1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong 29 năm do thương chiến

(Dân trí) - Chiến tranh thương mại với Mỹ đã khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2019 chậm nhất gần 30 năm. Bắc Kinh có thể buộc phải đưa ra thêm các biện pháp kích thích để vực dậy nền kinh tế trong thời gian tới.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong 29 năm do thương chiến - 1
Chiến tranh thương mại với Mỹ tác động nặng nề tới kinh tế Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Marketwatch)

Reuters dẫn số liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc cho biết, tăng trưởng GDP năm 2019 của nước này đạt 6,1%, so với 6,6% năm 2018. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất của kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1990 mặc dù vẫn nằm trong khoảng dự báo của chính phủ nước này.

"Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại, xuống dưới 6% trong năm tới", Masaaki Kanno, kinh tế trưởng tại công ty tài chính Sony Financial Holdings ở Tokyo, nhận định. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận xét: "Kinh tế Trung Quốc khó giảm tốc đột ngột bởi có chính sách hỗ trợ của chính phủ, nhưng sẽ vẫn duy trì đà giảm tốc".

Đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc được cho là do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như tình trạng nợ chính quyền địa phương tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm.

Tuy Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một nhằm hạ nhiệt thương chiến, song triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn khó khởi sắc. Thỏa thuận thương mại được cho là sẽ cải thiện niềm tin của doanh nghiệp, song nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng thực hiện cam kết của Bắc Kinh.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo, tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc đạt 5,9%.

Để ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế, Trung Quốc thường sử dụng đến các biện pháp tài khóa và tiền tệ như giảm thuế, cho phép các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu để tài trợ các dự án hạ tầng. Các ngân hàng cũng được khuyến khích cho vay nhiều hơn nữa, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 8 lần kể từ đầu năm 2018, gần đây nhất là ngay trong tháng 1/2020 này. Theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất cơ bản trong năm nay.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần khẳng định sẽ không kích thích kinh tế quy mô lớn như trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu 2008-2009 và ưu tiên ngăn rủi ro với hệ thống tài chính.

Minh Phương
Theo Reuters