1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kỳ án số tiền tương đương 5% GDP quốc gia “mất tích”

Bộ Tư pháp Liberia cho biết đang tiến hành điều tra vụ số tiền mới in trị giá khoảng 104 triệu USD, tương đương với 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này, đã “mất tích không dấu vết” sau khi được đưa từ nhà in ở nước ngoài về nước này.


Người dân tập trung trên các đường phố ở thủ đô Monrovia biểu tình yêu cầu Chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc mất tiền

Người dân tập trung trên các đường phố ở thủ đô Monrovia biểu tình yêu cầu Chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc mất tiền

Những container tiền bị “bốc hơi”

Vụ biến mất của lượng tiền “khủng” nói trên được tờ Hot Pepper – một tờ báo chuyên phanh phui những bê bối chính trị của Liberia - công bố đầu tiên. Chính phủ Liberia ban đầu bác bỏ thông tin về việc mất tiền, nhưng về sau buộc phải thừa nhận không biết số tiền đã đi đâu, đồng thời ra lệnh mở cuộc điều tra về vụ việc. Đội điều tra bao gồm thành viên là Cơ quan cảnh sát quốc gia, Cơ quan an ninh quốc gia và Đơn vị tình báo tài chính.

Theo thông tin do Bộ trưởng thông tin Liberia Eugene Nagbe công bố tuần qua, số tiền giấy bị mất là lô tiền 16 tỉ đô la Liberia, có giá trị tương đương khoảng 104 triệu USD, được Chính phủ tiền nhiệm đặt in cho Ngân hàng trung ương Liberia. Liberia không có đủ các thiết bị cần thiết để in tiền nên toàn bộ tiền giấy của nước này trước nay đều được đặt in ở nước ngoài sau khi được Chính phủ phê duyệt kế hoạch.

Theo kế hoạch ban đầu, sau khi được đưa về nước, số tiền này sẽ được đưa tới để Ngân hàng trung ương Liberia quản lý. Giới chức Liberia xác nhận lô tiền đã được chuyển từ nước ngoài đến nước này thông qua cảng Monrovia và Sân bay quốc tế Roberts (RIA) trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2018.

Tuy nhiên, số tiền sau đó đã biến mất không để lại dấu vết gì. “Số tiền được để trong những túi vải và chất vào những container có chiều cao khoảng 6m, được thông quan trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2018 nhưng chưa từng được đưa tới trụ sở Ngân hàng trung ương ở thủ đô Monrovia”, quan chức Liberia cho hay.

Theo tờ Front Page Africa – tờ báo điều tra hàng đầu của Liberia, số tiền trên được đặt in ở Thụy Điển trong năm 2017, giữa lúc Liberia đang tiến hành cuộc tổng tuyển cử để bầu người kế nhiệm Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf – người từng được trao giải Nobel. Tại cuộc bầu cử này, các cử tri Liberia đã bầu ngôi sao bóng đá George Weah làm tổng thống thứ 25 của nước này.

Ông Weah đã ngay lập tức đổ lỗi cho người tiền nhiệm trong vụ việc động trời với lý do số tiền được in trong lúc bà Sirleaf đang nắm quyền. Trong tuần qua, ông Lenn Eugene Nagbe - người phát ngôn của Chính phủ Liberia và Bộ trưởng Tư pháp của nước này Frank Musah Dean cho biết, những container chở tiền đã được đưa đến Liberia vào tháng 11 năm ngoái, khi bà Sirleaf vẫn tại nhiệm. Bộ trưởng tư pháp Liberia cũng khẳng định Chính phủ đương nhiệm không được thông tin về việc nhận lô tiền trên. Do đó, trách nhiệm thuộc về Chính phủ tiền nhiệm.

Song, bà Sirleaf đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên. “Chính phủ đã cố tình đưa thông tin sai lệch để bêu xấu chính phủ tiền nhiệm”, cựu Tổng thống Liberia khẳng định. Bà này cũng đề nghị Chính phủ công bố kết quả điều tra nội bộ do Ngân hàng trung ương Liberia tiến hành để làm sáng tỏ mọi chuyện.


Ngân hàng trung ương Liberia

Ngân hàng trung ương Liberia

Quả thực, báo chí địa phương từ các tài liệu vận chuyển bị rò rỉ phát hiện số tiền đã được thông quan tại Liberia trong khoảng thời gian giữa tháng 2 và tháng 3 vừa qua, tức sau khi chính phủ của ông Weah đã tiếp quản quyền lực. Truyền thông địa phương cũng cho biết, trong quá trình vận chuyển tiền khỏi cảng, lực lượng an ninh đã được huy động để bảo vệ số tiền nhưng không hiểu sao số tiền vẫn biến mất. Là một trong những nước nghèo nhất của châu Phi, số tiền mới in bị mất của Liberia tương đương đến 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Cú sốc với nền kinh tế

Vụ bốc hơi số lượng tiền như vậy được nhiều người xem là cú sốc đối với nền kinh tế Liberia vốn đang lâm vào tình trạng kiệt quệ do hậu quả nặng nề của dịch Ebola. Theo thống kê, hàng nghìn người Liberia đã thiệt mạng trong quãng thời gian dịch bệnh bùng lên ở nước này, càng khiến cho nền kinh tế Liberia lâm vào khủng hoảng trầm trọng hơn.

