1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc chiến ngầm trong Chiến tranh thế giới thứ hai:

Kỳ 3: “Dàn nhạc Đỏ”

Ngày 13-9-1943, một xe ô tô chở hai người khách dừng trước một hiệu thuốc tại Paris. Lần lượt, hai người rời xe bước vào. Chợt có tiếng hô lớn: “Hắn chạy thoát qua cửa sau. Phải phong tỏa ngay khu vực này”…

Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường

Người chạy trốn là Leopold Trepper, điệp viên Xô-viết đã đồng ý về làm việc cho phát-xít Đức trước đó vài tuần. Đám người Đức tức tối lùng sục khắp thành phố…

Ngay từ năm 1938, Leopold Trepper đã lập ra một mạng lưới tình báo Xô-viết rất mạnh ở  Bỉ, Hà Lan, Pháp và Italia. Danh sách khoảng 300 thành viên của mạng lưới này luôn được ông cất giữ trong đầu. Thông qua nhóm của Leopold Trepper, Liên Xô cũng nhận được tin tình báo từ Rudolf Rossler, mật danh "Lucy".

Du kích Liên Xô chiến đấu trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. (Ảnh:
Du kích Liên Xô chiến đấu trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. (Ảnh: corbisimages.com)
 
Là người Đức định cư tại Thụy Sĩ, Rudolf Rossler làm việc cho tình báo Xô-viết vì lý tưởng. Ông được coi là một trong những điệp viên giá trị nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Rudolf Rossler từng cung cấp cho Liên Xô tin tức quan trọng về chiến dịch ở vòng cung Kursk của phát-xít Đức năm 1943. Nguồn tin riêng của Rudolf Rossler cho đến thời điểm hiện tại vẫn là một ẩn số.
 
Tại phiên tòa quốc tế Nuremberg sau chiến tranh, Tham mưu trưởng chiến dịch của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Đức Quốc xã (OKW) Alfred Jodl nói rằng thông tin về Chiến dịch Kusk đến tay Mátxcơva trước cả khi nằm trên bàn của ông ta. Sau chiến tranh, Rudolf Rossler tiếp tục cung cấp cho Liên Xô thông tin thu thập được về Tây Đức, khiến ông bị bắt và chịu án 1 năm tại Thụy Sĩ. Ông qua đời chẳng bao lâu sau khi được thả vào năm 1958.
 
Trở lại với câu chuyện về Leopold Trepper, sau khi bị bắt, mạng lưới của ông đã bị phản gián Đức đánh sập gần như hoàn toàn. Ở Berlin, các điện báo viên Liên Xô được gọi là những "nghệ sĩ dương cầm". Mạng lưới của Leopold Trepper liên quan đến ít nhất 10 "nghệ sĩ dương cầm", bởi vậy còn có mật danh là “Dàn nhạc Đỏ”.
 
Phản gián Đức đã ép được một số điện báo viên của “Dàn nhạc Đỏ”, bao gồm cả Leopold Trepper, gửi tin giả về cho Mátxcơva. Phía Liên Xô không chỉ tin vào tin giả mà còn đề nghị cung cấp thêm. Sau khi trốn thoát, Leopold Trepper, với sự giúp đỡ của những người Cộng sản Pháp, đã tìm cách báo về Mátxcơva rằng mạng lưới của mình đã bị khống chế. Thông tin nhận được từ các điện báo viên đó cuối cùng đã được hiểu theo đúng bản chất.

Tháng 11-1944, hai điệp viên Xô-viết tiến hành theo dõi 24/24 giờ đoạn bờ biển Na Uy: “Phía chân trời thấy có khói. Một thiết giáp hạm. Thêm mấy khu trục hạm. Tốt. Ghi lại. Ta cần gửi điện tín về”. 12 tiếng sau, một sĩ quan tham mưu bước vào phòng của Trưởng ban Tình báo Hải quân Mikhail Voronsov, báo cáo. “Máy bay trinh sát xác nhận có tàu trong khu vực đó”, viên sĩ quan nói. “Các anh có thấy chiếc Tirpitz không? Người Anh đang tìm cách diệt nó suốt 3 năm nay. Hãy cho đồng minh của chúng ta thêm một cơ hội. Báo ngay cho người Anh tọa độ của chiếc thiết giáp hạm”, Mikhail Voronsov ra lệnh.

Tirpitz là một trong vài phương tiện chiến tranh uy lực của Hải quân Đức. Mặc dù khi đó (tháng 11-1944), vai trò của Tirpitz đã khá mờ nhạt trong cuộc chiến, nhưng sự có mặt của chiến hạm này ở bờ biển Na Uy vẫn đe dọa các đoàn vận tải từ Biển Bắc đến Liên Xô và ghìm chân một số lượng đáng kể tàu chiến Anh.
 
Ngày 12-11-1944, các máy bay ném bom Lancaster của Anh bay đến vịnh Tromso ở Na Uy. Người Đức không hay biết gì về cuộc không kích sắp diễn ra. Hai quả bom khổng lồ Tallboy đã rơi trúng mạn trái của Tirpitz, tạo một lỗ lớn trên vỏ tàu. Khi nước tràn vào, chiếc Tirpitz nặng nề nghiêng dần rồi lật úp. Tirpitz bị đánh chìm khiến 1.000 trong số 1.700 thủy thủ đoàn thiệt mạng. Đó là chiếc đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài của Hải quân Hitler.
 
