Kỹ năng giúp đội bóng Thái Lan bị mắc kẹt ra khỏi hang an toàn
(Dân trí) - Lặn qua những lối đi bị ngập nước được xem là một trong những cách giúp đội bóng Thái Lan vượt ra khỏi hang để trở về an toàn sau nhiều ngày bị mắc kẹt.
13 người, gồm 12 thành viên trong đội bóng thiếu niên và một huấn luyện viên, đã bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai trong hơn 9 ngày trước khi được lực lượng cứu hộ tìm thấy. Những nỗ lực cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn do mạng lưới lối đi trong hang bị ngập nặng sau nhiều ngày mưa lớn.
Sau khi đội bóng được tìm thấy, câu hỏi được đặt ra bây giờ là làm thế nào để đưa toàn bộ 13 người ra khỏi hang khi nơi họ đứng cách cửa hang tới 4km và chặng đường trở về gặp nhiều khó khăn do nước chưa rút.
Trong thông báo của Lực lượng Vũ trang Thái Lan, Đại tá Hải quân Anand Surawan cho biết “sẽ chuẩn bị phương án để đưa thêm đồ ăn tới chỗ đội bóng mắc kẹt nhằm duy trì sự sống của họ trong ít nhất 4 tháng, đồng thời huấn luyện cho cả 13 người cách lặn trong khi chờ nước rút”. Dự kiến lính đặc nhiệm của Thái Lan cùng các chuyên gia về lặn từ Anh và Mỹ sẽ tham gia đào tạo lặn cho đội bóng.
Trang tin Nation dẫn một nguồn tin từ đội cứu hộ cho biết các thành viên trong đội bóng đang được Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Thái Lan chăm sóc và tiếp tế đồ ăn. Ngoài ra, đội cứu hộ cũng sẽ đưa y tá và bác sĩ để kiểm tra sức khỏe cho đội bóng để đảm bảo rằng tất cả đều khỏe mạnh trước khi được sơ tán ra khỏi hang.
Tuy nhiên, các chuyên gia về cứu hộ hang động cho rằng việc để các cầu thủ nhí và huấn luyện viên của họ, vốn không phải là những thợ lặn chuyên nghiệp và đang ở trong tình trạng sức khỏe yếu, lặn theo các lối đi ngập nước để ra khỏi hang an toàn đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng.
“Việc cố gắng để đưa những người không phải là thợ lặn ra khỏi hang là một trong những tình huống nguy hiểm nhất, ngay cả khi quãng đường lặn tương đối dễ dàng”, Anmar Mirza, điều phối viên của Ủy ban Cứu hộ Hang động Quốc gia Mỹ, nhận định.
Theo ông Mirza, “nếu việc lặn vào hang là khó khăn, thì việc tiếp tế cho nhóm mắc kẹt trong hang cũng khó khăn, và việc cố gắng để họ lặn ra ngoài còn khó khăn hơn”.
“Việc lặn trong hang đặc biệt nguy hiểm ngay cả với những người có kinh nghiệm. Còn bây giờ chúng ta đang gặp những người chưa có hoặc có rất ít kinh nghiệm lặn. Chúng ta đang đặt họ vào một hoàn cảnh rất khó khăn khi phải trông cậy vào các thiết bị hỗ trợ thở trong quá trình lặn. Nếu thiết bị này dừng hoạt động dù chỉ trong một vài phút, điều đó có thể gây chết người”, ông Mirza nói.
Ông Mirza cho rằng cách an toàn nhất có thể sử dụng đối với trường hợp của đội bóng là tìm cho họ nơi trú ẩn an toàn và cung cấp cho họ các nhu yếu phẩm cần thiết cho tới khi nước rút hoặc tìm ra một lối thoát hiểm mới. Hiện lực lượng cứu hộ được cho là bơm khoảng 1,6 triệu lít nước mỗi giờ ra khỏi hang.
