1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kinh tế Nga 2015 đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev đều khẳng định như vậy khi đề cập đến tình hình kinh tế trong thông điệp liên bang và tổng kết hoạt động năm 2015 của xứ sở Bạch dương.

Mặc dù thừa nhận giá dầu thô dao động ở mức thấp cùng với tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt từ tháng 3-2014 đã khiến cho nền kinh tế Nga năm 2015 trở nên lao đao, song giai đoạn khó khăn nhất đã qua và tình hình không còn quá nguy kịch khi có những xu hướng tích cực, lạm phát, đồng nội tệ ổn định, sản xuất công nghiệp phát triển mạnh.

Hẳn nhiều người còn nhớ, trong Thông điệp Liên bang 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ kéo dài 2 năm, và sau đó sẽ là giai đoạn "phục hồi và tăng trưởng"- tất yếu sẽ kéo theo nhu cầu năng lượng gia tăng. Không những thế ông cho rằng các biện pháp trừng phạt và hạn chế từ bên ngoài sẽ chỉ là động lực để người Nga làm việc hiệu quả hơn và bày tỏ sự tin tưởng rằng "sự phục hồi và tăng trưởng là không thể tránh khỏi". Nga sẽ kéo theo một nền kinh tế thế giới đang phát triển, trong đó nhu cầu năng lượng sẽ tăng.

Tuy nhiên, trong Thông điệp Liên bang 2015, ông Putin thừa nhận sự phức tạp tình hình, trong đó nhấn mạnh đến việc cần thay đổi cơ cấu nền kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, không chỉ trong lĩnh vực nguyên liệu thô, cần hỗ trợ tài chính đối với các ngành có nhiều rủi ro (như xây dựng, ôtô, công nghiệp nhẹ, kỹ thuật đường sắt), tăng cường lòng tin giữa chính phủ và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và cuối cùng là cần chi tiêu nguồn ngân sách cân bằng.

Có thể thấy vấn đề phân bổ ngân sách gần như đóng vai trò quan trọng nhất. Ông Putin nhấn mạnh thâm hụt ngân sách liên bang năm 2016 không được vượt quá 3% GDP, thậm chí nếu doanh thu của Nga thấp hơn dự kiến. Đây là một điều kiện thiết yếu để ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính độc lập của đất nước. Ông Putin cũng không loại trừ khả năng Bộ Tài chính sẽ phải cắt giảm triệt để chi tiêu, kể cả các khoản chi tiêu xã hội do trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã cảnh báo rằng giá dầu rẻ có thể dẫn đến sự mất ổn định tài chính và thâm hụt ngân sách có thể vượt mức giới hạn 3% GDP.

Dự thảo Ngân sách Nga năm 2016 được xây dựng trên cơ sở dự đoán giá dầu mỏ trong năm 2016 đứng ở mức trung bình 50 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao dịch trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay vào khoảng 43 USD/thùng, thậm chí còn thấp hơn.

Mặc dù vậy, bất chấp sự phức tạp của tình hình, nền kinh tế Nga đang trải qua những thay đổi tích cực: sản xuất công nghiệp cũng như tỷ giá đồng nội tệ đang đi vào ổn định, lạm phát có xu hướng giảm, tình trạng thoái vốn giảm so với năm 2014.

Trong khi đó, Thủ tướng Nga, trong chương trình "Trò chuyện với Dmitry Medvedev", ông cũng tổng kết lại hoạt động của chính phủ trong năm vừa qua và đề ra kế hoạch trong năm tới. Ông Medvedev tuyên bố rằng "kế hoạch chống khủng hoảng đã được khởi động và đã đưa nền kinh tế Nga vượt qua giai đoạn khó khăn nhất".

Kinh tế Nga 2015 đã qua giai đoạn khó khăn nhất - 1

Kinh tế Nga đang có dấu hiệu phục hồi.

Theo Thủ tướng Nga, một trong những nhiệm vụ của kế hoạch chống khủng hoảng là không để mức sống của người dân đi xuống. Trong năm vừa qua, nền kinh tế đã đi xuống và các hoạt động sản xuất ngưng trệ, nhưng năm tiếp theo sẽ là một năm tăng trưởng.

Ngoài việc đề cập đến các chỉ số lương hưu và hỗ trợ hệ thống tài chính, ông Medvedev khẳng định hệ thống ngân hàng hiện vẫn hoạt động bình thường và nông nghiệp có thể đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3% trong năm 2015. Mức sống của người dân kém hơn so với họ mong muốn, nhưng họ hiểu rõ những điều kiện hiện nay và vẫn có thể phát triển.

Ông Medvedev cũng cho biết cho tới hiện giờ, nhà nước vẫn không thực hiện việc thay đổi độ tuổi nghỉ hưu. Theo ông Medvedev, dự báo tăng trưởng một cách thực tế nhất vào năm 2016 có thể là 1% và lạm phát trong năm tới có thể giảm xuống mức 6,4%.

Đề cập đến tình hình thị trường dầu mỏ, ông Medvedev nhấn mạnh: "Chúng ta có phương án B và C trong trường hợp giá dầu không thuận lợi, thậm chí sẽ giảm xuống mức dưới 40 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây". Mặc dù thừa nhận đã có sự sụt giảm một phần ngân sách nhà nước cho giáo dục năm 2016 và tăng ngân sách cho ngành y tế nhưng Nga vẫn duy trì những ưu tiên cho xã hội, đặc biệt những hỗ trợ ngành y tế bằng công nghệ cao, chính phủ sẽ sử dụng nguồn tài chính trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Dự trữ ngoại tệ của liên bang cũng vượt qua giai đoạn khó khăn. Để bổ sung cho dự trữ ngoại tệ liên bang, Ngân hàng Trung ương đang tiếp tục thu mua ngoại tệ. Thủ tướng giải thích: "Hiện đồng rúp của chúng ta đang có độ biến động khá cao và khi vừa xuất hiện cơ hội, Ngân hàng Trung ương đã mua vào ngoại tệ. Chúng ta sẽ tiếp tục tiến hành việc này".

Đối với một quốc gia như Nga, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, sự tinh thông về công nghệ cùng lực lượng lao động có tay nghề, lệnh trừng phạt hay bất cứ yếu tố tiêu cực nào có thể có tác dụng trái chiều. Tóm lại, Nga có tất cả những điều kiện cần để phát triển mạnh, bất chấp -  hay - nhờ vào các lệnh trừng phạt. Nhưng việc biến cơ hội thành hiện thực đòi hỏi Nga phải tiến hành cải cách kinh tế.

Theo Bảo Trân (tổng hợp)

An ninh thế giới