bốc lên tại Hiroshima ngày 6/8 sau khi quả bom "Little Boy" bị thả xuống (Ảnh: Reuters)

“Năm 1948, khi 18 tuổi, tôi lấy chồng. Tháng 4/1949, tôi sinh một bé gái, nhưng con bé đã qua đời 2 tuần sau đó. Tôi tin rằng con tôi chết vì tác dụng phụ của quả bom nguyên tử”, Michiko cho biết. May mắn là bà đã sinh được 2 người con gái khỏe mạnh sau đó.

Mỗi năm vào ngày 6/8, Hiroshima tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử. Michiko thường đến vào buổi tối để xem thả hoa đăng trên sông Motoyasu, vốn đại diện cho linh hồn của những người đã mất. 

Nhiều năm sau thảm họa, Hiroshima đã trở thành một thành phố hiện đại với các đại lộ, cửa tiệm quần áo sang trọng. Những dấu vết của một quá khứ đau thương chỉ còn lại không nhiều trong thành phố. 

Hàng chục năm sau vụ ném bom kinh hoàng, Hiroshima đã trở thành một biểu tượng của hòa bình.

Michiko qua đời vào năm 2012 và câu chuyện của bà đã được ghi chép lại vào năm 1995. Trong suốt cuộc đời, Michiko hiếm khi nhắc đến thảm họa đau thương năm 1945.

"Giờ đây, 50 năm sau vụ ném bom, tôi cảm nhận được sự quý giá của cuộc sống", Michiko từng viết.

Vào giai đoạn cuối Thế chiến II, Mỹ đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima (ngày 6/8/1945) và Nagasaki (ngày 9/8/1945). Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng và chịu những di chứng của phóng xạ sau này. Sau đó vài ngày, phát xít Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Thế chiến II đã chính thức kết thúc gần 1 tháng sau đó.