Tính toán kỹ lưỡng
Phóng viên Lisa Holland của Sky News, người có mặt tại hiện trường, cũng đồng quan điểm với chuyên gia Mirza. “Việc đến được khu vực này và quay trở lại cửa hang là rất liều lĩnh, bởi vì những người thợ lặn chỉ có thể đến được Pattaya Beach do họ là những người có kỹ năng thuần thục”, Holland cho biết. Pattay Beach là một hốc đá có nền đất cao trong hang Tham Luang và là nơi đội bóng trú chân trong những ngày vừa qua.
Theo Hội đồng Cứu hộ Hang động Anh, “mặc dù mực nước trong hang đã hạ xuống, nhưng điều kiện để lặn vẫn khó khăn và bất kỳ nỗ lực nào để đưa các cậu bé cũng như huấn luyện viên ra ngoài cũng không hề đơn giản, bởi vì vẫn có những thách thức về kỹ thuật và rủi ro cần tính đến”.
Sau khi đội bóng đã ổn định sức khỏe, các chuyên gia cho rằng lực lượng cứu hộ sẽ phải tính toán việc đưa từng người trong đội ra khỏi hang theo cách an toàn nhất. Butch Hendrick, một thợ lặn cứu hộ người Mỹ, cho biết việc đưa một đứa trẻ ra khỏi hang có thể mất vài giờ.
“Lực lượng cứu hộ phải đảm bảo rằng một đứa trẻ được đưa ra thành công trước, rồi sau đó mới tiếp tục đưa đứa trẻ thứ hai ra”, ông Hendrick nói.
Là thợ lặn chuyên nghiệp, Hendrick đề xuất 3 bước để đội cứu hộ thực hiện nếu quyết định sơ tán toàn bộ đội bóng ra ngoài. Đầu tiên, các nhân viên y tế cần kiểm tra sức khỏe của các cậu bé và huấn luyện viên để quyết định xem ai sẽ là người cần được đưa ra trước. Trong quá trình sơ tán, đội cứu hộ sẽ phải cung cấp bình ô xy cho các cậu bé nếu chúng không thể bơi. Khi đi qua những ngóc ngách hẹp, cần có từ 2-3 người hỗ trợ các cậu bé và huấn luyện viên.
Tiến sĩ Ricky Greenward, người sáng lập và là Giám đốc của Viện Chấn thương Trẻ em ở Massachusets, Mỹ, cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ sang chấn tinh thần có thể xảy ra đối với các thành viên trong đội bóng Thái Lan, những cậu bé trong độ tuổi từ 11-16, sau nhiều ngày mắc kẹt trong hang tối và trong điều kiện không nhận thức được thế giới xung quanh cũng như thiếu thốn đồ ăn. Chuyên gia Greenward ví chấn thương này như trải nghiệm của những người vừa trải qua một trận chiến đấu và cần có sự trợ giúp để hồi phục tinh thần.
“Trải nghiệm đó cũng không khác gì những người vừa trở về từ một trận chiến khốc liệt, nơi mà sự sống của bạn có thể dập tắt bất cứ lúc nào. Bạn không thể cảm thấy bình thường được nữa, đó là cú sốc lớn. Tôi nghĩ ngay cả khi có sự hỗ trợ tốt từ gia đình và cộng đồng cũng như chăm sóc y tế, các em nhỏ cũng phải mất nhiều thời gian để trở về cuộc sống bình thường”, chuyên gia Greenwald nhận định.
Thông tin ban đầu từ lực lượng cứu hộ cho biết đội bóng không gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Đoạn video mới được công bố cho thấy một số cậu bé vẫn đủ tỉnh táo để trao đổi với đội cứu hộ bằng tiếng Anh. Hiện công tác giải cứu vẫn đang được các nhà chức trách Thái Lan tiến hành khẩn trương với sự hỗ trợ của các nước.
Thành Đạt
Tổng hợp