1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kinh tế sụp đổ, hàng triệu người Afghanistan nguy cơ chết đói

Ninh Vân

(Dân trí) - Ước tính 22,8 triệu người, tức là hơn một nửa dân số Afghanistan, đang đối mặt với nạn đói có thể đe dọa mạng sống của họ trong mùa đông này. Nhiều người đang ở trên bờ vực của thảm họa.

Kinh tế sụp đổ, hàng triệu người Afghanistan nguy cơ chết đói - 1

Các phụ nữ bế con tới trung tâm hỗ trợ y tế tại Kandahar, Afghanistan (Ảnh: NYT).

Từng phụ nữ bước vào căn phòng khám xây bằng gạch và bùn, những đứa trẻ đói khát lấp ló dưới những chiếc burqua xám, xanh và hồng nhạt.

Nhiều người đã đi bộ hơn một giờ đồng hồ qua dải đất bạc màu này của miền nam Afghanistan, nơi mảnh đất khô cằn tiếp giáp với bầu trời xám xịt, để tìm thuốc điều trị cho con cái họ. Trong nhiều tháng, những bữa ăn duy nhất trong ngày của họ trở nên thưa thớt hơn vì vụ mùa thất bại, giếng cạn nước và không còn tiền để mua bột mì.

Và khi những cơn gió rít mạnh hơn, sự thật nghiệt ngã ngày càng rõ ràng hơn: Con cái của họ có thể không sống qua được mùa đông này.

"Tôi vô cùng lo sợ, mùa đông này sẽ còn tệ hơn những gì chúng tôi nghĩ", bà Laltak, 40 tuổi, cho biết. 

Gần 4 tháng kể từ khi Taliban lên nắm quyền, Afghanistan đang trên bờ vực của nạn đói mà các nhóm cứu trợ nói đang đe dọa mạng sống của một triệu trẻ em trong mùa đông này - một con số vượt xa ước tính tổng số người thiệt mạng trong chiến tranh tại Afghanistan trong vòng 20 năm qua.

Mặc dù người Afghanistan đã đối mặt với nạn đói trong hàng thập niên, cuộc khủng hoảng lương thực của nước này trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây. Theo một cuộc phân tích của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) và Tổ chức Nông lương (FAO), mùa đông này, ước tính 22.8 triệu người - tương đương hơn một nửa tổng dân số của Afghanistan - đang đối mặt với sự thiếu an ninh lương thực tới mức độ có thể đe dọa mạng sống của họ. Trong đó, 8,7 triệu người đang cận kề nạn đói - tình trạng tồi tệ nhất của khủng hoảng lương thực.

Từ khi Taliban nắm quyền, sự lan rộng của nạn đói là dấu hiệu kinh khủng nhất của sự sụp đổ nền kinh tế, có thể khiến Afghanistan tê liệt. Thực tế là, chỉ sau một đêm, hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài hỗ trợ cho chính phủ phương Tây trước đó đã biến mất và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Taliban đã cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, làm đóng băng các ngân hàng tại Afghanistan và cản trở hoạt động cứu trợ của các tổ chức nhân đạo.

Thảm họa tại Afghanistan xảy ra khi nạn đói gia tăng khắp thế giới những năm gần đây, do đại dịch Covid-19, xung đột và biến đổi khí hậu.

Từ khi Taliban nắm quyền, Mỹ và các nhà tài trợ phương Tây khác đang gặp khó khăn trong việc ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Afghanistan mà không trao tính hợp pháp cho chính quyền mới bằng việc loại bỏ các lệnh trừng phạt hoặc đặt tiền trực tiếp vào tay Taliban.

"Chúng tôi nghĩ rằng việc duy trì những lệnh trừng phạt đối với Taliban là cần thiết nhưng đồng thời tìm cách để hỗ trợ nhân đạo hợp pháp có thể tới tay người Afghanistan. Đó chính xác là điều chúng tôi đang làm", Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Wally Adeyemo cho biết hồi tháng 10.

Nhưng khi tình hình xấu đi hơn, các tổ chức viện trợ đã kêu gọi Mỹ hành động nhanh chóng hơn.

Hồi tuần trước, các quan chức tại Mỹ đã cho thấy sự linh hoạt trong việc nới lỏng những rào cản kinh tế với Afghanistan, khi ban giám đốc của Ngân hàng Thế giới (WB) - trong đó có Mỹ - giải phóng 280 triệu USD tài trợ cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và UNICEF. Tuy nhiên, số tiền này chỉ là một phần nhỏ trong số 1,5 tỷ USD bị WB đóng băng. Hiện chưa rõ nguồn quỹ được giải phóng này sẽ được chuyển tới Afghanistan thế nào.

Khi hàng triệu người Afghanistan bị đẩy tới bờ vực cái chết, chính quyền Taliban đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Biden nới lỏng các hạn chế kinh tế và đã làm việc với các tổ chức quốc tế để cung cấp sự hỗ trợ.

Nằm trên giường, Madina, 2 tuổi, thở thều thào khi bà của cô bé, Harzato, 50 tuổi, chỉnh lại chiếc áo len cho cô. Bà Harzato đã đưa cô bé tới các dược sĩ địa phương ba lần, xin thuốc cho tới khi người này nói rằng không thể làm gì hơn và "chỉ có bác sĩ mới cứu được đứa trẻ".

"Chúng tôi sống ở rất xa với bệnh viện, tôi đã rất lo lắng và tuyệt vọng", bà Harzato nói. "Tôi đã tưởng con bé không thể qua khỏi".