Kể từ mùa hè năm 1941, Liên Xô đã có điệp viên cài cắm tại Na Uy, bao gồm các đơn vị thu thập tin tức tình báo cho Hạm đội Bắc Hải. Họ cũng tuyển dụng "chân rết" từ cộng đồng người bản địa và cộng tác với quân kháng chiến Na Uy. Một số điệp viên Na Uy được gửi tới trại huấn luyện Xô-viết. Tại đó, họ được hướng dẫn cơ bản về liên lạc điện đài và thu thập tin tình báo.
 
Điệp viên sau đó được đưa về Na Uy bằng tàu ngầm. Khi màn đêm buông xuống, họ sẽ đổ bộ xuống một bờ biển hẻo lánh. Nhiệm vụ của các điệp viên là theo dõi các đồn, bốt, hoạt động chuyển quân và tiếp vận của Đức. Họ cũng được lệnh tìm kiếm các tàu chiến Đức neo trong các vịnh biển Na Uy và chuyển tin tức ấy về Murmansk. Không quân Liên Xô và Anh có thể dùng tin tình báo này để không kích các mục tiêu có giá trị của Đức ở Na Uy và Phần Lan.

Lầm tưởng của Mỹ - Anh

Sau khi nước Đức đầu hàng tháng 5-1945, nhiều người đã có thể ăn mừng nhẹ nhõm nhưng cơ quan tình báo vẫn không thể xả hơi. Việc thiếu niềm tin với nhau bắt đầu nổi lên khi kẻ thù chung đã bị đánh bại.

Tháng 4-1945, Thủ tướng Anh Winston Churchill ra lệnh cho Bộ Tham mưu của mình nghiên cứu khả năng tấn công Liên Xô bằng chiến dịch mang mật danh “Unthinkable”. Cuộc nghiên cứu được tiến hành bởi Ban Tham mưu hỗn hợp các quân chủng Anh.
 
Một kịch bản được vạch ra, theo đó 47 sư đoàn Anh và Mỹ chiến đấu cùng quân đội Ba Lan và 12 sư đoàn Đức được tái vũ trang sẽ tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào lực lượng Hồng quân ở Tây Bắc châu Âu. Bộ Tham mưu của Winston Churchill kết luận rằng, nước Anh sẽ phải tiến hành một cuộc chiến kéo dài và nhiều tổn thất, trong khi khả năng chiến thắng vẫn còn là điều đáng nghi ngờ. Nhận xét về kế hoạch này, Thủ tướng Winston Churchill nói rằng đây là một biện pháp phòng ngừa cho một tình huống mang tính giả thuyết cao.

Ngày 18-5-1945, Tùy viên quân sự Liên Xô ở Luân Đôn, Thiếu tướng Ivan Skliarov, đã chuyển thông tin về Chiến dịch tối mật  “Unthinkable” về cho Mátxcơva. Nguồn tin của Thiếu tướng Ivan Skliarov là điệp viên X mà danh tính cho đến nay vẫn còn là một bí mật. Trong vài tuần sau đó, cũng chính điệp viên này đã chuyển cho Thiếu tướng Ivan Skliarov nhiều thông tin có giá trị về Chiến dịch “Unthinkble”, bao gồm cả quy mô lực lượng Anh và Mỹ tham gia.

Tháng 6-1945, Nguyên soái G. Zhukov nhận được chi tiết về kế hoạch này và lập tức bố trí lại lực lượng Xô-viết ở Đông Đức. Ông ra lệnh cho Hồng quân củng cố phòng thủ và theo dõi sát sao lực lượng của đồng minh phương Tây. Winston Churchill biết rõ khả năng của Hồng quân vượt trội so với Anh-Mỹ và quan trọng là dư luận không đồng tình cho một cuộc chiến như vậy vào năm 1945. Bản thân người Mỹ lại đang quan tâm hơn đến việc nhờ Liên Xô giúp đánh phát-xít Nhật Bản. Thế là Chiến dịch “Unthinkable” chỉ dừng lại ở đó.

Tháng 7-1945, trong Hội nghị Postdam, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã bóng gió đề cập với Stalin rằng Mỹ đã phát triển được một thứ vũ khí mới có sức hủy diệt phi thường. Nhưng phản ứng của nhà lãnh đạo Xô-viết đã khiến Tổng thống Mỹ sững người. “Ông ta còn không thèm hỏi lại”, Harry Truman sau này thuật lại với vẻ ngạc nhiên. Lúc ấy, các nguyên thủ Anh và Mỹ cho rằng, Stalin tỏ ra thờ ơ đơn giản là vì ông không hiểu về tầm quan trọng của điều ông được thông báo.

Nhưng họ đã lầm!

Kể từ năm 1942, tình báo Xô-viết đã thu thập tin tức về chương trình bom nguyên tử của Đồng Minh. Có hơn 10 điệp viên cung cấp tin cho Liên Xô. Nhờ nỗ lực của họ, Liên Xô đã thử quả bom nguyên tử đầu tiên của mình ngay từ năm 1949.

(Kỳ 4: Lưỡi dao nhọn trong lòng địch)

Theo Đặng Lâm Vũ
Quân đội Nhân dân