Quyết định in thêm tiền của Chính phủ cũ cũng là để nhằm vực dậy nền kinh tế. Thêm vào đó, thời gian gần đây, giá café và các mặt hàng xuất khẩu thấp cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế của đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn ngoại tệ thu được từ lĩnh vực này.

Trong nhiều tuần trở lại đây, thông tin về vụ hàng container tiền lớn “bốc hơi” không dấu vết này đã trở thành tâm điểm của truyền thông Liberia. Trên mạng xã hội của nước này, đây cũng là vấn đề được đa số người dân quan tâm, bàn tán. “Vụ việc giống như cái tát vào mặt chúng tôi. Nó cho thấy rằng các cơ quan, các lực lượng chức năng của Liberia đang bị tê liệt”, ông Satta F. Sheriff, một nhà vận động vì quyền trẻ em Liberia, nói.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các nhà phân tích cảnh báo vụ việc có thể làm tổn hại tới môi trường chính trị của Liberia 9 tháng sau cuộc chuyển giao Chính phủ hòa bình đầu tiên của nước này trong vòng 70 năm trở lại đây. “Sau cuộc bầu cử năm ngoái, người dân đặt kỳ vọng rất cao vào Chính phủ và sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, tình hình hiện nay là rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh cuộc sống của người dân đang còn nhiều khó khăn về kinh tế”, nhà phân tích độc lập Musa Ziamo nhận định.

Vụ việc cũng đã khiến người dân Liberia vô cùng phẫn nộ sau hàng loạt những vụ bê bối tham nhũng xảy ra trong thời gian qua. Ví dụ, mới đây nhất, dư luận nước này đã vô cùng bức xúc khi thông tin Bộ trưởng tài chính Samuel Tweah đã trả đến 16.000 USD để mua vé máy bay ở khoang hạng nhất để tới Trung Quốc dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi.

Ngoài ra, những bê bối quản lý yếu kém khác cũng đã khiến lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường Liberia bị xói mòn. Các tổ chức quốc tế cũng đã nhiều lần cảnh báo nước này về việc thực hiện các cam kết của mình. Để xảy ra tham nhũng tràn lan cũng được cho là một phần nguyên nhân khiến cựu Tổng thống Sirleaf thất bại tại cuộc bầu cử sau 12 năm cầm quyền.

Ngày 24/9, hàng trăm người dân đã tập trung trên các đường phố ở thủ đô Monrovia để biểu tình yêu cầu Chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc mất tiền. Chính phủ Liberia khẳng định đang điều tra vụ việc một cách vô cùng nghiêm túc vì nó có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của nước này. Giới chức Liberia cũng cho biết sẽ kiểm tra toàn bộ dòng tiền vào nước này trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018 và đề nghị Bộ Tài chính Mỹ, Cục điều tra liên bang Mỹ cũng như Quỹ Tiền tệ quốc tế hỗ trợ việc điều tra.

Alexander Cummings - từng là một quản lý của Coca Cola và hiện đang là thủ lĩnh của đảng đối lập ở Liberia - đã yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập về vụ việc. Ông này cũng cảnh báo rằng số tiền mới nói trên nếu được đưa ra thị trường có thể gây hỗn loạn, đẩy lạm phát lên cao hơn còn tăng trưởng kinh tế sẽ bị kéo lùi xuống.

Các điều tra viên của Liberia sau đó đã công bố tiến triển đột phá trong quá trình điều tra. Theo đó, các điều tra viên cho rằng cả Chính phủ tiền nhiệm lẫn Chính phủ đương nhiệm của Liberia đều có liên quan đến vụ việc. Bộ trưởng thông tin Liberia Nagbe, 15 quan chức của nước này, trong đó có con trai của cựu Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf – người hiện đang là Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Liberia – hiện đang bị điều tra liên quan đến vụ việc.

Lệnh cấm đi lại đã được áp dụng đối với những người này. Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Liberia Milton Weeks cho biết đang hợp tác với việc điều tra nhưng khẳng định việc mất tiền không xảy ra khi ông đang nắm quyền. Ông Weeks rời chức thống đốc vào tháng 3 vừa qua.

Nhân sự việc này, một số nhà quan sát bày tỏ hoài nghi về cam kết xây dựng một chính phủ đứng về phía người nghèo và mạnh tay trấn áp tham nhũng của Tổng thống đương nhiệm Weah - người lớn lên từ một khu ổ chuột và từng là một ngôi sao bóng đá nổi tiếng thế giới. “Tôi không lạc quan về những thay đổi bởi văn hóa tham nhũng đã ăn sâu bám rễ vào xã hội”, nhà kinh tế học John Morlu, từng là tổng kiểm toán dưới thời bà Sirleaf, nói.

Theo Hà Dung

Pháp luật Việt Nam